Oneway.vn – “Vậy, thưa anh em quý mến của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1 Cô-rinh-tô 15:58)
Trong Bài tín điều Nicene (the Nicene Creed, Bài tín điều đầu tiên được đưa ra tại Giáo hội nghị Nicaea vào năm 325 SC; ndct), chúng ta đã tuyên bố rằng Đức Chúa Jêsus Christ “sẽ trở lại trong vinh quang để xét đoán kẻ sống và kẻ chết, Nước Ngài sẽ trường tồn vĩnh cửu”, nhưng cả dòng chính của Công giáo lẫn dòng chính của Tin Lành đều không khám phá ra ý nghĩa chính xác của tất cả những điều đó, và chúng ta đã để cho những hình thức khác nhau của thuyết nhị nguyên (dualism) lấp vào khoảng trống ấy.
Đặc biệt, Cơ Đốc giáo phương Tây đã cho phép mình đi theo tư tưởng của thuyết nhị nguyên đó qua việc tin rằng đích đến sau cùng của con dân Đức Chúa Trời là thiên đàng, một nơi tách biệt khỏi trái đất, để rồi mục tiêu của toàn bộ Cơ Đốc giáo, bao gồm sự tin đạo, sự xưng công chính, sự thánh hóa và sự cứu rỗi, đều được mô tả như sự bỏ lại trái đất để trở về nhà thiên đàng.
Chủ đề này vô cùng mạnh mẽ trong rất nhiều bài giảng, nghi thức thờ phượng và thánh ca phổ biến đến nỗi nhiều người cảm thấy kinh ngạc khi nghe rằng đây đơn giản không phải là cách các Cơ Đốc nhân đầu tiên nhìn nhận mọi thứ.
Đối với những Cơ Đốc nhân ban đầu, sự phục sinh của Chúa Jêsus đã mở ra sự tạo dựng mới của Đức Chúa Trời trên thế giới, bắt đầu làm ứng nghiệm lời cầu nguyện mà Chúa Jêsus đã dạy các môn đồ Ngài, rằng Vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến trên đất như trên thiên đàng, “ở đất như ở trời” (Ma-thi-ơ 6:10), cũng như báo trước về “trời mới và đất mới” (Ê-sai 65:17, 66:22; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải huyền 21: 1) như đã được hứa bởi tiên tri Ê-sai và được nhắc lại trong Tân Ước.
Từ quan điểm này, như tôi thường nói (mặc dù câu này đối với tôi không phải là nguyên văn), thiên đàng chắc chắn rất quan trọng, nhưng nó không phải là kết cục của thế giới. Các Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu không quan tâm lắm đến những gì xảy ra với con người ngay sau khi họ qua đời như cách mà thế giới chúng ta quan tâm. Họ vô cùng hào hứng với một chủ đề mà nhiều Cơ Đốc nhân phương Tây trong vài năm qua đã hoàn toàn bỏ quên, đó là sự tạo dựng mới sau cùng, là trời mới và đất mới giao hòa với nhau, và sự sống lại của thân thể sẽ tạo ra những con người mới để sống trong thế giới mới đó.
Cách suy nghĩ của chúng ta về tương lai sau cùng có tác động trực tiếp và rõ ràng đến cách chúng ta suy nghĩ về nhiệm vụ của Hội thánh trong thời điểm hiện tại. Nói trắng ra và có lẽ hơi châm biếm: Nếu bạn cho rằng thế giới không gian, thời gian và vật chất trong hiện tại là một nơi hoàn toàn xấu xa, thì nhiệm vụ là phải thoát khỏi thế giới này và làm sao cho càng nhiều người khác làm theo càng tốt. Nếu đi theo hướng đó, kết cục rất có thể là bạn sẽ rơi vào một hình thức nào đó của trí huệ giáo, và người theo trí huệ giáo thì không quan tâm đến việc cải thiện nhiều điều ở con người hoặc trạng thái của vũ trụ vật chất trong hiện tại. Việc gì phải dán giấy dán tường cho ngôi nhà nếu ngày mai nó sẽ bị đánh sập?
Ở một thái cực ngược lại, một số nhà thần học lại rất ấn tượng với sự hiện diện và sự hành động của Đức Chúa Trời trong thế giới hiện tại đến nỗi họ cho rằng Ngài chỉ muốn tiếp tục làm như hiện nay, tiếp tục cải thiện thế giới cho đến khi cuối cùng nó trở thành một nơi hoàn hảo như Ngài đã dự định. Từ quan điểm này, nhiệm vụ của Cơ Đốc nhân là thực hiện các chương trình cải thiện văn hóa và xã hội, trong đó có chăm sóc môi trường tự nhiên, để Vương quốc Đức Chúa Trời sẽ đến trên đất thông qua một quá trình gần giống như tiến hóa, như quan điểm của Teilhard de Chardin (một triết gia người Pháp tin vào sự tiến hóa của vũ trụ; ndct), hoặc ít nhất là cho đến khi công việc chăm chỉ của con người trong thế giới hiện nay đạt đến kết quả mà Đức Chúa Trời dự định cho chung cuộc. . . .
Lần đầu tiên tôi đối diện với vấn đề này là trong một buổi diễn thuyết ở Thunder Bay, Ontario, vào năm 1982 hoặc 1983. Tôi đang làm việc tại Montreal và được mời nói chuyện về Chúa Jêsus trong bối cảnh lịch sử. . . . Tôi ngạc nhiên khi nhận ra câu hỏi chính của mọi người lúc ấy không phải là ý nghĩa của các câu chuyện ngụ ngôn hay ý nghĩa của thập tự giá, mà là những câu hỏi về sinh thái học: một số người trong Hội thánh đã nói rằng không việc gì phải lo lắng về cây cối và mưa axit, sông hồ và sự ô nhiễm nguồn nước, hoặc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng và thu hoạch, bởi vì Chúa Jêsus sẽ sớm trở lại và trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ phá hủy thế giới hiện nay. Việc quan ngại về tình trạng của hệ sinh thái chẳng có ý nghĩa gì, thật ra còn không thuộc linh, đó chỉ là một kiểu suy nghĩ của thế gian sẽ làm chúng ta bị phân tâm khỏi nhiệm vụ thực sự là rao giảng Phúc âm, cứu rỗi và nuôi dưỡng linh hồn cho cõi thuộc linh vĩnh hằng. Bây giờ tôi không thể nhớ ra mình đã trả lời những câu hỏi đó như thế nào, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến các câu hỏi ấy.
Thư Phao-lô gửi cho Hội thánh tại Rô-ma (khoảng năm 56 SC)
Cõi tạo vật đang thiết tha mong đợi khoảnh khắc mà con cái Đức Chúa Trời sẽ hiện ra. Như chúng ta thấy, cõi tạo vật đã bị bắt phải chịu phục sự hư không, không phải do ý muốn tự nguyện, mà bởi vì Đấng muốn chúng phải chịu phục, với hy vọng rằng “muôn vật rồi đây cũng sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:19–21).
Hãy để tôi giải thích. Chúng ta biết rằng, cho đến thời điểm hiện nay, toàn bộ cõi tạo vật đang rên xiết và trải qua những cơn đau chuyển dạ quặn thắt. Không chỉ thế, chúng ta cũng vậy: chúng ta có những trái đầu mùa của sự sống của Đức Thánh Linh trong chúng ta, chính chúng ta cũng đang rên rỉ trong khi tha thiết chờ đợi sự nhận làm con nuôi và sự cứu chuộc của thân thể (Rô 8: 19–23).
Thật đáng kinh ngạc khi các Cơ Đốc nhân đầu tiên, giống như những ra-bi chính thống trong thời kỳ này, đã bám lấy hai giáo lý không thể tách rời về sự sáng tạo và sự phán xét: Đức Chúa Trời đã sáng tạo thế giới và làm cho nó thật tốt lành, và một ngày nào đó, Ngài sẽ đến và giải quyết tất cả. Nếu bỏ đi sự tốt đẹp của cõi sáng tạo, chúng ta chỉ còn lại sự phán xét, khi thế giới bị vứt đi như rác rưởi, để lại chúng ta ngồi chơi đàn hạc trên một đám mây lơ lửng. Nếu bỏ đi sự phán xét, chúng ta chỉ còn lại một thế giới náo loạn, không có hy vọng, trừ những người theo phiếm thần thuyết tin vào những chu kỳ bất tận của sự hiện hữu và lịch sử. Nếu đặt sự sáng tạo và sự phán xét lại với nhau, chúng ta có được trời mới và đất mới, động từ sáng tạo ở đây không phải là ex nihilo (tạo dựng từ con số 0) mà là ex vetere (tạo dựng từ cái cũ, từ cái hiện có).
Và hình mẫu cho điều đó tất nhiên là sự phục sinh của Chúa Jêsus, Đấng đã không bỏ lại thể xác của Ngài trong hang mộ để tạo ra một thể xác mới, nhưng dùng chính thể xác đã chịu khổ, chịu chết và bị chôn ấy để sống lại sau ba ngày, là thể xác còn mang dấu đinh đóng và giáo đâm có thể nhận ra được. Có cả một thế giới kiến thức về thời đại chung cuộc trong các câu chuyện phục sinh, đặc biệt việc sứ đồ Giăng nhấn mạnh rằng ngày Phục sinh là ngày đầu tiên trong tuần; Giăng là người nắm vững thần học sáng tạo, hẳn ông phải biết chính xác những gì mình đang làm. Sự Phục sinh là khởi đầu của sự tạo dựng mới của Đức Chúa Trời. Chúng ta không cần phải chờ đợi, bởi nó đã xảy ra rồi. Không chỉ thế, toàn bộ ý chính của Giăng 20 và 21 là: Chúng ta, những người tin vào Chúa Jêsus, không chỉ là người hưởng lợi từ sự tạo dựng mới mà còn phải là những tác nhân của sự tạo dựng mới, trong quyền năng của Đức Thánh Linh.
Tôi xin kết thúc bằng một câu Kinh Thánh tuyệt vời trong 1 Cô-rinh-tô 15:58: “Vậy, thưa anh em quý mến của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”. Hãy nghĩ xem, tại sao lời động viên này lại xuất hiện sau một chương nói về sự sống lại? Nếu chúng ta chỉ tin theo quan điểm thông thường của phương Tây về đời sau thì câu kết cho một chương dài về sự sống lại có lẽ nên là: “Vậy, thưa anh em quý mến của tôi, hãy ngước đầu lên và chờ đợi niềm hy vọng tuyệt vời cuối cùng sẽ đến trên anh em”. Nhưng đối với Phao-lô, như có thể thấy rõ trong suốt sách 1 Cô-rinh-tô, sự phục sinh có nghĩa là những gì bạn làm trong hiện tại có tầm quan trọng trong tương lai của Đức Chúa Trời. Điều này đúng trong lĩnh vực đạo đức, nhất là đạo đức tình dục, như trong 1 Cô-rinh-tô 6. Nhưng nó cũng đúng đối với mọi lĩnh vực khác. Sự sống lại, sự tái tạo của Đức Chúa Trời trên thế giới tuyệt vời của Ngài, đã bắt đầu từ sự phục sinh của Chúa Jêsus và tiếp tục một cách mầu nhiệm khi con dân Đức Chúa Trời sống trong Đấng Christ phục sinh và trong quyền năng của Thánh Linh Ngài. Điều đó có nghĩa là những gì chúng ta làm trong Đấng Christ và bởi Đức Thánh Linh trong hiện tại không hề lãng phí. Nó sẽ tồn tại và được biến đổi trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.
Tôi không biết chính xác điều này nghĩa là sao. Tôi không biết một bức tranh được họa sĩ vẽ nên hôm nay trong sự cầu nguyện và sự khôn ngoan Chúa ban sẽ có vị trí thế nào trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Tôi không biết chúng ta sẽ dùng những nhạc cụ gì để chơi nhạc Bach, mặc dù tôi chắc rằng nhạc của nhà soạn nhạc tin kính này sẽ có ở đó. Tôi không biết việc trồng cây của tôi hôm nay sẽ liên quan gì đến những cây cối tuyệt vời trong thế giới tái tạo của Đức Chúa Trời trong tương lai. Tôi không biết những việc làm đem lại công lý cho người nghèo, để xóa nợ toàn cầu… sẽ thể hiện thế nào trong thế giới mới. Nhưng tôi biết rằng thế giới mới của sự công chính và vui mừng, niềm hy vọng của cả trái đất, đã được khai mở khi Chúa Jêsus bước ra khỏi hang mộ vào buổi sáng Phục Sinh: Tôi biết Ngài kêu gọi tôi và bạn sống trong Ngài và nhờ cậy quyền năng của Thánh Linh Ngài để trở thành những người của sự tạo dựng mới ngay ở đây và trong lúc này, để sản sinh ra những dấu hiệu và sự thể hiện đại diện cho Vương quốc Chúa trên đất như trên trời.
Sự phục sinh của Chúa Jêsus và quà tặng Đức Thánh Linh có nghĩa là chúng ta được kêu gọi để trưng ra những dấu hiệu thực sự và hiệu quả của sự tái tạo của Đức Chúa Trời ngay trong thời đại hiện nay. Chúng ta hãy cố hết sức để tránh không đi theo vết xe đổ của người Do Thái trong giai đoạn Đền thờ thứ hai, những người tin rằng họ phải chờ đợi một cách thụ động để Đức Chúa Trời hành động – trong khi Đức Chúa Trời đã hành động thông qua Chúa Jêsus để thiết lập Vương quốc của Ngài trên đất như trên trời. Xin đừng gán cho các công việc và dấu hiệu của sự làm mới lại cõi sáng tạo của Đức Chúa Trời là thông đồng với các thế lực của tội lỗi và sự chết, như người của trí huệ giáo luôn làm, đó là điều tồi tệ nhất.
Điều này không có nghĩa là chúng ta được kêu gọi để xây dựng Vương quốc bằng sức riêng của mình, hoặc thậm chí với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Vương quốc sau cùng khi hiện đến sẽ là món quà miễn phí của Đức Chúa Trời, một hành động vĩ đại của ân điển và sự tạo dựng mới. Nhưng chúng ta được kêu gọi để xây dựng cho Vương quốc. Giống như những người thợ thủ công tham gia một công trình xây nhà thờ lớn, mỗi người chúng ta đều được hướng dẫn thực hiện một viên đá cụ thể mà chúng ta dành cả đời để đẽo gọt, nhưng không hề biết hoặc đoán ra nó sẽ được đặt ở đâu trong toàn bộ thiết kế lớn. Bởi lời của sứ đồ Phao-lô và sự phục sinh của Chúa Jêsus mở đầu cho sự tạo dựng mới, chúng ta được đảm bảo rằng công việc chúng ta làm sẽ không vô ích. Điều đó nói lên tất cả. Đó là nhiệm mạng chúng ta cần cho mọi hành động đem lại sự công chính và lòng thương xót, mọi chương trình bảo vệ sinh thái, mọi nỗ lực để phản ánh hình ảnh của Đức Chúa Trời như một nhà quản trị khôn ngoan trên toàn cõi tạo vật. Trong sự tạo dựng mới, nhiệm vụ khi xưa của con người là chăm sóc khu vườn được tái khẳng định một cách đáng kinh ngạc, đây là một điểm khác mà chúng ta có thể rút ra từ Giăng 20 (sau khi sống lại, Chúa gặp con người đầu tiên là Ma-ri trong một khu vườn, và bà tưởng Ngài là người làm vườn).
Sự phục sinh của Chúa Jêsus là sự tái khẳng định sự tốt lành của cõi tạo vật, và Đức Thánh Linh được ban tặng để biến đổi chúng ta thành con người toàn vẹn như đáng phải có, để cuối cùng chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ đó. Chúng ta còn chờ đợi điều gì nữa? Chúa Jêsus sắp trở lại. Hãy đi và trồng cây thôi!
Bài: N. T. Wright; Dịch: Blessie
(Nguồn: www.plough.com)
Tác giả: Nicholas Thomas Wright, còn được gọi là N. T. Wright hay Tom Wright, là học giả và giáo sư chuyên về Tân Ước và Cơ Đốc giáo Thời kỳ đầu (the Professor of New Testament and Early Christianity) tại Đại học Thánh Anh-rê (the University of St Andrews), nhà thần học về thư tín Phao-lô, giám mục giáo hội Anh giáo, nhà nghiên cứu cao cấp tại Wycliffe Hall, Đại học Oxford, được trao tặng giải thưởng của Fellowship of the Royal Society of Edinburgh (FRSE), tác giả của hơn 80 quyển sách, trong đó có: The New Testament in Its World (tạm dịch: Tân Ước trong Thế giới của nó), A commentary by Wright on the New Testament (Giải kinh Tân Ước của N. T. Wright), The Resurrection of the Son of God (Sự Sống Lại Của Con Đức Chúa Trời), Paul and the Faithfulness of God (Phao-lô và sự thành tín của Đức Chúa Trời), Simply Christian: Why Christianity Makes Sense, Surprised by Hope: Rethinking Heaven, the Resurrection, and the Mission of the Church, , Evil and the Justice of God, Surprised by Scripture: Engaging Contemporary Issues, Simply Good News: Why the Gospel Is News and What Makes It Good …