Oneway.vn – Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha. (Giăng 14:12; TTHĐ)
Người có đức tin chân thật nơi Chúa Jesus nhận được lời hứa rằng người ấy sẽ làm những việc lớn hơn những việc Chúa đã làm. Nhưng “lớn hơn” ở đây nghĩa là gì? Phải chăng Cơ Đốc nhân sẽ làm những việc còn vi diệu hơn việc Chúa đã làm? Thật khó hình dung phép lạ nào có thể hơn được các phép lạ của Chúa Jesus. Như vậy, “lớn hơn” ở đây không mang ý nghĩa đó.
Phải chăng “lớn hơn” có nghĩa là “nhiều hơn” hoặc “trải rộng” hơn? Nếu theo nghĩa đó, Cơ Đốc nhân quả thật đã làm những việc “lớn hơn” Chúa Jesus: Chúng ta đã rao giảng Tin Lành khắp thế giới, nhìn thấy hàng triệu người tin nhận, chúng ta đã cứu tế, cung cấp thực phẩm và giáo dục cho hàng triệu người.
Như thế, các việc “lớn hơn” có thể là đưa dắt thêm nhiều người vào Hội thánh thông qua lời chứng của các môn đồ Chúa Jesus (xem Giăng 17:20; 20:29), và rồi tuôn chảy lòng nhân từ ra thế giới thông qua những cuộc đời được Chúa biến đổi.
Chúa Jesus phán, những việc lớn hơn sẽ xảy ra bởi vì “Ta đi về với Cha”. Nói cách khác, việc ra đi của Chúa Jesus thông qua sự chết, sự sống lại và sự thăng thiên của Ngài là tiền đề cho sứ mệnh của môn đồ Ngài. Vì Ngài “về với Cha” nên Hội thánh tiếp nối nhiệm mạng của Ngài trên đất.
Ngoài ra, sự thăng thiên của Chúa Jesus là điều kiện cho sự giáng lâm của Đức Thánh Linh như Chúa Jesus đã hứa (Giăng 7:39; 16:7), Đấng sẽ hành động cùng với các môn đồ trong công tác làm chứng của họ (Giăng 15:26; so sánh với 16:7–11). Vì những lý do đó, các môn đồ của Chúa Jesus sẽ làm những việc “lớn hơn” việc Ngài đã làm.
Mặc dù lời giải thích này hoàn toàn đúng đắn, nhưng tại sao Chúa Jesus lại dùng từ “việc lớn hơn” trong khi lời giải thích trên lại có vẻ theo hướng “nhiều việc hơn”?
Đặc ân lớn hơn trong Vương quốc
Có thể sẽ giúp ích khi chúng ta so sánh với một lời phán khác của Chúa Jesus:
“Thật, Ta bảo các ngươi, trong những người do người nữ sinh ra, không ai cao trọng hơn Giăng Báp-tít; tuy nhiên, người nhỏ nhất trong vương quốc thiên đàng còn cao trọng hơn ông ấy.” (Mat. 11:11)
Điểm so sánh ở đây là: Cho dù không ai so được với sự vĩ đại (cao trọng) của Giăng Báp-tít, nhưng ông ấy chưa bao giờ được dự phần vào Vương quốc thiên đàng, bởi vì sự kêu gọi của Giăng xảy ra quá sớm trong lịch sử cứu chuộc. Theo nghĩa ấy, người nhỏ nhất nhưng được đặc ân tham gia vào Vương quốc vẫn lớn hơn Giăng Báp-tít. Đó là sự vĩ đại hơn về đặc ân, một sự vĩ đại được ban cho cùng với đặc quyền được tham gia vào thời đại lai thế (còn gọi là thời đại cánh chung hay thời kỳ cuối) đã được Chúa Jesus mở ra.
Cách nhìn tương tự cũng có thể được áp dụng cho Giăng 14. Bởi công tác cứu chuộc và việc trở “về với Cha” của Chúa Jesus, Ngài đã mở ra giai đoạn mới trong lịch sử cứu chuộc, và các môn đồ được tham gia vào những công việc đặc trưng cho thời đại lai thế đã được tỏ ra này, thông qua sứ mệnh họ đang thực hiện.
Chúa Jesus khi còn thi hành chức vụ của Ngài trên đất chưa bao giờ làm điều đó, nhưng công tác của Ngài mở ra điều đó; Ngài đã rời khỏi thế gian và bản thân Ngài không tham gia vào thời đại này sau lễ Ngũ Tuần (về mặt phần xác).
Điều này không có nghĩa là các môn đồ của Chúa Jesus vĩ đại hơn Chúa, nhưng là các công việc của họ lớn hơn công việc của Chúa theo phương diện sau: Họ được đặc ân dự phần vào những hiệu quả của công tác mà Chúa Jêsus đã hoàn tất. Cho đến khi Chúa Jêsus trở về với Cha Ngài và ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ thì mọi điều Ngài làm – cần thiết phải có – mới được hoàn tất.
Trái lại, các công việc của môn đồ Ngài được diễn ra trong thời đại mới này, là thời đại mở ra khi công tác của Chúa Jesus được hoàn tất. Những việc họ làm “lớn hơn” theo nghĩa chúng được đặc ân xảy ra sau khi công tác của Chúa Jesus đã được làm trọn.
Chúa Jesus đã giành lấy những đặc ân cho chúng ta
Bức tranh tuyệt mỹ này phải liên tục được mở ra trước mắt mỗi Cơ Đốc nhân khi họ làm chứng.
Đức tin của chúng ta nơi Chúa Jesus không đẩy chúng ta vào một sự tranh chiến khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, hoặc kết quả dường như không chắc chắn, hoặc phước lành ngọt ngào mà Chúa hứa vẫn chỉ là sắp đến.
Trái lại: Đức tin của chúng ta nơi Chúa Jesus đẩy chúng ta vào một sự tranh chiến mà trận chiến quyết định đã có kết quả chiến thắng, phước lành của thời đại lai thế mà Chúa hứa đã hiện ra, dù cho nó chưa được trọn vẹn.
Thật vậy, những nỗ lực vấp váp của chúng ta đang dự phần vào sự đắc thắng của Đấng Christ, và vào công tác của Đức Thánh Linh để kêu gọi nhiều môn đồ cho Đấng Cứu Thế, là Chúa và Chủ mà chúng ta đang có đặc ân được hầu việc.
Đây là những chiều kích thật sự của sự kêu gọi, và những hoạt động dù trần tục nhất của chúng ta cũng phải được đem so với bức tranh tổng thể này.
Tất cả những điều này xảy ra bởi vì Chúa Jesus đã hoàn thành công tác của Ngài, đúng như sự mặc khải của Đức Chúa Cha, bằng cách trở “về với Cha” thông qua thập tự giá. Công tác này khiến Ngài trả giá tất cả.
Hai lần Chúa tỏ ra rằng tâm linh Ngài vô cùng sầu khổ (Giăng 12:27; 13:21) khi nghĩ đến những thời khắc ở phía trước; dù vậy, cũng chính công tác ấy đã tạo nên cơ sở để Ngài có thể nói với các môn đồ mình rằng: “Lòng các con đừng bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa.” (Giăng 14:1)
Bài: Don Carson, dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)