Andrew Alexander Bonar nhận biết giá trị thật của sự cầu nguyện

Oneway.vn – Kinh nghiệm dạy tôi rằng phương tiện duy nhất để thành công không phải là lao động vất vả mà là cầu nguyện không thôi”, Andrew Bonar nói.


Là lãnh đạo phong trào phục hưng ở Scotland – Kilsyth Revival, Andrew hiểu rõ về thành công, bí mật của ông chính là đời sống cầu nguyện. “Tôi đã nỗ lực để cầu nguyện không thôi … mỗi giờ trong ngày, bất kể đang làm việc gì tôi cũng gác lại để dành thời gian cầu nguyện với Chúa. Tôi tìm cách giữ linh hồn mình trong bóng cánh ân điển Ngài”.

Ông viết “… thà bỏ rơi bạn bè còn hơn là không cầu nguyện, thà gấp rút hay thậm chí bỏ bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và cả giấc ngủ – vẫn hơn là không cầu nguyện.”

Andrew sinh ra tại Edinburgh. Cha ông qua đời khi ông mới bảy tuổi. Anh trai ông đã giúp mẹ mình nuôi nhiều miệng ăn khi không có cha. Khi còn bé, Andrew là một trong những học sinh Latin giỏi nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, ông rất khiêm tốn về thành tích của mình. Khi giành được huy chương vàng, ông không nói gì cho đến khi mẹ hỏi ai đã giành được nó. Nhận thức rõ ý nghĩa của việc trở thành mục sư, ông đã chờ đợi hai năm đến khi chắc chắn mình đã “ở trong Đấng Christ” trước khi bắt đầu nghiên cứu về Ngài. Ông đã cố gắng trở nên đủ thánh khiết để được vào vương quốc Chúa, và cuối cùng nhận ra rằng mình không thể, nhưng chỉ có Đấng Christ mới có thể thay ông đáp ứng được yêu cầu của Đức Chúa Trời.

Sau khi học thần học tại một trường đại học lớn ở quê nhà, Andrew trở thành mục sư, đầu tiên quản nhiệm tại Collace và sau đó là ở Glasgow. Giống như anh trai Horatius (nhạc sĩ viết thánh ca), ông tham gia Hội Thánh Tự do khi thành lập năm 1843.
Vài người bạn thân của Andrew là các nhà truyền giáo đáng chú ý nhất thời đó, bao gồm Robert Murray McCheyne, đã cùng ông đến Palestine để xem người Do Thái sống ở đó như thế nào. Khi McCheyne qua đời, Andrew nói: “Chưa có người bạn nào tôi yêu thương như anh ấy”. Ông đã viết tiểu sử của McCheyne.

Những mất mát khác tiếp tục theo sau: vợ và con trai sơ sinh của ông qua đời. Hai năm sau, ông viết trong hồi ký rằng mình gần như suy sụp ngay trên toà giảng khi nhớ về người vợ yêu dấu của mình – Isabella.

Lời giảng của Andrew rất đơn giản và thực tế. Trong lời giảng của ông nói rằng, “Những lời cuối của Chúa Jesus trong đêm Ngài bị nộp là một nốt nhạc vui vẻ, dù Ngài biết rõ điều gì sắp xảy ra. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng quên đi bản thân như Chúa Jesus, để giúp bạn hữu mình khỏi đau buồn, miễn là chúng ta còn có thể. Khi gặp khó khăn, hãy hát ca ngợi Chúa. Nếu bạn sợ hãi những gì sắp xảy đến, hãy hát, thay vì ngồi nghiền ngẫm trong đau đớn.”

Andrew đã viết sách về các chủ đề trong Kinh Thánh. Thỉnh thoảng độc giả gửi thư cho ông, nói về việc họ đã được biến đổi qua các tác phẩm của ông như thế nào. Một tựa sách thú vị của ông là “Đấng Christ và Hội Thánh Ngài trong Thi thiên”. Ông viết: “Xin Chúa dùng quyển sách này để nhiều người thấy rằng họ luôn được chu cấp đầy đủ trong Đấng Christ!”

Andrew qua đời vào năm 1892, là người sống thọ nhất trong vòng các anh chị em mình. Ông đã tập hợp các con mình quanh giường, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với họ trước lúc ra đi.

Dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianity.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *