Bệnh nhân 74 nhiễm Covid-19 tại Singapore: “Tôi sống là bởi ân điển Chúa”

Oneway.vn – Khi rời bệnh viện, điều đầu tiên tôi muốn làm là cảm tạ và tôn vinh Chúa.

Chúng ta chỉ biết anh ấy là bệnh nhân thứ 74, người được báo chí nhắc đến khi gửi hoa hướng dương và thư ngỏ đến các bệnh nhân bị nhiễm coronavirus.

Nhưng bây giờ, chàng trai 29 tuổi, thuộc Hội Thánh  Grace Assembly of God đã tiết lộ danh tính của mình, để mọi người biết điều gì đã giúp anh vững bước tiến lên.

HK Ng chia sẻ về 19 ngày trong khu cách ly tại Bệnh viện Alexandra đã thay đổi cuộc sống anh, và lý do anh được cảm động để làm những việc ý nghĩa như chúng ta đã thấy.

Tôi phải vật lộn với quyết định công khai câu chuyện này vì quá xấu hổ. 

Tuy nhiên, vài tháng qua, tôi đã được dạy cách để buông bỏ nhiều thứ, kể cả nỗi sợ đau khổ và cái chết. Để cho các bạn thấy bối cảnh bao quát hơn, tôi sẽ quay lại từ đầu.

Tôi tin nhận Đấng Christ lần đầu tiên ở trường tiểu học. Khi lên cấp hai, tôi tham gia vào nhóm nhỏ và thậm chí còn phục vụ trong Hội thánh.

Mặc dù vậy, có vẻ như tôi tạo ra “danh sách những việc cần làm để trở thành Cơ Đốc nhân” không hoàn toàn vì tôi yêu Chúa, nhưng vì muốn trở thành một phần của Hội thánh. Tôi chỉ đơn thuần làm theo điều mà mọi người vẫn làm.

Có một khoảng trống mà tôi đang cố gắng lấp đầy bằng các mối quan hệ.

Nhìn bề ngoài, tôi làm mọi điều “đúng đắn”, nhưng sâu bên trong, đặc biệt là khi một mình, tôi phải vật lộn với nhiều thứ xấu xa như tà dâm, kiêu ngạo, giận dữ, cô đơn và ngoan cố.

Trong những năm học bách khoa, tôi cố gắng lấp đầy khoảng trống trong lòng bằng các mối quan hệ, nhưng mối quan hệ đầu tiên đã kết thúc sau hai năm.

Sau khi hồi phục vết thương với sự giúp đỡ của các thành viên trong nhóm nhỏ, tôi lại tiếp tục bước vào một mối quan hệ khác bất chấp lời khuyên của những người thân yêu. Mối quan hệ mới này thật trơn tru và kéo dài trong tám năm.

Tôi rất hạnh phúc. Vậy tại sao tôi cần có Chúa?

Tôi nghĩ rằng mình đã tìm thấy “bí quyết” để hạnh phúc

“Hạnh phúc” kéo dài cho đến tháng 10 năm ngoái, khi mối quan hệ tám năm của tôi kết thúc.

Tôi ở trong tình trạng thể chất cực kỳ tồi tệ: không thể mở mắt do viêm kết mạc và thực sự đã bị mù trong vài ngày. Mặc dù không còn ở bên nhau nhưng tôi vẫn gọi cho bạn gái cũ và cô ấy vẫn chăm sóc tôi.

Tôi không thể tin rằng mình đã mất tất cả. Quá nhiều nỗi đau.

Nhưng với sự khích lệ của anh chị em, tôi trở lại nhà thờ. Tôi vô cùng ngạc nhiên: mối quan hệ của tôi với Chúa không còn giống như trước đây. Nó sâu sắc hơn nhiều; cảm giác như căn tính của tôi trong Đấng Christ đã được thức tỉnh – tôi là con của Chúa.

Tôi cũng trải nghiệm tình yêu Ngài bằng nhiều cách. Nước mắt cứ tuôn rơi, nhưng đó không phải là nỗi buồn. Cảm giác tuyệt vời ấy không thể diễn tả được!

Lần ấy, Chúa đã động chạm lòng tôi sâu sắc đến nỗi tôi không thể ngừng khóc trong suốt quãng đường lái xe từ Tây sang Đông Singapore.

Tôi đã trải nghiệm những điều mà mình không bao giờ tưởng tượng được rằng có thể xảy ra.

Tôi quỳ xuống nhiều lần trong căn phòng yên tĩnh và đến với Ngài trong lời cầu nguyện.

“Tất cả những gì còn lại là cuộc sống thấp hèn này của con. Xin hãy đến và nhận lấy cuộc đời con Chúa ơi!”, tôi nói với Ngài.

Khi tiếp tục trút đổ tấm lòng đầu phục, tôi đã trải nghiệm những điều mình chưa bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra. Những đấu tranh hàng ngày với tội lỗi tình dục biến mất ngay lập tức, mặc dù cám dỗ vẫn còn đó.

Tôi cũng thấy rằng nỗi đau trong mối quan hệ thất bại của mình đã tan biến chỉ sau ba tháng. Tôi thậm chí còn yêu cầu gặp bạn gái cũ để nói với cô ấy rằng tôi đã tha thứ cho cô ấy, và xin cô ấy tha thứ cho tôi!

Sự tử tế của Chúa giúp tôi ăn năn thật 

Tôi không chỉ đầu phục Chúa trong các mối quan hệ, mà còn trong tài chính.

Tôi biết rằng nếu muốn tôn vinh Chúa, tôi phải giao phó mọi khía cạnh khác nhau trong cuộc sống mình cho Ngài. Như vậy, tôi cần phải sửa chữa lại một quyết định sai lầm về tài chính của mình vài năm trước, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mất tất cả tiền tiết kiệm.

Tôi quỳ xuống trong phòng một lần nữa, và khóc.

Tôi phải bỏ ra một số tiền rất lớn và thậm chí phải vay tiền. Nhưng nhờ ân điển Chúa, thời hạn đã kéo dài thêm sáu tháng!

Không như những ngày còn trẻ, tôi nhận ra rằng mình không còn cảm thấy Chúa là một vị “thần tài” hay một cây ATM, mà tôi sẽ chạy đến khi cần để có được thứ gì đó hoặc để cảm thấy tốt hơn.

Tôi không còn tôn vinh Chúa dựa trên những gì Ngài ban cho tôi. Thay vào đó, tôi thờ phượng Ngài đơn giản vì Ngài là Đức Chúa Trời của tôi.

Nhưng đâu ai biết rằng ngay sau đó, tôi sẽ chạm đến một mốc mới trong cuộc sống, nơi tôi phải học lại ý nghĩa của việc đầu phục càng hơn nữa.

Lần này, đó là bài học về sự sống và cái chết.

Virus Corona xuất hiện

Vào ngày 12 tháng 2 (Thứ Tư), tôi bị sốt nhẹ và được biết rằng Hội thánh mình có một trường hợp nhiễm COVID-19. Tôi đến bệnh viện, các bác sĩ khuyên tôi nên nghỉ ngơi tại nhà và tiếp tục tự cách ly.

Trong khi thực hiện cách ly xã hội, tôi đã xem một số bài giảng và được nhắc nhở rằng đây không phải là trận chiến của riêng tôi.

Tôi nhớ rằng Giô-sa-phát đã xem việc thờ phượng là vũ khí quan trọng khi dân Y-sơ-ra-ên phải chiến đấu chống lại kẻ thù (2 Sử ký 20), và tự nhủ: Nếu tôi thực sự đã nhiễm virus, điều duy nhất tôi có thể làm là tiếp tục thờ phượng Chúa.

Tôi thờ phượng Chúa đơn giản vì Ngài là Đức Chúa Trời của tôi.

Vào tối thứ Sáu trước khi trở lại bệnh viện để làm xét nghiệm, trong khi cầu nguyện, tôi nghe thấy tiếng Chúa hỏi tôi: “Con sẽ tin cậy Ta bằng cả cuộc sống của con chứ?”

“Vâng, con đến với Ngài giờ đây cũng giống như khi con mất tất cả”, tôi trả lời.

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, Thi thiên 23:4 xuất hiện trong tâm trí tôi. Mặc dù đã suy ngẫm về câu Kinh Thánh này khi đến bệnh viện, tôi vẫn cảm thấy rằng khả năng mình bị nhiễm bệnh là rất thấp.

Sau này tôi mới nhận ra tầm quan trọng của câu Kinh Thánh ấy.

CƠN BÃO KHÔNG Ở TRONG TÔI

Vào chiều thứ bảy, tôi thấy được nỗi sợ hãi trong mắt ba vị bác sĩ đến để thông báo kết quả xét nghiệm của tôi. Họ sợ rằng tôi sẽ suy sụp.

“Vì người kính mến Ta nên Ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ bảo vệ người vì người biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời người; Trong cơn gian truân, Ta sẽ ở cùng người, Giải cứu người và tôn quý người. Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu Và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi của Ta” (Thi thiên 91: 14-16).

Tôi nhận ra rằng tôi phải dâng lên Chúa nỗi sợ chết và sự mệt mỏi của mình (ví dụ: thức dậy vào giữa đêm, cảm thấy khó thở và ngạt mũi). Trong nước mắt, tôi nói với Chúa rằng tôi sẵn sàng đặt sự sống mình trong tay Ngài.

“Nếu có thể, xin Ngài giúp con sống sót để con được học biết Ngài một lần nữa. Nhưng nếu thật sự ý muốn Ngài không phải như thế, xin Ngài hãy giảm thiểu nỗi đau thể xác của con”, tôi cầu nguyện, chuẩn bị tinh thần để gặp Ngài nếu tôi phải chết.

Từ lúc đó, tôi cảm thấy tự do. Sự bất an biến mất, và tôi vẫn rất tích cực trong suốt 19 ngày cách ly.

Các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và tôi liên tục động viên nhau bằng những ghi chú dán lên tấm kính ngăn cách.

Tôi thậm chí còn trang trí căn phòng bằng hoa, trái cây và những hộp đồ ăn mà tôi nhận được, và tôi cũng sử dụng hộp các tông để làm thảm tập thể dục!

Mỗi ngày trong khu cách ly là một cơ hội để trải nghiệm Chúa.

Trong một buổi thờ phượng hàng ngày, tôi đã nghĩ về những bệnh nhân kém may mắn như những người lao động nhập cư bị nhiễm virus. Không chỉ thiếu thốn vật chất, gia đình họ thậm chí còn không có phương tiện để liên lạc với họ.

Đó là lúc tôi quyết định viết thư để khuyến khích họ trong cuộc đấu tranh này. Thật ngạc nhiên, các nhân viên y tế nói rằng họ cũng được bức thư ấy khuyến khích!

Đến cuối thời gian 19 ngày, tôi thấy một loạt kết quả xét nghiệm khác nhau: âm tính, dương tính, âm tính, dương tính. Tuy nhiên, vào đêm qua, có một “làn sóng phấn khích” bất ngờ diễn ra bên ngoài phòng bệnh của tôi.

Các y tá cuối cùng thông báo rằng tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong hai ngày liên tiếp và sẽ được xuất viện vào ngày hôm sau, sau khi bác sĩ đánh giá!

Sự bình an không kết thúc

Khi tôi được xuất viện, các bác sĩ đã lo lắng về tình trạng tâm lý của tôi vì bị cách ly gần 20 ngày. Nhưng sự thật là, chính sự bình an Chúa ban đã giúp tôi mạnh mẽ từng ngày trong khu cách ly.

Tôi có hạnh phúc khi được xuất viện không? Có và không. Không, bởi vì tôi lo lắng rằng kinh nghiệm tuyệt vời tôi có với Chúa trong những ngày này sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi về nhà, tôi nhận ra rằng sự bình an này không hề rời bỏ tôi. Đây là sự bình an mà trước đây tôi đã tìm kiếm nơi tiền bạc, các mối quan hệ, rượu chè, tà dâm, thể thao và thậm chí nơi những người thân yêu.

Mỗi ngày trong khu cách ly là một cơ hội để trải nghiệm sự bình an của Chúa.

Khi rời bệnh viện, điều đầu tiên tôi muốn làm là cảm tạ và tôn vinh Chúa.

Trong ba ngày tiếp theo, tôi đã viết 38 tấm thiệp cảm ơn cho tất cả các y tá, bác sĩ và nhân viên y tế.

Có người hỏi tôi có sợ bị tái nhiễm virus không. Câu trả lời là có, nhưng tôi cũng nhận ra rằng điều quan trọng nhất là cách chúng ta chọn để đối phó với cảm xúc, bất kể những tình huống chúng ta gặp phải.

Thực tế, việc biết rằng tôi có thể bị tái nhiễm virus khiến tôi biết ơn, vì điều đó nhắc nhở rằng tôi đang được sống nhờ ân điển Chúa mỗi ngày.

 

Bài: Gracia Chiang; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: thir.st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *