Oneway.vn – Người trưởng thành thường cho rằng dạy Kinh Thánh cho thiếu nhi mang lại ích lợi cho các em, chứ không phải cho bản thân người dạy. Điều này có đúng không?
Đôi khi chúng ta cho rằng mình đã trưởng thành với những hiểu biết vượt xa những bài học giản đơn dành cho thiếu nhi. Cũng có thể chúng ta bỏ bê việc học hỏi khi quá chú tâm vào việc dạy dỗ. Nhưng dạy Kinh Thánh cho thiếu nhi không chỉ vô cùng bổ ích cho linh hồn các em mà còn cho chính người giáo viên nữa.
Dưới đây là năm cách Chúa biến đổi bạn mạnh mẽ qua công tác dạy dỗ thiếu nhi.
1. Giúp chúng ta ôn lại những câu chuyện Kinh Thánh
Thiếu nhi thích nghe những câu chuyện hay, nên việc giảng dạy Kinh Thánh theo phương pháp kể chuyện sẽ hấp dẫn các em. Thử thách ở đây là kể như thế nào để tất cả những câu chuyện nhỏ trong Kinh Thánh đều phù hợp với câu chuyện chung.
Tôi đã trải nghiệm điều này khi đào tạo những giáo viên mới cho mục vụ thiếu nhi, khi đang nghiên cứu xem sách Các quan xét kết nối như thế nào với cốt truyện chung của Kinh Thánh. Đó là một bài tập mà chúng tôi chưa bao giờ thực hiện, kể cả các tín đồ trưởng thành.
Sách Các quan xét liên kết với cốt truyện chung Kinh Thánh như sau:
– Chúa đặt sách Các quan xét trong câu chuyện của Ngài, vì vậy sách này cũng chứa đựng chân lý quý giá mà chúng ta cần.
– Sách Các quan xét nói về tình trạng chiến tranh đáng lo ngại, cho thấy tội lỗi (xuất hiện trong Sáng thế ký 3) đã phát triển như thế nào.
– Trong Các quan xét, Đức Chúa Trời cho phép quân địch liên tục nổi lên, đây là một khuôn mẫu qua xuyên suốt Kinh Thánh cho đến khi lên đến đỉnh điểm.
– Các nhà lãnh đạo thiếu sót trong Các quan xét cho thấy nhu cầu về một Người Chăn hiền lành, chính là Chúa Jesus sẽ đến sau này.
Để trình bày câu chuyện Kinh Thánh tổng thể cho thiếu nhi, trước tiên chúng ta phải nắm bắt mọi thứ. Việc chuẩn bị kế hoạch giảng dạy sẽ xúc tác cho việc học Kinh Thánh của chính chúng ta.
2. Giúp chúng ta đơn giản hóa mọi việc
Dạy thiếu nhi đòi hỏi sự đơn giản. Giáo viên phải minh họa và cụ thể, không trừu tượng. Điều này buộc chúng ta làm “sắc nét” ngôn ngữ thần học của mình, khiến mọi thứ trở nên rõ ràng.
Hầu hết người lớn nghĩ rằng mình nói chuyện rất rõ ràng dễ hiểu, nhưng sự thật không phải thế. Điều này được phơi bày khi bạn dạy thiếu nhi. Đó là bài kiểm tra chính xác cho rằng bạn có rõ ràng hay không. Với trẻ em, biệt ngữ tôn giáo là những từ vô nghĩa. Dùng từ ngữ quá “thần học” sẽ khiến các em buồn chán và bồn chồn.
Nhưng khi dạy thiếu nhi, lời giải thích dài dòng cần phải được rút gọn thành những điều đơn giản. Thay vì lặp lại một điều bằng cùng một cách, chúng ta phải trình bày theo nhiều góc độ để thu hút nhiều phương pháp học khác nhau. Thông điệp lộn xộn với quá nhiều ý tưởng cần được thay đổi, xoay quanh một ý tưởng lớn nhất.
Dạy thiếu nhi giúp chúng ta hiểu rằng phức tạp không có nghĩa là sâu sắc. Như Woody Guthrie từng châm biếm: “Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể khiến mọi điều trở nên phức tạp. Nhưng cần cả một thiên tài để làm mọi việc trở nên đơn giản”.
3. Giúp kết hợp thần học và óc sáng tạo
Dạy thiếu nhi đòi hỏi chúng ta trình bày chân lý một cách sáng tạo. Là nguồn gốc của sự khôn ngoan và thông sáng (Cô-lô-se 2:3), Chúa Jesus có thể dạy dỗ bằng những tuyên bố thực tế, thẳng thắn. Nhưng Ngài không dùng cách đó. Ngài thường sử dụng những câu chuyện và phép ẩn dụ, khéo léo đưa Phúc âm vào đời sống hàng ngày. Mô hình giảng dạy của Ngài vừa chính xác, vừa là hình ảnh sống động, đó chính là sự cân bằng mà chúng ta cần học tập.
Ross Lester đã chia sẻ cách liên kết thần học với sự sáng tạo:
“Phần lớn những gì chúng ta thấy là độ chính xác về thần học, nhưng lại thiếu đi vẻ đẹp, kết cấu, sắc thái. . . Nhưng vẻ đẹp và sự rõ ràng không loại trừ lẫn nhau. Nếu chúng ta mô tả Chúa theo cách rõ ràng nhất có thể, vẻ đẹp và sự sáng tạo sẽ chắc chắn cũng sẽ theo sau.”
Gần đây, tôi đã theo dõi các giáo viên sử dụng nhiều phương pháp sáng tạo, như bảng chỉ đường, loa, kỳ lân bằng nhựa, cử điệu, máy chiếu và âm thanh vui nhộn. Các phương pháp sáng tạo giúp người lớn mang thần học từ thềm trí tuệ đến tận sâu tấm lòng (Lu-ca 24:32).
4. Giúp chúng ta khiêm tốn
Nếu bạn đang muốn chứng tỏ bản thân, thì việc dạy thiếu nhi không dành cho bạn.
Thiếu nhi không quan tâm đến việc chúng ta hấp dẫn (hay nhàm chán) như thế nào. Các em không bàn tán với bạn bè rằng chúng ta dạy giỏi như thế nào, cũng không đăng những bài giảng nổi bật của chúng ta lên mạng xã hội. Thường mất rất nhiều năm để thành quả của việc dạy dỗ được thể hiện ra trong cuộc sống của một em thiếu nhi, và chúng ta sẽ không bao giờ thấy được thành quả ngay.
Khi các môn đồ chạy đua giành lấy địa vị, Chúa Jesus đã khiển trách họ bằng cách nêu lên sự khiêm nhường của một đứa trẻ (Ma-thi-ơ 18:1-5; Mác 9:33-37). Việc dạy thiếu nhi sẽ lật đổ “vương quốc” nơi chúng ta tự cho mình là trung tâm, nhắc nhở chúng ta phải nhường vinh quang cho Chúa. Đó là một hồi chuông cảnh báo, rằng việc dạy dỗ thiếu nhi là để quy vinh hiển cho Ngài, không phải cho chúng ta.
5. Tạo ra niềm vui
Thiếu nhi nhắc nhở chúng ta rằng niềm vui và sự kĩnh kiềng không phải là từ trái nghĩa trong vương quốc Chúa, mặc dù người lớn đôi khi lại nghĩ như vậy.
Chuck Swindoll nói: “Tôi mở các cửa sổ để một chút không khí vui tươi tràn vào. Tôi đã giới thiệu với các sinh viên một điều còn thiếu, đó là tiếng cười và niềm vui trong chức vụ.”
Dạy thiếu nhi có thể ảnh hưởng tích cực đến tấm lòng chúng ta như thế. Khôi phục lại những gì mà tuổi trưởng thành đã làm xói mòn trong chúng ta: dịu dàng, tiếng cười, ngây thơ, tự do, và niềm vui.
Các em thiếu nhi nhắc nhở chúng ta rằng niềm vui không phải là một ảo tưởng ngây thơ, mà là sự thật hiện diện ở vương quốc Chúa (Ma-thi-ơ 13:44). Các em hướng chúng ta đến với Đấng Christ, Ngài có Phúc âm của sự sống (1 Giăng 5:12) và gánh Ngài nhẹ nhàng (Ma-thi-ơ 11: 28-30).
Bài: Will Anderson; dịch: Jennie
(nguồn: thegospelcoalition.org)