Oneway.vn – Chúa Jesus đã dùng hình ảnh cây nho, Ngài là gốc nho và chúng ta là những nhánh nho để minh hoạ về mối liên hệ của chúng ta trong Ngài.
Để cây nho kết nhiều trái, người làm vườn phải thường xuyên tỉa sửa, dọn cành, vì nếu không đến mùa cho trái rất ít và thường là những trái đèo đẹt, kém chất lượng.
Kinh Thánh mô tả vườn nho có những nhánh nho không trái (Giăng 15: 2a), những nhánh nho có ít trái (Giăng 15: 2b), những nhánh nho sai trái hơn (Giăng 15: 2c) và những nhánh lắm trái (Giăng 15: 5).
Người làm vườn kinh nghiệm trong việc nhận biết nhánh nào nên cắt bỏ, nhánh nào cần được tỉa sửa. Cách tỉa sửa mỗi nhánh cũng có phần khác nhau, nhờ đó cây nho cho trái nhiều hơn với chất lượng thơm ngon hơn.
Chúa Jesus ví sánh Đức Chúa Trời là người trồng nho, và để thu hoạch kết quả thì “hễ nhánh nào trong Ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.” (Giăng 15:1-2).
Đức Chúa Trời sẽ chặt bỏ bất cứ nhánh nào không sinh ra trái, Ngài cũng sẽ tỉa những nhánh đang ra trái để nó ra nhiều trái hơn.
Kinh Thánh chép: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết quả nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” (Giăng 15:8).
Không những Chúa mong chúng ta “có trái” mà còn là “sai trái hơn” và được “lắm trái.” Nên Ngài phải tỉa sửa chúng ta.
1. Chúa dùng lời Chúa để tỉa sửa (Giăng 15: 3)
Lời Ngài là gươm của Đức Thánh Linh, sắc hơn gươm hai lưỡi (Hê-bơ-rơ 4:12), có khả năng đâm sâu vào tâm linh chúng ta để bày tỏ những “lá sâu”, lá “vô dụng” trong con người chúng ta.
2. Chúa dùng sự khó khăn, hoạn nạn để rèn tập và khiến chúng ta kết quả
Khi Chúa “tỉa sửa”, Ngài sẽ cắt bỏ những điều làm đời sống chúng ta nghẹt ngòi, hành động này của Chúa làm chúng ta đau đớn, nhưng chúng ta phải hiểu mục đích của việc Chúa làm.
Ngài không làm chết nhánh nho nhưng chỉ cắt bỏ những điều làm suy yếu hay giới hạn sự ra trái của nhánh nho, khi sự tỉa sửa kết thúc, nhánh sẽ mạnh mẽ và sinh nhiều trái hơn. Kết quả này làm cho Đức Chúa Trời được vinh hiển, đời sống chúng ta trở thành lời làm chứng hữu hiệu cho người chưa biết Chúa.
Vậy thì đâu là thái độ chúng ta cần có khi được Chúa tỉa sửa?
Chúng ta phải “hợp tác” với Chúa Thánh Linh, tin cậy vào quyền năng và ý muốn tốt lành của Ngài cho đời sống mình. Tin rằng mọi hoàn cảnh Đức Chúa Trời cho phép xảy ra – xấu hay tốt, buồn hay vui, khổ hay hạnh phúc, mạnh khoẻ hay bệnh tật đều nằm trong sự tể trị và kế hoạch của Ngài. “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)
Bởi đức tin, chúng ta tin rằng “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:11)
Giăng 15:16 cũng chép: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn.”
Trái mà Chúa muốn chúng ta thể hiện gồm có cả trái bên trong và bên ngoài.
Trái bên trong là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22).
Trái bên ngoài là làm chứng cho Chúa để đem người khác về với Ngài, như Anh-rê đưa dắt anh là Phi-e-rơ; Phi-líp đưa dắt bạn là Na-tha-na-ên đến với Chúa Jesus (Giăng 1:4-49).
Ngay sau khi đặt niềm tin nơi Chúa, không lòng vòng, do dự nhưng những người này đã mạnh dạn giới thiệu tình yêu Chúa Jesus cho người khác, đưa anh em, bạn bè đến với Ngài và họ đã nhận được kết quả trong năng quyền hành động của Chúa.
Xin Chúa giúp bạn VUI NHẬN sự tỉa sửa của Ngài để ngày càng kết trái cho Chúa, cả trái bên trong lẫn bên ngoài, và Danh Chúa sẽ được vinh hiển qua chính cuộc đời bạn.
Tabitha Phạm
Leave a Reply