Cảm ơn, Mục sư!

Oneway.vn – Mỗi tối trong khu phố Toronto của tôi, mọi người ở trước hiên nhà và đập xoong nồi cổ vũ tinh thân của nhân viên y tế – những người đầu tuyến đầu trong đại dịch COVID-19.

Vỉa hè được tô điểm bằng cầu vồng và những thông điệp vui vẻ về lòng biết ơn: Cảm ơn bạn, những người lao động thiết yếu! Trong đại dịch toàn cầu, những cử chỉ này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, có một nhóm người khác tôi cũng muốn cảm ơn.

Bên cạnh các tài xế xe buýt và nhân viên cửa hàng tạp hóa, bên cạnh các bác sĩ và y tá, bên cạnh người giữ trẻ và giáo viên, tôi muốn cảm ơn các mục sư.

Bây giờ linh vụ và rao giảng đã công nghệ hóa, tôi lo lắng cho các mục sư. Tôi lo lắng vì họ đứng trong nhà và thuyết giảng Kinh Thánh cho những căn phòng trống. Tôi lo lắng cho sự mệt mỏi của họ, cho sự chán nản và cô độc của chính họ. Ngay cả khi một phần của nền kinh tế đã bắt đầu trở lại, chúng ta vẫn chưa rõ nhà thờ sẽ còn bị phân tán hay không và tôi lo lắng các mục sư sẽ quên rằng vị trí của họ quan trọng biết bao nhiêu.

Một cách nào đó, tôi đã đặc biệt phù hợp để đưa ra những lời cảm ơn này. Tôi không phải là mục sư hay vợ mục sư. Tôi cũng không nằm trong ban chấp sự Hội thánh. Thay vào đó, tôi đại diện cho những người bình thường nhất ngồi trên băng ghế nhà thờ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác, năm này qua năm khác. Tôi là một cô bé sinh hoạt nhà thờ từ nhỏ, cuộc sống được định hình sâu sắc bởi người đàn ông đứng sau bục giảng và chia sẻ Lời Chúa.

Cảm ơn mục sư đã đáp lời kêu gọi

Ở tuổi 20, Mục sư của tôi là một sinh viên luật sáng dạ, đầy tham vọng trước khi gặp Chúa Jêsus. Trước khi được Chúa biến đổi, ông mơ ước được sống ở những khu dân cư tốt nhất ở Toronto, gửi con đến những trường tư thục tốt nhất, trở thành thành viên cho các câu lạc bộ độc nhất. Chúa đã có kế hoạch khác. Khi Dan dâng mình cho Đấng Christ, ông cũng từ bỏ triển vọng nghề nghiệp luật sư của mình. Ông đi theo tiếng gọi, đầu tiên là mục vụ sinh viên, sau đó đến chủng viện, cuối cùng là gây dựng một nhà thờ ở trung tâm khu thương mại thành phố Toronto.

Khi con đường trở thành mục sư dài đằng đẵng, tổn thất cảm xúc thì lớn mà lòng biết ơn thì ít ỏi, tôi có thể hình dung được các mục sư nghi ngờ về lời kêu gọi của họ, đặc biệt là trong sự hy sinh. 

Hiếm mục sư nào không mơ về một công việc dễ dàng hơn (và về món tiền tiết kiệm hưu trí mà họ có thể tích lũy). Nhưng điều tôi muốn nói là đời sống gương mẫu mới là vấn đề. Họ làm gương cho chúng ta một cuộc sống đầu tư vào vương quốc Chúa, một cuộc sống thực hiện nghiêm túc theo lời hứa của Chúa Jêsus: “Bất cứ người nào vì danh Ta mà từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, người ấy sẽ nhận được gấp trăm lần hơn, và thừa hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:29).

Khi tôi nghĩ đến sự hy sinh của mục sư, tôi được thử thách trong việc ít yêu quý bản thân hơn mà dành tình yêu thương cho Chúa và người lân cận nhiều hơn – đó dường như là một bài học đặc biệt cho đại dịch này. Cảm ơn mục sư đã giúp chúng tôi học cách đáp lại lời kêu gọi của Chúa bằng mọi giá.

Cảm ơn mục sư đã rao giảng Lời Chúa

Cách đây vài năm, khi một trong những mục sư của chúng tôi thuyết giảng Rô-ma 1, một người đàn ông đã đứng trên ban công lớn tiếng phản đối: “Sao ông dám!” và đưa “ngón tay xấu” vào vị mục sư trẻ – người đã mạnh dạn chia sẻ một phân đoạn Kinh Thánh phản ánh vấn đề nhạy cảm của thời đại. Nhà thờ của chúng tôi nằm giữa một trong 4 thành phố lớn của Bắc Mỹ – một thành phố trao giải cho những ý tưởng về tự do cá nhân và sự khoan dung. Nhưng cho dù các mục sư rao giảng ở bục giảng đô thị hay nông thôn, mỗi người đều phải lấy hết can đảm để nói lên sự thật mà các tín hữu (và du khách) thường ghét nghe.

Một mục sư giảng dạy Lời Chúa một cách trung thực từ tuần này qua tuần khác là một món quà cho Hội thánh, đặc biệt là trong những thời điểm giữa đại dịch như thế này. Đắm mình trong Lời Chúa giúp chúng ta làm mới tâm trí mình và trở nên người nhận ra ý muốn Chúa đối với khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống. Giúp chúng ta thường xuyên nhắc lại câu chuyện có thật về thế giới: Chúa tạo ra thế giới, Ngài đã cứu chuộc thế giới qua Chúa Jêsus, một ngày sẽ không còn cái chết và bệnh tật nữa. Việc trung thành giảng dạy Kinh Thánh hàng tuần thúc đẩy chúng ta tiếp thu Lời Chúa vào những ngày khác trong tuần: đọc, nghiên cứu, ghi nhớ, đề cập và tin tưởng vào sự khôn ngoan của Lời Ngài. Lời Chúa là nguồn hy vọng trong những thời điểm này. Cảm ơn mục sư đã giúp chúng tôi học cách yêu Lời Ngài.

Cảm ơn Mục sư đã cùng chúng tôi chia sẻ đau buồn 

Khi cha tôi bất ngờ qua đời cách đây hơn 25 năm và anh trai tôi tự sát vài năm sau đó, Mục sư Darrel Gabbard tại Hội thánh tôi là người đầu tiên hiện diện. Ông ấy đã chứng kiến ​​những khoảnh khắc kinh hoàng nhất của chúng tôi, giảng dạy Lời Chúa trong đám tang, liên tục gọi điện thoại hỏi thăm suốt một thời gian sau. Tôi thường nghĩ về gánh nặng mục vụ này: san sẻ nỗi đau của Hội Thánh.

Trong cơn đại dịch toàn cầu, sự chia sẻ đau buồn này bị hạn chế bởi dãn cách xã hội. Tuy nhiên, công việc vẫn không kém phần cấp bách: giúp đỡ những người mắc bệnh, những người mất người thân, những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi nạn thất nghiệp và những điều khác. Tôi tin rằng các mục sư sẽ tìm cách đồng hành cùng chúng ta ngay cả khi chúng ta bước vào thung lũng của cái chết. Hay bây giờ, điều đó được thực hiện bằng những video, tin nhắn văn bản và các cuộc gọi điện thoại.

Khi Toronto lên đèn và mọi người kêu gọi cảm ơn những người lao động thiết yếu, riêng tôi sẽ lớn tiếng cảm ơn Chúa vì những vị mục sư.

 

Bài: Jen Pollock Michel; dịch: Janebie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *