Oneway.vn – Chồng tôi trở về nhà và nhìn thấy tôi nằm úp mặt trên ghế sô-pha. Căn nhà nhìn như mới bị cướp. Bọn trẻ đang hò hét tìm cách cưỡi đủ kiểu trên lưng tôi.
“Ngày hôm nay của anh thế nào?”, tôi lẩm bẩm hỏi, vì không ngước mặt nổi khỏi tấm đệm.
“Tốt, em à”, anh trả lời. “Anh có vài cuộc họp. Ngoài ra, còn viết xong kịch bản mấy video mới cho Phục Sinh, skype với một người ở Mỹ, soạn bài nói chuyện cho hội nghị và gửi bản thảo để họ xem qua, gửi đơn gây quỹ tới một số nơi, có một buổi học về Ba Ngôi với các thực tập sinh. Còn em thì sao? Em làm được gì rồi?”
Đầu tôi tuôn ra một loạt ý nghĩ trong khi bọn trẻ thì đang dùng mấy ngón tay nhỏ xíu nhét đất nặn vào tai tôi:
“Ừm. Em cố giữ cho thằng con mình không trèo vào máy giặt, không cạo cái tủ lạnh, không ăn thức ăn của mèo, không cởi tã của nó ra, không đút tay vào ổ cắm, không kéo đuôi mèo, không thả dao nhựa xuống bồn cầu. Phải giả làm xe rác và nhân viên dọn rác. Soạn được nửa cái email, điền mấy cái đơn cho trường, nhắn tin với một người bạn, đi mua đồ, ủi đồ, nghe một đoạn Thi Thiên, nấu bữa trưa (bữa ăn mà thằng nhỏ ném trên sàn nhà), giả làm tiếng xe tải, chùi mấy cái vết thức ăn mà không biết nó là gì ở trên sàn, trả lời tin nhắn ở trường báo rằng con gái gặp một sự cố nhỏ là bị chảy máu mũi do nó móc mũi quá mạnh. Rồi còn nấu ăn tối, đẩy mấy cái thùng rác tái chế ra ngoài (trong khi tiếp tục giả làm tiếng xe rác).”
Tôi đáp: “E chẳng làm gì cả!”
Tôi chẳng đi diễu hành vì hòa bình thế giới, chẳng viết được quyển tiểu thuyết nào, chẳng lập được một công việc nào cho riêng mình, chẳng sắp xếp hồ sơ, chẳng trả sách thư viện, chẳng tạo nên một làn sóng nào trên mạng (ngoại trừ làm đứt luôn cái mạng do rút nhầm dây cắm cục phát), chẳng đưa con đi chơi Disneyland hoặc giúp con vượt qua bệnh tật gì ghê gớm, chẳng chạy nổi một cuộc marathon (thậm chí chạy bộ còn không nổi), chẳng đi xem bắc cực quang.
“Làm gì có chuyện em không làm gì”, anh nói.
“Chẳng làm gì” ≠ Chẳng là gì
Nếu xem lại cách tôi đã sử dụng thời gian một ngày của mình, tôi nhận ra những điều tôi đã làm góp phần cho một điều gì đó lớn lao hơn nhiều.
Tôi đã chăm sóc cho một con người bé nhỏ chẳng thể tự chăm sóc chính mình. Tôi đã thu phục một phần nhỏ của trái đất, tạo ra một mái ấm, lắng nghe lời của sự sống để nuôi dưỡng tâm hồn mình, hoàn thành một số việc hành chính, đầu tư cho việc học của con gái, tìm kiếm lương thực cho những người thân yêu (ý nói việc mua sắm ấy), tuôn đổ những món quà tâm huyết trên các con dưới dạng thức ăn vặt sau khi đi học về, khích lệ một người đang gặp nan đề, trải qua một ngày bước đi cùng với Đức Chúa Trời hằng sống, tạo điều kiện cho chồng tôi chia sẻ Phúc Âm, thể hiện một vai diễn đáng được đề cử giải Oscar là giả làm xe rác!
Ở giai đoạn này trong cuộc sống, tôi chủ yếu dành thời gian ở nhà với các con nhỏ. Việc ấy đôi khi rất tuyệt vời, đôi khi rất khó khăn. Nhưng dù tôi có nghĩ thế nào thì đó cũng không phải chẳng là gì.
