Chạy theo thần học, “say sóng” thuộc linh

Oneway.vn – Bất kỳ ai từng bị say sóng đều có thể chứng thực mức độ kinh khủng của việc ở trong tình trạng như vậy.

Tôi nghĩ rằng mình sẽ thích chiếc thuyền buồm của bố chồng. Tôi thích đi dạo yên tĩnh trong rừng, nơi tôi có thể ngắm phong cảnh, và tôi thích ngồi bên bờ biển gần nhà và lắng nghe tiếng sóng vỗ vào đá. Điều này dường như gắn kết tất cả những mảnh ghép của thiên nhiên mà tôi thích vào một trải nghiệm thú vị. Nhưng đây lại không phải là trường hợp đó.

Mỗi khi tôi đặt chân lên thuyền, cảm giác buồn nôn và căng thẳng bao trùm lấy tôi – buồn nôn vì tôi say sóng và căng thẳng vì tôi sợ cả buồn nôn và sợ nước sâu. 

Trong khi những người khác thấy việc mặt nước khuấy động nhẹ nhàng là sự yên bình và thư thái, thì tôi lại thấy điều đó thật đau khổ. Tôi bị chóng mặt. Tôi dán mắt vào bến tàu ở phía xa và nắm chặt các thanh chắn cho đến khi cánh tay tôi đau nhói. Lần cuối cùng tôi đi thuyền buồm cùng chồng và gia đình anh ấy, bụng tôi phình căng lên vì thai nghén (bàn chân của tôi cũng bị), và tôi nằm trên chiếc ghế dài dưới boong với chiếc khăn lạnh đắp trên trán cầu nguyện cho mọi chuyện qua đi. 

Ngay cả bây giờ khi tôi viết về nó, với đôi chân đặt trên sàn nhà màu xám dưới bàn làm việc, tôi vẫn cảm thấy hơi chóng mặt.

Nếu bạn bị say sóng, bạn biết rõ những cảm giác này. Mặc dù chúng ta có thể thích nghe tiếng nước vỗ vào thuyền, không khí trong lành và thậm chí có khả năng nhìn thấy sinh vật biển, nhưng chúng ta lại ghét tiếng sóng vỗ.

 

Chạy theo các xu hướng thần học là loại đức tin mà Phao-lô cảnh báo chúng ta nên tránh để không bị say sóng thuộc linh.

Nếu bạn không để ý, thì thần học cũng di chuyển theo xu hướng giống như mọi thứ khác trên thế giới. Giống như xu hướng thời trang hoặc mạng xã hội mới nhất, các quan điểm và nhóm thần học khác nhau xuất hiện và biến mất. Trong một vài năm, một truyền thống thần học nào đó sẽ trở nên phổ biến, và mọi người sẽ đổ xô đến các cửa nhà thờ nơi nó được giảng dạy. 

Bạn sẽ thấy các bài đăng trên blog và các bài đăng trên Instagram thu hút mọi người khi họ thờ phượng theo cách hợp thời nhất. Một số cụm từ được đặt ra và mọi người bắt đầu sử dụng chúng. 

Nhưng đột nhiên, một ngày nào đó bạn sẽ thấy rằng mọi người đang cảnh báo chống lại chính truyền thống mà họ từng yêu thích và tuân theo. Bây giờ thật nguy hiểm và ngu ngốc khi nói rằng bạn thuộc về một nhà thờ với những kiểu Cơ Đốc nhân đó. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy chóng mặt khi cố gắng tìm ra những gì chúng ta phải tin.

Do đó, trong Ê-phê-sô, Phao-lô cảnh báo chúng ta về chứng say sóng thuộc linh:

“Chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm nhà truyền giảng Tin Mừng, một số làm mục sư và giáo sư để trang bị các thánh đồ cho những công tác phục vụ, nhằm xây dựng thân thể của Ðấng Christ cho đến khi tất cả chúng ta được hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Ðức Chúa Trời, đạt đến mức trưởng thành, tới tầm thước vóc dáng trọn vẹn của Ðấng Christ. Vậy chúng ta không thể còn như trẻ con nữa, bị dồi dập tới lui và bị cuốn theo mỗi luồng gió của các dị thuyết do những kẻ bịp bợm chuyên dùng những thủ đoạn xảo quyệt lừa gạt người ta. Nhưng chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương; chúng ta phải tăng trưởng trong mọi phương diện để trở nên giống như Ngài, tức Ðấng Christ, là đầu.Từ Ngài toàn thân được gắn liền và nối kết với nhau bằng những cơ cốt gân mạch, nhờ đó mỗi bộ phận hoạt động theo chức năng của mình, khiến cho thân thể tăng trưởng và tự gây dựng trong tình yêu thương”. (Ê-phê-sô 4:11-16)

Phao-lô muốn chúng ta cảnh giác việc chạy theo các khuynh hướng thần học. 

Ông kêu gọi chúng ta đặt nền tảng của mình trong một hội thánh địa phương vững chắc, nơi chúng ta được dạy thần học đúng đắn và chân chính. 

Ông kêu gọi chúng ta bám lấy Đấng Christ và nhờ đó lớn lên trong sự trưởng thành thần học. Điều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ có những thay đổi trong niềm tin của mình.

Loại thay đổi trong niềm tin giáo lý do Đức Chúa Trời dẫn dắt thông qua sự nên thánh thường diễn ra chậm và không nhất thiết phải gắn liền với những gì hợp thời.

