Oneway.vn – Mỗi người đều sống theo hình ảnh vinh hiển của Đức Chúa Con, cũng chính là hình ảnh của Đức Chúa Trời, theo những cách riêng.
Mỗi chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời nhờ Chúa Jêsus Christ là Con Một Đức Chúa Trời. Mỗi người đều sống theo hình ảnh vinh hiển của Đức Chúa Con, cũng chính là hình ảnh của Đức Chúa Trời, theo những cách riêng (Rô-ma 8:29; Hê-bơ-rơ 1:3).
Nhưng tất cả chúng ta đều phải mang những nét giống gia đình vinh quang của mình.
Cách Đức Chúa Trời bày tỏ sự vinh hiển của Ngài
“Môi-se thưa: “Xin cho con được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18). Đức Chúa Trời đáp lời Môi-se: “Ta sẽ thể hiện sự toàn hảo của Ta trước mặt con; Ta sẽ công bố danh Giê-hô-va trước mặt con; Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19). Sau đó, Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se lên núi Si-na-i và giấu Môi-se trong kẽ đá, che chắn ông trước vinh quang thánh khiết chói lòa của Ngài, và tuyên bố:
“Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến nghìn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; Nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6–7).
Khi con người cầu xin Đức Chúa Trời bày tỏ vinh quang Ngài, để nhìn thấy vẻ đẹp của bản chất Ngài, thì đây là những gì Ngài cho họ thấy. Khi con người muốn biết Chúa thực sự ra sao, thì đây chính là điều Ngài sẽ nói với họ.
Đây là lời Đức Chúa Trời tự bày tỏ về chính Ngài nổi bật nhất trong Cựu Ước (Dân Số Ký 14:18; Nê-hê-mi 9:17; Thi Thiên 86:15; 103:8; 145:8; Giô-ên 2:13; Giô-na 4:2). Và khi Đức Chúa Con trở lại trong những ngày sau rốt – chính là hình ảnh trung thực của bản thể Đức Chúa Cha (Hê-bơ-rơ 1:2–3) – thì đây sẽ là vinh quang thánh, danh thánh mà Ngài biểu lộ rõ ràng nhất trên thế giới (Giăng 17:6).
Và sau đây là những đặc điểm của gia đình vinh hiển, thánh khiết mà mọi con cái Chúa đều phải có – dù là cá nhân hay tập thể Hội Thánh.
Nhân từ và thương xót
Điều đầu tiên Đức Chúa Trời mô tả chính Ngài không phải là Đấng phán xét kẻ có tội, mà là Đấng “nhân từ, thương xót … Tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi”. Thật đáng kinh ngạc vì Ngài là Đấng thánh khiết – đến mức khiến tội nhân khiếp sợ tột độ (Ê-sai 6:5), và ngã quỵ như chết (Khải Huyền 1:17). Lời đầu tiên Đức Chúa Trời thánh khiết của chúng ta bày tỏ về Ngài chính là Phúc Âm!
Đây là lý do con cái Đức Chúa Trời cũng phải đầy lòng thương xót và ân điển. Đặc điểm này là bằng chứng cho thấy chúng ta đã thực sự gặp gỡ và được Chúa biến đổi – rằng chúng ta đã được tha thứ nhiều vì Chúa yêu con cái Ngài nhiều, vì vậy chúng ta phải lan tỏa ân điển Ngài đến cho người khác (Lu-ca 7:47).
Chậm giận
Điều thứ hai Đức Chúa Trời mô tả bản thân Ngài là “chậm giận”. Đấng thánh khiết nhất từng hiện hữu, phẩm giá bị hạ nhục, bị xúc phạm bởi tội lỗi chúng ta, cũng là Đấng sẵn sàng chịu đựng bao phẫn nộ và sỉ nhục, vì Ngài thực sự quan tâm đến chúng ta. Ngài kiềm chế cơn giận lớn của mình – điều này đòi hỏi nhiều năng lực hơn chúng ta tưởng tượng – và “kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9).
Con cái Đức Chúa Trời, những người được tiếp nhận và tận hưởng lòng kiên nhẫn thánh khiết tuyệt vời của Ngài, cũng phải bày tỏ lòng kiên nhẫn thánh khiết tuyệt vời này với những người tội lỗi. Vì Ngài muốn thể hiện tính kiên nhẫn với tội nhân qua tấm lòng nhẫn nại chính của chúng ta đối với họ.
Dư dật ân huệ và thành thực
Điều thứ ba mà Đức Chúa Trời tiết lộ về chính Ngài là “dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến nghìn đời”. Không những nhân từ, kiên nhẫn, Ngài còn dư dật tình yêu thương. Tình yêu Ngài dư dật, nghĩa là luôn có đầy đủ cho chúng ta. Ân huệ dư dật của Ngài luôn ở bên chúng ta bền bỉ qua mọi thất bại và yếu đuối. Và tình yêu Ngài hoàn toàn thành tín, một khi đã lập giao ước, Ngài sẽ không bao giờ rút lại.
Con cái Chúa phải có có nét tương đồng đầy yêu thương này: chúng ta yêu nhau như Ngài đã yêu chúng ta (Giăng 15:12). Thế giới sẽ biết chúng ta là con Đức Chúa Trời qua cách chúng ta yêu thương, kiên định và trung thành (Giăng 13:35).
Không kể kẻ có tội là vô tội
Vinh quang thứ tư Đức Chúa Trời tiết lộ về chính Ngài là “không kể kẻ có tội là vô tội”. Điều này nghe có vẻ rất khác với ba đặc tính kia. Nghe có vẻ chẳng “Phúc Âm” chút nào! Nhưng đây chính là điều khiến cho Phúc Âm trở nên tuyệt vời đến thế. Điều này biểu lộ rõ ràng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, là nền tảng của mọi phước hạnh mà chúng ta nhận được.
Nếu Đức Chúa Trời để cho kẻ có tội thoát khỏi hình phạt, thì Ngài không còn thánh khiết, công bình, và không còn tốt lành nữa. Và nếu Ngài không tốt lành, thì việc sống đời đời với Ngài sẽ không phải là thiên đàng, mà là địa ngục. Chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc với một Thượng Đế xấu xa, bất công.
Và đây là toàn bộ ý nghĩa của thập tự giá Đấng Christ, mấu chốt lịch sử nhân loại. Qua thập tự giá, Đức Chúa Trời có thể “chứng tỏ chính Ngài là công chính và xưng công chính cho người nào đặt lòng tin nơi Đức Chúa Jêsus” (Rô-ma 3:26). Trên thập tự giá, tội lỗi được xóa bôi hoàn toàn, và tội nhân nào ăn năn sẽ được tuyên trắng án. Trên thập tự giá, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài là Đấng nhân từ và thương xót, trỗi hơn hẳn sự kiện trên núi Si-na-ni hay bất cứ sự kiện lịch sử nào khác liên quan đến lòng thương xót hoặc sự phán xét.
Do đó, con cái thánh khiết của Đức Chúa Trời, những người đi theo Ngài, cũng không xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Chúng ta không bao giờ gọi điều ác là thiện (Ê-sai 5:20). Chúng ta không bao giờ che giấu sự thật, rằng sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống những tội nhân không ăn năn và không chịu tin cậy Đấng Christ – một lời cảnh báo Đức Chúa Trời đã nhắc đi nhắc lại rõ ràng trong Kinh thánh. Chúng ta cần liên tục hướng người khác về phía thập tự giá, chỗ kẽ đá vững an thật được tiên tri qua kinh nghiệm của Môi-se trên núi Si-na-i.
Chờ đợi để được biến đổi
Nếu chúng ta muốn nhìn thấy vinh quang Đức Chúa Trời, thì Ngài đã tỏ mình ra rõ ràng qua Lời Thánh: Ngài nhân từ và thương xót, chậm giận, dư dật tình yêu thương cùng lòng thành tín, và Ngài sẽ không bao giờ bỏ qua tội lỗi. Ngài không bao giờ cho phép tội lỗi thoát khỏi trừng phạt. Và Chúa đã biểu lộ rõ ràng vinh quang Ngài qua thập tự giá Đấng Christ. Thập tự giá luôn ở đó để chúng ta chiêm ngưỡng.
Vì vậy, hãy xét lại mình! Càng nhìn, chúng ta càng thấy “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh” (2 Cô-rinh-tô 3:18). Chúng ta cũng ngày càng biểu hiện rõ những đặc điểm của gia đình thánh.
Bài: Jon Bloom; dịch: Jennie
(Nguồn: desiringgod.org)
Leave a Reply