Có lẽ bạn cảm thấy cuộc đời mình không đạt được gì lớn lao, nhưng có lẽ bạn đang làm được nhiều điều hơn bạn nghĩ.
Còn bạn thì sao? Có thể bạn đang là sinh viên, cố gắng học hành chăm chỉ nhưng không kiếm được đồng nào. Có thể bạn đã về hưu, chỉ ở nhà và phải sống phụ thuộc vào người khác. Có thể bạn đang tranh chiến với bệnh tật hoặc đau buồn. Có thể bạn đã vùi mình trên giường hết nửa ngày.
Có lẽ bạn cảm thấy cuộc đời mình không đạt được gì lớn lao, nhưng bởi ân điển Chúa, có lẽ bạn đang làm được nhiều điều hơn bạn nghĩ.
Danh sách công việc của Đô-ca
Kinh Thánh cho chúng ta một ví dụ về một người “chẳng làm gì cả”, nếu nói theo một góc nhìn nào đó. Dù vậy, đó lại là một trong những anh hùng của Tân Ước.
Sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 19 thuật lại câu chuyện về bà Đô-ca, người dành ra nhiều ngày tháng để làm điều mà nhiều người sẽ gọi là “chẳng làm gì”. Bà chẳng viết một quyển sách bán chạy nào, chẳng mở hội thánh, chẳng xuất hiện trước sân khấu đông người. Chúng ta không biết bà sống độc thân hay đã kết hôn, là người thu hút hay đơn điệu, chỉ biết rằng: Bà phục vụ người khác cách thầm lặng. Những việc làm nhân ái của bà sẽ chẳng bao giờ bị quên lãng.
Câu chuyện về bà Đô-ca (còn gọi là Ta-bi-tha) chỉ được ghi lại qua một vài câu Kinh Thánh, nhưng chúng nói lên rất nhiều điều. Chúng ta biết được bà là một môn đồ của Chúa Jêsus, bà “làm nhiều việc thiện và hay bố thí” (Công 9:36). Một ngày kia, bà bị ốm và qua đời. Cộng đồng nơi bà sống rất đau buồn và phái người tìm đến Phi-e-rơ để ông cầu nguyện và làm cho bà sống lại. Kết quả của sự kiện này là: “Việc ấy loan truyền khắp Giốp-bê nên có nhiều người tin theo Chúa.” (Công 9:42)
Không chắc bà Đô-ca có là một người góa bụa hay không nhưng chắc chắn bà đã giúp những người phụ nữ góa. Họ thuộc những người ở dưới đáy xã hội, yếu đuối và đặc biệt dễ bị tổn thương. Dù vậy, hãy xem những gì mà sự phục vụ “tầm thường” của bà đã đạt được. Bà được yêu quý đến nỗi hội thánh không thể ngồi yên khi mất bà. Bà là một chứng nhân tuyệt vời cho Chúa Jêsus, không chỉ thông qua cuộc đời lúc còn sống mà thậm chí còn nhiều hơn qua sự chết và sự sống lại của bà.
Sự lao động vô hình
Chúng ta có khuynh hướng cảm thấy cuộc sống và sự phục vụ thông thường của chúng ta không mấy giá trị, đặc biệt khi so sánh với những tiêu chuẩn về sự thành công trong nền văn hóa chúng ta. Thật dễ để cho rằng chúng ta đang không làm gì cả. Nhưng điều đó không đúng. Một người mắc bệnh kinh niên không thể ra ngoài, chỉ có thể ở nhà và trung tín cầu nguyện cho người khác, nhờ đó góp phần đem lại những điều lớn lao cho Vương quốc Chúa. Đức Chúa Trời sử dụng những con người yếu đuối, “vô hình” và ít được chú ý đến.
Hãy nhớ đến Đô-ca! Ngay cả những công việc tầm thường nhất nhưng được làm bằng đức tin cũng đem lại vinh quang cho Chúa (2 Cô 4:16–18). Bất kể bạn đang làm gì thì đó không phải chẳng là gì!
Bài: Emma Scrivener; dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)