Đức tin của tôi đã trải qua nhiều lần thăng trầm và thay đổi khi tôi nghiên cứu và học hỏi thêm. Nhưng thay đổi trong niềm tin giáo lý bởi Đức Chúa Trời dẫn dắt thông qua sự thánh hóa thường diễn ra chậm và không nhất thiết phải gắn liền với những gì hợp thời. 

Điều đó xảy ra khi chúng ta đắm mình trong Lời Đức Chúa Trời và Ngài thay đổi lòng chúng ta để cho chúng ta thấy lẽ thật của Ngài dưới ánh sáng rõ ràng hơn so với trước đây.

Bị xoay chuyển bởi mọi luồng gió học thuyết cũng giống như mua một tủ quần áo mới mỗi khi xu hướng thay đổi. Không có gì sai với những bộ quần áo chúng ta hiện có, nhưng chúng ta vứt chúng đi vì chúng không phù hợp với những gì những người có ảnh hưởng đang mặc và lấp đầy tủ quần áo của chúng ta bằng những xu hướng mới nhất.

Nhiều người trong chúng ta cũng làm như vậy với thần học của mình. Chúng ta nghe một podcast mới mà mọi người khác đang nghe, nghe về lập trường hoặc học thuyết mới này mà chúng ta chưa từng nghe đến trước đây, và sau đó áp dụng nó như là của riêng chúng ta. Chúng ta thấy những giáo viên Kinh thánh yêu thích của mình trên Instagram đi đến một hội thánh khác và đột nhiên chúng ta tin rằng mình cũng cần phải thử điều đó. Mọi người đang thờ phượng theo cách này, vì vậy có lẽ chúng ta cũng cần phải làm như vậy. Chúng ta đọc cuốn sách bán chạy tiếp theo trong mục Đời sống Cơ đốc và quyết định đây là cách chúng ta phải hình thành đức tin của mình. Đó chỉ là một làn sóng khác mà chúng ta đang bị hất tung qua lại.

 

Dưới đây là một số bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay hôm nay để củng cố bản thân trong những điều thiết yếu của đức tin Cơ Đốc.

Thưa các anh chị em, thay vì cứ mãi cầu xin Chúa cho chúng ta cố gắng để không bị cuốn theo mọi chiều gió của giáo lý, thì hãy nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời và hiểu biết nó. 

Hãy đặt mình dưới sự rao giảng đúng đắn của Lời Chúa. 

Hãy củng cố bản thân trong lịch sử học thuyết Cơ Đốc giáo và Phúc âm chân chính trước khi thử theo xu hướng thần học tiếp theo. 

Biết những gì Chúa nói về chính Ngài, sự cứu rỗi và cuộc sống hơn là những gì người có tầm ảnh hưởng mới nhất đang nghĩ đến. 

Biết Đức Chúa Trời qua Lời của Ngài, không phải qua các bài đăng lan truyền trên mạng xã hội.

Chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Dưới đây là một số bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay hôm nay để củng cố bản thân trong những điều cốt yếu của niềm tin Cơ Đốc trước khi nhảy vào xu hướng thần học tiếp theo:

 

Tìm một hội thánh địa phương nơi rao giảng Lời Chúa và có cam kết với hội thánh đó. 

Chọn một hội thánh địa phương không giống như tìm một thợ làm tóc. Bạn có thể chuyển từ tiệm làm tóc này sang tiệm làm tóc khác mỗi khi bạn cần cắt tóc, nhưng bạn không nên tìm một hội thánh mới mỗi khi bạn thấy hội thánh của mình hơi nhàm chán. 

Trước khi chọn một hội thánh, hãy xem các tuyên bố về giáo lý của họ, gặp gỡ các mục sư để đặt câu hỏi và tham dự các buổi nhóm của hội thánh để tìm hiểu thêm về niềm tin của hội thánh và ban lãnh đạo như thế nào. 

Đừng chọn một hội thánh dựa trên bất cứ điều gì hợp thời. Tìm một nơi mà trong đó giữ gìn lịch sử Cơ Đốc giáo.

 

Đọc Kinh thánh thường xuyên hơn mạng xã hội và các đầu sách phổ biến

Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất không có bất kỳ sai sót nào và được chính Đức Chúa Trời hà hơi, và chính cuốn sách này cần phải là nền tảng của chúng ta trước khi chúng ta có thể tiếp thu và nhận thức đúng đắn những nội dung khác. 

Có thể bạn sẽ cảm thấy khó tìm thời gian để đọc Kinh Thánh, nhưng có lẽ nếu xem xét thời gian sử dụng màn hình trên thiết bị của mình (dù là trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính hay TV), chúng ta sẽ thấy rằng mình có thể có ít nhất từ mười đến ba mươi phút dành cho Kinh Thánh.

 

Được môn đồ hóa

Hãy học hỏi những tín hữu lớn tuổi hơn, khôn ngoan hơn và trưởng thành hơn bạn, đồng thời trình bày những thắc mắc và khó khăn của bạn với họ.

Mỗi bước trong số này sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi sự thay đổi của nền văn hóa và củng cố bản thân bạn trong lẽ thật. Bạn sẽ học cách phân biệt đúng và gần đúng, như câu châm biếm nổi tiếng của Spurgeon, và rễ của bạn sẽ ngày càng ăn sâu vào những lẽ thật của Đức Chúa Trời.

 

Bài: Lara d’Entremont; dịch: Abby
(Nguồn: beautifulchristianlife.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *