Oneway.vn – Sự tử đạo của John Chau gần đây có gợi lên trong bạn một niềm hy vọng nào không?
Ngày 17/11/2018, John Chau chèo xuồng về phía những bãi biển đảo Bắc Sentinel. Hai ngày trước, anh đã cố gắng tiếp cận với cộng đồng biệt lập, nhưng cuối cùng anh đã bị đuổi bởi bởi mũi tên. Chau đã dành nhiều năm để lên kế hoạch, cầu nguyện và chuẩn bị để mang Phúc Âm đến cho người Sentinel. Anh tin chắc Đức Chúa Trời đã kêu gọi mình đến với họ. Không lâu sau khi Chau đến hòn đảo này, những ngư dân đi cùng anh nhìn thấy một nhóm người trên đảo kéo xác anh đi chôn.
Ms John Piper từng viết về một người truyền giáo khác đã tử đạo trong một chiến trường thù địch, “Điều bận tâm nhất đối với cả cuộc đời ông là có một điều gì đó còn tệ hơn là cái chết. Vì vậy, ông sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để giải cứu người khác khỏi điều tệ hại hơn nhiều đó. Ông có thể mạo hiểm mạng sống mình bởi vì ông biết rằng sự mạo hiểm và thậm chí là cái chết của mình có thể mang lại ‘vinh quang cao trọng vĩnh cữu’”. John Chau cũng đã mạo hiểm và đã trả cùng một giá như vậy với cùng một hy vọng lớn lao.
Lịch sử bạo lực của cộng đồng được ghi chép đầy đủ, và chúng ta có thể có một số hiểu biết sâu sắc về lý do tại sao họ lại thù địch với người bên ngoài. Vào những năm 1880, một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh tên Maurice Vidal Portman đã dừng lại dọc theo chuỗi hòn đảo để nghiên cứu người bản địa. Ông bắt cóc sáu người Sentinel, gồm cặp vợ chồng lớn tuổi và bốn đứa con, dẫn đến việc cặp đôi nhanh chóng bị bệnh và chết (xem thêm “The last Island of the Savages” – tạm dịch: “Hòn đảo cuối cùng của những kẻ man rợ”). Có rất ít các báo cáo được chứng minh về sự đối xử của Portman là ngoan cố và đau đớn. Việc những người bên ngoài gây tổn hại và đối xử bất công với người dân Sentinel không thể là lý do bào chữa do sự tàn bạo của họ nhưng nó có thể giúp chúng ta hiểu vấn đề rõ hơn.
Ngài đang làm gì, Chúa ơi?
Các câu hỏi về sự nhiệt tình, sự đào tạo, sự thận trọng và di sản của John Chau đã được nêu lên. Nhưng một câu hỏi quan trọng hơn nữa ẩn dưới bi kịch đó là: Đức Chúa Trời làm gì trong tất cả những điều này? Đức Chúa Trời hành động như thế nào để bày tỏ vinh hiển của Ngài đối với người dân Sentinel? Liệu Ngài có thể tha thứ cho việc họ giết người và ban cho họ tự do khỏi nỗi đau của chính họ? Ngài sẽ mang lại sự chữa lành cho nỗi đau của gia đình Chau như thế nào? Đức Chúa Trời chúng ta có thể sử dụng sự bất công, những mũi tên, và một nhà truyền giáo đã ngã xuống để làm cho ân điển phục hòa của Ngài được biết đến trên toàn thế giới không?
Đức Chúa Trời đã làm như vậy trước đó thông qua một câu chuyện nổi bật tương tự. Vào ngày 20/11/1839, 2 nhà truyền giáo John Williams và James Harris đã đi thuyền đến bờ biển của một hòn đảo nhỏ tên là Erromango ở New Hebrides (ngày nay là Vanuatu). Họ được yêu cầu phải tránh hòn đảo này bởi vì người bản địa bị cho là bạo lực đối với người ngoài và thậm chí đôi khi có thể ăn thịt họ. Tuy nhiên, Williams và Harris đã thấy Đức Chúa Trời hành động trên các đảo khác, và tin rằng Ngài sẽ tiếp tục công việc tuyệt vời của Ngài giữa vòng những người này.
Họ đã chuẩn bị phương cách
Mặc dù biết sự nguy hiểm, họ không nhận thức rằng cộng đồng Erromango gần đây đã bị kích động bởi một cuộc tấn công bởi những người bên ngoài. Vài tuần trước khi họ đến, một thương nhân người Úc kinh doanh gỗ đàn hương đã giết hại dã man 2 đứa con trai của một thủ lĩnh bản địa. Kết quả là, cộng đồng đã quyết tâm phản đối dữ dội đối với bất kỳ người da trắng bên ngoài nào (xem thêm: “Erromango: Cannibals and Missionaries on the Martyr Isle”).
Chỉ vài phút sau khi bước lên bờ, Williams và Harris bị những người trên đảo tấn công bằng gậy, bị giết và ăn thịt như là một phần của một nghi thức thờ cúng. Tin tức về số phận của họ nhanh chóng lan truyền, và nhiều người buộc tội các nhà truyền giáo, cho là họ nhiệt thành ngu xuẩn và cố áp đặt các tiêu chuẩn xa lạ cho những cộng đồng đang sống trong “niềm hạnh phúc ban sơ” và không muốn thay đổi (Xem thêm: “The Greatest Century of Misions).
Sứ mạng của những nhà truyền giáo đã kết thúc nhưng câu chuyện về sự tể trị, hướng dẫn của Đức Chúa Trời chỉ mới bắt đầu.
Hai mươi năm sau đó
Khoảng 20 năm sau, một nhà truyền giáo khác tên John G. Paton đã đi thuyền cùng gia đình của mình để mang Phúc Âm đến cho người dân Erromango. Ông đến với họ với lòng thương xót cho linh hồn của họ. Paton đã tin rằng Chúa đang làm việc, thậm chí thông qua sự tử đạo của Williams và Harris.
Sự tin quyết này đã được xác chứng khi Chúa sử dụng chức vụ của Paton để giúp nhiều người Vanuatu nhận lấy ân điển, sự chữa lành và sự tha thứ của Chúa Jesus. Trong cuốn tự truyện của mình, Paton sau này đã viết về sự tử đạo của những người tiên phong, “Như vậy là những người Hebrides mới đã chịu phép báp têm bởi huyết của các giáo sĩ; và qua đó Đấng Christ đã nói với toàn thể thế giới Cơ Đốc rằng Ngài tuyên bố những hòn đảo này là của chính Ngài” (John G. Paton, 75). Ngày nay, đức tin nơi Đấng Christ đang lớn lên trên hòn đảo vốn đã từng tràn ngập với nỗi đau và giận dữ. Bằng chứng về ân điển đời đời của Đức Chúa Trời đối với họ được bày tỏ trong một buổi hòa giải được tổ chức vào ngày 20/11/2009. Trên cùng một bãi biển nơi nhà truyền giáo John Williams bị giết, khoảng 170 năm sau đó, cháu trai của ông và 17 thành viên khác trong gia đình cùng đứng với hậu tự của những người dân đảo đã giết ông. Người dân đảo tập hợp lại để xin sự tha thứ và kỷ niệm sự tha thứ và sự hòa giải, điều mà chỉ có Đấng Christ mới có thể mang lại. Chủ tịch nước Cộng hòa Vanuatu nói: “Vì chúng ta là một quốc gia Cơ Đốc, điều quan trọng là chúng ta phải hòa giải như thế này”. BBC đã viết về câu chuyện này và làm một đoạn phim dài 3 phút đáng để bạn dành thời gian xem.
Sự tha thứ cho tất cả mọi người
Khi tôi suy nghĩ về những sự kiện trên, tôi không thể không tự hỏi rằng phải chăng Đức Chúa Trời đang làm gì đó tương tự qua những sự kiện diễn ra gần đây. Trong lịch sử, chúng ta biết rằng mục đích của Đức Chúa Trời là bày tỏ vinh quang của Ngài qua niềm vui của tất cả mọi dân trong Chúa Jesus Christ.
Chau cũng biết điều đó. Chỉ vài giờ trước khi qua đời, anh đã viết trong nhật ký của mình, “Tôi hy vọng đây không phải là một trong những ghi chép cuối cùng của mình, nhưng nếu nó là thật thì “Nguyện Đức Chúa Trời được vinh hiển”. “Nguyện Đức Chúa Trời được vinh hiển” ở giữa mọi dân trên toàn thế giới. Đây là lý do tại sao Chúa Jêsus từ bỏ vinh quang của thiên đàng để cảnh báo chúng ta về sự phán xét sắp tới và đem sự cứu rỗi cho hễ ai tin Ngài (Giăng 3: 16–20).
Nhưng con người, như người Sentinel và Erromango, đã không đón nhận sứ giả đem đến lẽ thật (Giăng 1: 11–14). Thực ra, chúng ta ghét sứ điệp của Chúa Jesus đến nỗi chúng ta đã hành hạ Ngài cho đến chết qua sự đóng đinh (Giăng 19: 1–37). Tuy nhiên, thông điệp gây xôn xao dư luận của Kinh Thánh là Chúa Jesus đã bằng lòng từ bỏ sự sống của mình cho con dân của Ngài và sống lại từ cõi chết để đem đến sự tha thứ và niềm vui cho tất cả những ai tin Ngài.
Xin hãy làm điều đó lần nữa, Chúa ơi
Chúng ta không thể biết chắc Chúa đang làm gì. Nhưng liệu Ngài có thể làm hội thánh của Ngài bùng cháy với một ngọn lửa tươi mới để tiếp cận những dân tộc chưa biết Tin Lành trên thế giới không? Đức Chúa Trời có thể sử dụng cái chết của John Chau để khuấy động tấm lòng của nhiều giáo sĩ hơn để đem Phúc Âm của Chúa Giê-xu cho người dân Sentinel không? Ngài có thể khuấy động bạn không? Liệu rằng Đức Chúa Trời có thể đang hành động để mang đến cho họ sứ điệp tha thứ về việc giết giáo sĩ cũng như chữa lành họ khỏi sự bất công mà họ đã gánh chịu từ nhiều thế hệ trước đó không? Liệu Đức Chúa Trời có thể có kế hoạch cho một sự hòa giải của sự tha thứ trong nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ từ bây giờ để bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho thế giới không? Bạn có thể hình dung buổi lễ được diễn ra trên bờ biển của đảo North Sentinel không?
Lời kêu gọi của Mục sư John Piper từ năm năm trước trong đám tang của một giáo sĩ khác cũng tử đạo cũng là một thông điệp rất phù hợp hiện nay: “Tôi kêu gọi hàng ngàn người trong số quý vị đứng vào chỗ của họ. Hãy để cho sự nối tiếp này ngập tràn thế giới. Không phải chúng ta tìm kiếm cái chết. Điều chúng ta mong muốn là đem niềm vui đời đời cho thế giới – bao gồm cả kẻ thù của chúng ta”.
Đức Chúa Trời có thể dấy lên một phong trào từ một người tử đạo. Ngài đã thực hiện điều này trước đây. Chúng ta hãy cầu nguyện để Ngài sẽ làm điều đó một lần nữa.
Hồng Nhung dịch
Nguồn: desiringgod.org
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!
Leave a Reply