Cho đi cách rộng rãi

Oneway.vn – Liệu có thể dâng hiến rời rộng khi tài chính eo hẹp hay không?

Tôi đã tranh đấu với câu hỏi này, vì dường như gia đình tôi không có “dư dả” cho những khoản dâng tự phát. Tôi choáng ngợp bởi vô vàn nhu cầu xung quanh chúng ta – bệnh tật, sinh nở, khủng hoảng tài chính – và tình hình tài chính chán nản của tôi làm cho bén rễ lòng kiêu ngạo.

Lòng kiêu ngạo nói rằng: “Chính tôi là người phải đáp ứng muôn vàn nhu cầu của người khác”. Đó là lòng kiêu ngạo nghi ngờ sự tốt lành và khả năng chu cấp của Chúa cho mọi nhu cầu của chúng ta. Lòng kiêu ngạo dấy lên trong tôi mong muốn độc lập và quyền kiểm soát, thay vì khiêm tốn vâng phục những gì Ngài đã ban cho chúng ta.

Tấm lòng rộng rãi được thúc đẩy bởi ân điển 

Chúa đã dạy tôi cách khiêm nhường bằng một lời nhắc nhở đơn giản: Tấm lòng rộng rãi có nhiều hình thức và quy mô.

Sự rộng rãi nảy sinh từ một tấm lòng khiêm nhường dư dật – đó là một thái độ mà chúng ta phải chọn lựa. Nếu chỉ vì tiền, nhiều người trong chúng ta sẽ không đủ tư cách làm điều này. Nhưng Chúa đã kêu gọi tất cả con dân Ngài phải có tấm lòng rộng lượng còn hơn thế nữa:

“Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em ân điển sung mãn để đáp ứng mọi nhu cầu của anh em, lại còn có dư dật để làm mọi việc lành… Việc trợ giúp nầy là bằng chứng để họ tôn vinh Đức Chúa Trời, vì sự vâng phục Tin Lành của Đấng Christ mà anh em đã bày tỏ, và vì sự trợ giúp rộng rãi của anh em đối với họ và với mọi người. Còn họ sẽ cầu nguyện cho anh em và quý mến anh em, vì ân điển kỳ diệu Đức Chúa Trời đã ban cho anh em” (2 Cô-rinh-tô 9:8, 13–14).

Phao-lô khuyến khích Hội Thánh Cô-rinh-tô hãy vui vẻ dâng hiến cho các anh chị em ở Giê-ru-sa-lem. 

Ông khích lệ họ rằng cuối cùng sự trợ giúp không đến từ sự phấn đấu, nỗ lực hay của cải của họ, mà là từ Đức Chúa Trời giàu có của họ, Đấng Tạo hóa và Chu cấp mọi điều. Chỉ một mình Ngài “có quyền ban cho anh em ân điển sung mãn” với mục đích cao cả. 

Và Phao-lô nói rằng ân điển này thúc đẩy “mọi việc lành” – không chỉ về tiền bạc, mà còn nhiều hình thức và quy mô khác. 

Ân điển vô hạn của Đức Chúa Trời thúc đẩy tấm lòng rời rộng, điều này thôi thúc chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời và Phúc Âm của Ngài. Vì vậy, sự cho đi hào phóng, dưới bất kỳ hình thức nào trong bất kỳ bối cảnh nào, rốt cuộc không phải là vì chúng ta hay những nhu cầu mà chúng ta đang đáp ứng (thật thoải mái làm sao!), mà là vì sự tôn vinh Đức Chúa Trời và việc rao truyền Tin Lành của Ngài.

Khi biết được ân điển Chúa thúc đẩy lòng rộng rãi của chúng ta, làm cho chúng ta dư dật trong mọi sự vào mọi lúc, chúng ta có thể áp dụng điều này trong đời sống dâng hiến ra sao?

1. Đầu tư thời gian

Người ta nói “Thời gian là tiền bạc”. Thời gian là có hạn, do đó nó rất quý giá. Khi sống trên đất, thời gian sẽ là một khoản đầu tư, và những gì chúng ta đầu tư vào sẽ bày tỏ điều gì là quan trọng với chúng ta. 

Khi dành thời gian của mình cho người khác, bạn đang đầu tư vào lợi ích đời đời và chu cấp rời rộng cho họ một cách ý nghĩa và thiết thực.

  • Hãy lắng nghe người bạn đang bị tổn thương và hướng dẫn Lời Chúa cho người ấy.
  • Cam kết tham gia nhóm nhỏ mỗi tuần, đóng góp trong sự chia sẻ và cầu nguyện.
  • Bắt chuyện với một người chưa tin Chúa ở công viên và mời anh ấy đến nhà thờ.
  • Tập trung trò chuyện với con cái của bạn, bỏ qua các công việc cần làm khác.

Rộng lượng có nghĩa là đầu tư thời gian của bạn để tôn vinh Đức Chúa Trời và Phúc Âm của Ngài.

2. Tận dụng công việc của bạn

Hầu hết mọi người dành phần lớn cuộc đời mình để làm việc, cho dù ở nhà hay trong văn phòng. Khi đó, chúng ta có một cơ hội lớn để ứng dụng tấm lòng rộng lượng qua cách dành thời gian làm việc và quản lý những kỹ năng của mình:

  • Khi siêng năng với công việc và tối đa hóa hiệu quả làm việc, bạn đang rộng lượng với chủ của mình. 
  • Khi đào tạo ai đó trong lĩnh vực chuyên môn với tinh thần vui vẻ, không miễn cưỡng, bạn đang thể hiện sự hào phóng với họ.
  • Khi làm việc để giáo dục thế hệ tiếp theo, cho dù là trẻ em, học sinh hay người kế vị, khi bạn chia sẻ những kỹ năng của mình với người khác, bạn đang thể hiện tinh thần vô cùng hào phóng.

Hãy để sự rộng lượng làm đòn bẩy cho công việc của bạn, làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời và Phúc Âm của Ngài.

3. Rộng mở tấm lòng phục vụ

Sự giúp đỡ thiết thực thông qua những hành động phục vụ sẽ đáp ứng nhu cầu của những người đang gặp khó khăn. 

Thay vì nói với ai đó: “Hãy cho tôi biết tôi có thể giúp gì cho bạn”, chúng ta nên chủ động giúp đỡ. Thông thường, những người gặp khó khăn và tổn thương sẽ không biết bạn có thể giúp họ như thế nào và sẽ không yêu cầu bạn đâu, vì vậy rèn luyện lòng rộng lượng bằng cách làm những điều đơn giản để giảm bớt gánh nặng cho ai đó.

  • Giúp cặp vợ chồng mới lên chức cha mẹ lên kế hoạch tổ chức tiệc đầy tháng.
  • Giúp đỡ một gia đình khó khăn dọn dẹp nhà cửa và chạy việc vặt.
  • Thăm một anh chị em bị bệnh.
  • Cầu nguyện cho các nhu cầu trong và ngoài Hội Thánh của bạn.

Rộng lượng có nghĩa là rộng mở tinh  thần phục vụ của bạn, làm vinh danh Đức Chúa Trời và Phúc Âm của Ngài.

4. Chia sẻ tài sản 

Có gì chúng ta sở hữu mà lại không đến từ Đức Chúa Trời (1 Cô. 4:7)? Mọi thứ chúng ta có đều thuộc về Ngài, từ đồ đạc cho đến chính cuộc đời chúng ta. 

Chúng ta là quản gia coi sóc những gì Ngài giao phó, và chúng ta sẽ mang lại nguồn phước cho người khác khi vui lòng chia sẻ tài sản của mình với họ.

  • Chia sẻ nhà của bạn. Hãy mở rộng cửa cho bạn bè và người lạ, người lớn và trẻ em, người tin và người không tin.
  • Chia sẻ xe của bạn. Chở người cần đi nhờ, hoặc nếu có thể, hãy cho họ mượn xe.
  • Chia sẻ thức ăn của bạn. Mời mọi người dùng bữa, cho họ chỗ nghỉ ngơi, và chăm sóc họ. 

Rộng lượng có nghĩa là chia sẻ tài sản của bạn, điều này sẽ tôn vinh Chúa và Phúc Âm của Ngài.

Cho đi cách tự do

Chúa có quyền ban cho chúng ta mọi ân điển dư dật, để chúng ta luôn được đầy đủ trong mọi sự, và có thể làm mọi việc lành. Chúng ta cho đi cách tự do vì Ngài đã và sẽ chu cấp tất cả những gì chúng ta cần. Và trong tinh thần tự do này, có nhiều hình thức để chúng ta đóng góp lòng rộng lượng cho những nhu cầu mà Chúa đã đặt để xung quanh.

Nguyện rằng tâm linh chúng ta tràn đầy lòng rộng lượng khiêm nhường, vì Đức Chúa Trời qua Đấng Christ đã rộng lượng trước với chúng ta.

 

Bài: Kristen Wetherell; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *