Chúa luôn có mục đích đằng sau mọi nan đề

Oneway.vn – Ngài dùng những hoàn cảnh để phát triển nhân cách của chúng ta. Trên thực tế, Ngài dựa vào hoàn cảnh để khiến chúng ta trở nên giống với Chúa Jesus nhiều hơn là dựa vào việc đọc Kinh Thánh của chúng ta.Lý do rất rõ ràng: bạn đối diện với hoàn cảnh 24 giờ một ngày. Chúa Jesus cảnh báo rằng chúng ta sẽ gặp nhiều nan đề trong thế gian.

Không ai được miễn trừ khỏi sự đau đớn hay cách ly khỏi sự thương khó, và cũng không có ai trải qua cuộc sống mà không bao giờ gặp phải nan đề. Cuộc sống là một loạt các nan đề. Mỗi khi bạn giải quyết được nan đề này, thì nan đề khác chờ chực để xuất hiện. Không phải tất cả các nan đề đều lớn lao, nhưng chúng lại quan trọng đối với quá trình tăng trưởng Đức Chúa Trời muốn thấy nơi bạn. 

Phi-e-rơ khẳng định với chúng ta rằng nan đề là chuyện bình thường, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (I Phi-e-rơ 4:12). 

Đức Chúa Trời dùng các nan đề để thu hút bạn đến gần Ngài hơn. 

Kinh Thánh chép, “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, Và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối” (Thi Thiên 34:18). 

Những trải nghiệm thờ phượng sâu sắc và thân mật nhất hầu như chỉ đến trong những ngày tháng tăm tối nhất của bạn-khi lòng bạn tan vỡ, khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi, khi bạn không còn một lựa chọn nào, khi nỗi đau tràn dâng và bạn chỉ chạy đến với một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Chính trong sự thương khó mà chúng ta học biết cách cầu nguyện chân thật nhất. Lúc gặp đau đớn, chúng ta không có đủ sức lực để cầu nguyện những lời cạn cợt. 

Joni Eareckson Tada nhận xét, “Khi cuộc đời màu hồng, chúng ta sẽ lướt đi bởi sự hiểu biết về Chúa Jesus, noi gương, trích dẫn và nói về Ngài. Nhưng chỉ khi gặp thương khó, chúng ta mới thực sự biết Chúa Jesus.” Chúng ta học được nhiều điều về Đức Chúa Trời trong sự thương khó mà chúng ta không thể học được bằng những cách khác. 

Đức Chúa Trời có thể ngăn Giô-sép bị tù, ngăn Đa-ni-ên bị bỏ vào chuồng sư tử, ngăn Giê-rê-mi khỏi bị quăng xuống hố, ngăn Phao-lô khỏi bị chìm tàu ba lần,và khiến cho ba người bạn Hê-bơ-rơ không bị ném vào lò lửa hực, nhưng Ngài đã không làm vậy. Ngài để những nan đề đó xảy ra, và kết quả là những người trong các hoàn cảnh đó đã đến gần Ngài hơn. 

Các nan đề buộc chúng ta phải nhìn lên Đức Chúa Trời và lệ thuộc vào Ngài, thay vì chính bản thân chúng ta. Phao-lô làm chứng về ích lợi này: “Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại” (II Cô-rinh-tô 1:9). 

Bạn sẽ không bao giờ biết rằng tất cả những gì bạn cần là Đức Chúa Trời cho tới khi nào bạn chỉ còn một mình Ngài. 

Bất luận nguyên nhân gì, không có một nan đề nào có thể xảy đến mà không được phép của Đức Chúa Trời. Mọi sự đã xảy ra đối với con cái của Đức Chúa Trời đều được Cha chọn lọc, và Ngài muốn dùng nó vì lợi ích của họ, ngay cả khi Sa-tan và những người khác thì muốn hãm hại. 

Đức Chúa Trời tể trị mọi sự, nên các tai nạn chỉ là những biến cố trong kế hoạch tốt lành của Ngài cho bạn. Mỗi ngày trong cuộc đời bạn đã được hoạch định trên lịch của Đức Chúa Trời trước khi bạn ra đời, nên mọi sự xảy ra cho bạn đều có ý nghĩa thuộc linh. 

Rô-ma 8:28-29 giải thích lý do: “Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài và cũng là kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài đã biết trước dân sự mình, và Ngài lựa chọn họ để nên giống như Con Ngài…” (Rô-ma 8:28-29). 

Mục sư Rick Warren

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *