Oneway.vn – Bạn có bao giờ thấy mình bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực không?(Ảnh: NBC News)
Chúng xuất hiện vì những mâu thuẫn trong hôn nhân, khó khăn trong công việc, vấn đề với con cái, khó khăn tài chính hoặc chỉ là cảm giác tuyệt vọng vì cuộc sống dường như quá bất công.
Có thể làm gì với những cảm giác tiêu cực này? Chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi được cảm xúc của mình không?
Nếu được yêu cầu làm cho mình cảm thấy hạnh phúc, bạn có thể sẽ nghĩ đến một trải nghiệm tuyệt vời khi giành được một giải thưởng lớn, hoặc trải qua kỳ nghỉ đặc biệt. Mặt khác, nếu được yêu cầu tìm kiếm cảm giác đau buồn, bạn sẽ nghĩ đến một trải nghiệm đau thương nào đó. Điều này cho thấy rằng cảm xúc thường được kết nối với suy nghĩ. Thông thường, chúng ta không thể kiểm soát hoàn cảnh dẫn đến suy nghĩ, nhưng chúng ta có thể chọn cách suy nghĩ để điều hướng cảm xúc.
Sứ đồ Phao-lô thấy mình đang ở trong một tình huống khó khăn. Ông đã rất trung tín trong việc hầu việc Chúa, sẵn sàng hy sinh chính mình vì Phúc Âm. Tấm lòng ông vui mừng khi thấy nhiều người chọn tin Đấng Christ. Thế nhưng giờ Phao-lô đang ở đây, trong tù, có lẽ với đôi chân bị cùm. Đáng lý, Phao-lô có thể nói: “Thật không công bằng”. Nghĩa là, chúng ta thấy ông có lý do để phàn nàn, có lý do để đổ lỗi cho Chúa về hoàn cảnh.
Phao-lô có thể bị khuất phục bởi suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực nhưng chúng ta thấy ông đã đưa ra lựa chọn. Phao-lô chọn tập trung vào những điều tốt đẹp, những điều phước hạnh (sách Phi-líp).
(Ảnh: United Church of God)
Mặc dù ở trong tù, nhưng Phao-lô chọn nghĩ về những điều chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương; đức hạnh, đáng khen ngợi (Phi-líp 4:8-9) và khích lệ các tín hữu cũng hãy làm theo.
Phao-lô đã lựa chọn nhìn thấy điều tốt đẹp ngay giữa sự giam cầm. Ông đã thấy những người đồng lao của mình được khích lệ chia sẻ Lời Chúa mà không sợ hãi như thế nào, Phúc Âm đã được chia sẻ trong tù ra làm sao, và chính lựa chọn của ổng là cầu nối để sách Phi-líp trong Kinh Thánh được viết ra, với những Lời vô cùng quý báu đối với Cơ Đốc nhân qua nhiều thế kỷ.
Phao-lô vượt lên trên những hoàn cảnh tiêu cực vì ông đã chọn tập trung vào Chúa. Ông chọn vui mừng trong tất cả những gì Chúa ban cho – sự hiện diện của Ngài (câu 5), sự bình an khi dâng những lo lắng của mình cho Chúa (c.6), sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh (c.11 & 12), sức mạnh để làm mọi việc (c.13) và nhu cầu của mình được đáp ứng (c. 19)
Chúng ta cũng hãy có lựa chọn như Phao-lô. Hoàn cảnh khó khăn dễ khiến chúng ta tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực, từ đó tạo ra cảm xúc và hành động tiêu cực. Tiêu cực chỉ dẫn đến bất hạnh, tối tăm và tuyệt vọng. Nhưng khi chúng ta chọn tập trung vào các phước lành và năng quyền trong Chúa, cảm giác bình an và vui mừng trong Chúa sẽ theo sau.
Joan và Diana đối mặt với khó khăn khi cuộc hôn nhân của họ kết thúc bằng việc ly hôn. Joan đã dành nhiều năm để suy nghĩ rằng mình bị đối xử bất công như thế nào, đổ lỗi cho chồng mình, phàn nàn với tất cả những người lắng nghe và vì điều đó mà cô mất lòng tin vào đàn ông. Cuối cùng cô cảm thấy đau khổ và bất hạnh. Diana quyết định tận dụng hoàn cảnh của mình bằng cách quay lại trường học và bắt đầu sự nghiệp để có thể hỗ trợ gia đình. Cô chọn cách tha thứ và tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống cũng như niềm tin vào Chúa. Thái độ tích cực đã giúp cô làm tốt công việc, trở thành một người mẹ tốt và cuối cùng cô đã tìm thấy một người chồng Cơ Đốc tuyệt vời. Vấn đề nằm ở cách mỗi người chọn cách suy nghĩ về một tình huống khó khăn.
Bạn chọn làm gì với hoàn cảnh khó khăn của mình? Bạn có thể chọn vui mừng trong Chúa như Phao-lô và tập trung vào những suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực tạo ra cảm xúc tích cực và dẫn đến những hành động mang lại phước lành, khích lệ người khác.
Phi-líp 2:13 cho chúng ta biết, Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta và giúp chúng ta muốn làm điều Ngài muốn và sau đó ban năng quyền chúng ta để làm điều đó.
Chúng ta tin rằng Chúa đang ngự trong tấm lòng nhưng lại không cho phép Ngài can thiệp vào cuộc sống? Khích lệ bạn hãy cầu nguyện lời cầu nguyện sau đây và cầu xin Chúa tha thứ, ban năng lực để thay đổi tâm trí chúng ta.
Thưa Cha, con cần Ngài. Con thừa nhận sai phạm rằng đã ngăn trở Ngài can thiệp vào cuộc sống của con. Cảm ơn vì Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi qua sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Giờ đây, con xin mời Đấng Christ một lần nữa ngự trị và làm chủ cuộc đời con. Xin đổ đầy Đức Thánh Linh trong con để con bắt đầu với những suy nghĩ tích cực, ngay cả khi hoàn cảnh không như mong đợi và con biết rằng Chúa sẽ thêm sức để con vượt qua. Tạ ơn Cha. Con cầu nguyện Nhân Danh Chúa Jêsus Christ. A-men!
Bài: Elfrieda Nikkel; dịch: SD
(Bài: thoughts-about-god.com)
Leave a Reply