Câu chuyện đầy nước mắt sau bài TC ‘Lòng nguyện theo Jêsus’

Oneway.vn – Câu chuyện có thật đằng sau bài Thánh ca “Lòng nguyện theo Jêsus” là một chứng cớ hùng hồn về đức tin.

Nguồn gốc
Bài Thánh ca này có nguồn gốc từ Ấn Độ. Lời bài hát xuất phát từ những lời cuối cùng của Nokseng, một người thuộc bộ tộc Garo ở Assam. Ngày nay, bài hát này đã trở nên Quốc ca của người Garo giữa những ngày bắt bớ.
Đây là bài Thánh ca quen thuộc trong các buổi lễ thờ phượng, đặc biệt là trong ngày Báp-têm. Nhưng rất ít người biết câu chuyện đáng kinh ngạc đằng sau nó.
Các nhà truyền giáo Ấn Độ Sadhu Sundar Singh và Simon Marak, đến từ Jorhat, Assam là những người đã lưu giữ và biến những lời này trở thành Thánh ca. Câu chuyện của bài hát này cũng được đề cập trong Sách của Tiến sĩ P.P. Job, “Chúa ơi, tại sao?”
Cuộc phục hưng từ xứ Wales đến Ấn Độ


Cuộc phục hưng lớn ở xứ Wales khoảng 150 năm trước đã nuôi dưỡng nhiều nhà truyền giáo. Kết quả là Phúc âm đã lan truyền đến miền Đông Bắc Ấn Độ. Đó là một khu vực thuộc Assam với hàng trăm bộ lạc hung hãn được gọi là “kẻ săn đầu người”.

Câu chuyện có thật
Bất chấp sự phản đối gay gắt, các nhà truyền giáo đã chia sẻ Phúc âm cho những bộ lạc này. Họ đã làm chứng về Chúa cho Nokseng, vợ và hai con ông. Sau đó, gia đình ông nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của đời sống mình. Kết quả là, nhiều dân làng đã đến với Chúa Jêsus.
Khi nghe vậy, trưởng làng rất tức giận và tập hợp tất cả dân làng lại. Ông cho gọi Nokseng và bắt ông chọn: công khai từ bỏ đức tin hoặc đối mặt với cái chết.
Được Đức Thánh Linh cảm động, Nokseng trả lời: “Lòng nguyện theo Jêsus, con quyết đi theo Ngài, con quyết không lui”.
Trưởng làng vô cùng phẫn nộ và đã ra lệnh giết chết hai đứa con của Nokseng. Những đứa trẻ chết ngay lập tức khi những mũi tên tàn nhẫn xuyên qua da thịt.
Một lần nữa, ông ta bắt Nokseng phải từ bỏ đức tin nếu muốn vợ mình được sống. Nhưng Nokseng trả lời, “Dù người đời khinh chê, con quyết không nao sờn. Con đã theo Ngài, nguyện theo trọn đời”.

Vậy là vợ của Nokseng cũng bị giết chết. Sau đó trưởng làng cho ông cơ hội cuối để từ bỏ đức tin và được sống. Nokseng nói những lời cuối cùng trong sự thỏa lòng: “Thập tự Jêsus mang, con vác lên theo Ngài. Con đã theo Ngài, nguyện theo trọn đời.”
Ông bị giết ngay lập tức giống như gia đình ông. Nhưng điều này đã biến đổi tấm lòng của hàng loạt dân làng – bắt đầu từ trưởng làng! Ông ta vô cùng băn khoăn trước đức tin của người đàn ông này. Ông không thể hiểu tại sao Nokseng, vợ và hai đứa con lại chấp nhận từ bỏ mạng sống vì một người đàn ông xa lạ đã sống cách đây 2.000 năm ở một lục địa khác. Vậy nên, ông cũng muốn trải nghiệm năng quyền vượt trội đằng sau đức tin của gia đình đó.
Đức Thánh Linh đã động chạm vị trưởng làng, và ông tự mình xưng nhận: “Tôi cũng thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ!” Khi dân làng tụ họp và nghe trưởng làng tuyên xưng đức tin, cả làng cũng đã tin nhận Đấng Christ là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi mình.

Xuất bản
Nhà Xuất bản Thánh ca Baptist William J. Reynolds đã phát hiện ra bài hát này vào năm 1958. Ông đã phổ nhạc và xuất bản bài Thánh ca này trong quyển Assembly Songbook (Nashville, 1959). Từ đó, giai điệu đến từ vùng ASSAM đã được đưa vào ca ngợi trong các buổi thờ phượng.

Phổ biến
Cùng với các tác phẩm của Reynolds, bài Thánh ca này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Giai điệu này đã xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1960 và nổi bật trong các cuộc thập tự chinh của Billy Graham.
Yếu tố duy nhất còn thiếu là kiến ​​thức về câu chuyện có thật đằng sau bài Thánh ca này. Nhưng bây giờ, câu chuyện ấy đã được biết đến rộng rãi!

Quốc ca giữa cơn bắt bớ
Câu chuyện có thật đằng sau bài Thánh ca “Lòng nguyện theo Jêsus” khiến tất cả mọi người choáng ngợp. Thật đáng kinh ngạc khi một người chưa từng bước chân ra khỏi ranh giới làng mình lại trở thành một nhà truyền giáo Phúc âm cho nhiều quốc gia. Đức tin trung thành của ông phản ánh trong từng lời cuối khi ông đối mặt với cái chết, và đã động chạm đến tấm lòng hàng triệu người trên khắp thế giới, hướng tâm linh họ về Đấng Cứu Rỗi duy nhất là Đức Chúa Jêsus Christ.
Khi Hội thánh Ấn Độ tưởng nhớ cuộc bạo loạn Kandhamal vào tháng 8 năm nay, bài Thánh ca này đã trở thành Quốc ca giữa cơn bắt bớ.
“Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Phi-líp 1:21)

Bài: MJ; dịch: Jennie
(Nguồn: godtv.com)

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *