‘‘Cha mẹ sẽ là người đầu tiên nói về Chúa cho con nhé!’’

Oneway.vn – Môn đồ hoá là một từ được lặp lại nhiều lần trong mục vụ ngày nay, nhưng khi nó được dùng để nói về trẻ em thì từ này được hiểu là giúp trẻ em yêu mến Chúa.

Nhân sự trong nhiều Hội Thánh hiện nay đang không ngừng tìm kiếm những ý tưởng lớn trong việc hướng dẫn mọi người trở nên những môn đồ tận hiến càng hơn cho Đấng Christ. 

Vậy thì, làm thế nào để giúp con cái của chúng ta yêu Chúa? 

Làm thế nào để giúp con cái của chúng ta yêu Chúa là một trong những câu hỏi khiến cho nhiều mục sư trăn trở suốt đêm. Đây cũng là câu hỏi vô số lần tôi đã tự hỏi mình. Làm thế nào để có thể giúp những đứa trẻ yêu Chúa, giữ vững đức tin, và thậm chí chia sẻ niềm tin ấy với người khác? Làm thế nào để giúp trẻ hiểu nhiều hơn về sự cứu rỗi hơn là chỉ sống đời đời với Chúa trên thiên đàng? Câu trả lời tôi nhận được khi quay về thực tế rằng điều này chỉ có thể xảy ra qua gia đình. Thi-thiên 78 đã hiện lên trong đầu tôi nhiều lần, rằng: 

“Chúng ta sẽ chẳng giấu các điều ấy với con cháu chúng ta, Nhưng sẽ thuật lại cho thế hệ tương lai Vinh quang của Đức Giê-hô-va cùng quyền năng Ngài, Và các phép mầu mà Ngài đã làm. Ngài đã lập chứng ước với Gia-cốp, Định luật pháp trong Y-sơ-ra-ên, Và truyền lệnh cho tổ phụ chúng ta Phải dạy lại cho con cháu mình; Để thế hệ tương lai, Tức là con cháu sẽ được sinh ra, biết những điều đó, Và đến lượt họ, họ sẽ truyền lại cho con cháu mình, Hầu cho con cháu họ để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Không quên các công việc Ngài, Nhưng gìn giữ các điều răn của Ngài; Và để họ không giống như tổ phụ họ, Là một thế hệ ương ngạnh và nổi loạn, Một thế hệ không có lòng kiên định Và không có tinh thần trung tín với Đức Chúa Trời.” (‭‭Thi Thiên‬ ‭78:4-8‬)

Đây chỉ là bốn câu trong Thi-thiên 78 và rất nhiều câu trong Thi-thiên này chúng ta thường bỏ qua. 

Phân đoạn Kinh Thánh trên không nói rằng Hội Thánh được cho là phải dạy bảo những thế hệ sau về các công việc của Chúa, nhưng là gia đình. Môn đồ hoá vừa được đề xướng vừa nuôi dưỡng tại nhà. Cha mẹ có nhiều ảnh hưởng hơn những gì họ tưởng tượng trong việc phát triển thuộc linh con trẻ.

Khi trẻ em nhìn thấy đức tin được thể hiện trong đời sống của cha mẹ, một cách tự nhiên chúng cũng muốn thể hiện những phẩm chất tương tự. Tuy nhiên, câu hỏi được rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra là “chúng ta bắt đầu từ đâu để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này?”

Có ba điều giúp môn đồ hoá gia đình và giúp đỡ những đứa trẻ yêu  mến Chúa trở nên điều thực tế. 

1. Cha mẹ cần nói với con việc bạn đã tin Chúa thế nào

Nhiều đứa trẻ không biết gì về việc cha mẹ chúng đã đến và biết về Chúa như thế nào. Những đứa trẻ ấy biết cha mẹ mình tin Chúa, tuy nhiên chúng không chắc điều gì đã kéo chúng lại trong mối liên hệ với Chúa Jêsus. Thật vậy, câu chuyện về sự cứu rỗi của bạn là một phần trong câu chuyện về sự cứu rỗi con cái. Vì vậy, việc chia sẻ với con cái về câu chuyện bạn đã gặp Chúa Jêsus thế nào sẽ khiến Lẽ thật  trở nên một điều thực hữu với con. Đây là điều mà một mục sư có thể đứng trên tòa giảng và nói về việc dẫn đến niềm tin trong Đấng Christ vào các sáng Chúa nhật. Hơn nữa, càng nghe về câu chuyện bạn đã đến với niềm tin vào Chúa thế nào, nó càng trở nên ý nghĩa hơn với trẻ. Điều này khiến trẻ hiểu được cuộc sống không có Chúa là gì để nhận thấy sự lạc lối của chính mình. 

Nhưng quan trọng hơn, trẻ được nghe Chúa Jêsus Christ đã biến đổi bạn thế nào và hiện tại bạn trở nên người mới trong Chúa ra sao. Điều đó khiến sự cứu rỗi trở nên thực tế hơn với trẻ. 

2. Cha mẹ phải tận dụng mọi cơ hội để hướng trẻ đến với Chúa Jêsus 

Chúng ta tìm kiếm những khoảnh khắc dạy dỗ trong cuộc sống của trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, những điều này thường liên quan đến hành vi của trẻ hơn sự tăng trưởng thuộc linh của chúng. 

Đức Chúa Trời ban phước cho nhiều người trong chúng ta với 6408 ngày (từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi) để liên tục hướng con cái mình đến với Chúa. Nếu cha mẹ là những người huấn luyện môn đồ đầu tiên của trẻ, thì mọi khoảnh khắc đều có thể hướng trẻ đến với Chúa hoặc thế gian. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng chúng ta có những đứa trẻ ngoan có ứng xử tốt. Tuy nhiên, hành vi của chúng ta là những gì tuôn chảy từ tấm lòng mình. Do đó, những vấn đề về hành vi thật sự là một vấn đề đến từ tấm lòng.

Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 15:18 có chép: “Nhưng những gì từ miệng ra đều phát xuất từ trong lòng, những điều ấy mới làm ô uế người.” Hay Lu-ca 6:45 chép rằng: “Người tốt do lòng chứa điều thiện mà sinh điều thiện; kẻ xấu do lòng chứa điều ác mà sinh điều ác; bởi đầy dẫy trong lòng nên miệng mới nói ra”.

Những khoảnh khắc huấn luyện môn đồ là những khoảnh khắc giảng dạy hướng lại niềm tin của chúng ta trong Chúa. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng có rất nhiều điều đang diễn ra bên dưới so với những gì thấy trên bề mặt. Là cha mẹ, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị chúng ta để trực tiếp ảnh hưởng đến tấm lòng trẻ bằng cách hướng trẻ đến với Chúa Cứu Thế Jêsus.

3. Cha mẹ bày tỏ Chúa Jêsus với con trẻ bằng nếp sống

Đây là điều nguy hiểm, vì người biết rõ sự bừa bộn của bạn thì đó chính là con cái. Chúng thấy những điều tốt lẫn tật xấu của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể sống một đời sống đẹp lòng Chúa và con cái sẽ noi theo. 

Tôi nhớ mình đã lớn lên cùng với việc chứng kiến cha mẹ tôi yêu thương người khác, điều đó đã mang đến sự tác động lớn lao trên cách tôi đối xử với người khác hiện tại.

Tôi cũng nhớ cha mẹ tôi đã đối diện với những người đau buồn hay kích động và cách họ đã đối xử với những người ấy đầy nhân từ và ân sủng nhường bao. Tôi không có ý nói họ hoàn hảo, tuy nhiên, họ đã làm gương sáng cho tôi noi theo những bông trái Thánh Linh.

Họ cũng chỉ cho tôi thấy nếu Chúa Jêsus thật sự sống trong đời sống, thì người khác sẽ được thu hút bởi cách tôi nói và cách tôi thương yêu họ. Đôi khi việc sống ngoài khuôn phép đời sống thuộc linh của bạn trước con cái có nghĩa là thừa nhận rằng bạn cũng là một tội nhân. Điều này thật đáng sợ, nhưng dù bạn thích nó hay không thì con cái bạn cũng biết rằng bạn không toàn hảo. Vì vậy, bạn cần tháo mặt nạ xuống và thừa nhận rằng bạn cũng phải tranh chiến với những điều nhất định. Chỉ cần nghĩ đến tác động nó mang lại cho một đứa trẻ đang chiến đấu với sự giận dữ để ngồi xuống với cha mẹ, và cha mẹ giải thích cho trẻ cách họ đã xử lý thế nào khi họ giận dữ. Điều này sẽ thay đổi cách con trẻ đã hiểu cha mẹ mình. 

Lời Chúa dạy rằng: “Kìa, con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho; Bông trái của tử cung là phần thưởng. Con cái sinh ra đang tuổi thanh xuân Khác nào mũi tên trong tay dũng sĩ. Phước cho người nào để chúng đầy ống tên! Người sẽ không hổ thẹn Khi đối đáp với kẻ thù mình tại cổng thành.” (Thi-thiên 127:3-5) Thật vậy, con cái là món quà phước hạnh từ Đức Chúa Trời ban cho. Do đó, sự tăng trưởng thuộc linh của trẻ là sự quan trọng hàng đầu đối với gia đình và Hội Thánh. 

Đức Chúa Trời đã đang kêu gọi các bậc cha mẹ trở nên những người huấn luyện môn đồ đầu tiên đối với con cái mình chứ không phải Hội Thánh.Và Hội Thánh được Chúa gọi để sát cánh cùng cha mẹ trong hành trình này. 

Chúng ta đang cùng nhau giúp đỡ con cái mình yêu mến Đức Chúa Trời. Hội Thánh ở bên cạnh và sẵn sàng chiến đấu vì con cái bạn và chính bạn.

 

Bài: Erin Woodfin; dịch: Sophie

(Nguồn: churchleaders.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *