Chúa ở đâu khi tôi cần Ngài nhất?

Oneway.vn – “Chúng ta chỉ có hai lựa chọn: Chọn để chạy về phía Chúa hoặc chạy ra xa Ngài. Chạy về phía Chúa đôi khi đáng sợ – Ngài to lớn và quyền năng. Nhưng chạy trốn khỏi Chúa thậm chí còn đáng sợ hơn”.

Ngài ở đâu?

Khi hay tin người bạn thân qua đời trong một tai nạn xe hơi, tôi choáng váng. Cô ấy không chỉ là người bạn, mà như người mẹ thứ hai của tôi. Một người vợ, người mẹ và người bạn trung thành; và một cuộc đời kết thúc quá đột ngột…

Ngay lập tức tôi đến với Chúa. Trong sự hỗn loạn, trong cơn bão sợ hãi về sự gián đoạn đột ngột của một cuộc sống tốt đẹp, tôi kêu khóc với Chúa…

Nhưng tôi không nghe thấy gì cả. Một sự im lặng tuyệt đối.

Cái cảm giác bị lãng quên này dường mâu thuẫn với Psalm/Thi thiên 46:1: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân”.

Tại sao khi tôi cần sự hiện diện của Chúa, Ngài dường vắng mặt?

Nhà văn, nhà Thần học và Biện giáo nổi tiếng người Anh C.S. Lewis từng thẳng thắn hỏi trong nỗi đau riêng mình: “Tại sao Chúa – người chỉ huy trong lúc thịnh vượng – dường vắng mặt những lúc khó khăn?”.

Đức Chúa Trời hoàn toàn chủ quyền trên mọi hoàn cảnh. Sự thật này khiến ta đau đớn hơn là được an ủi. Chỉ vài giây hoặc vài xăng-ti-mét thôi, bạn tôi có thể được sống. Kết thúc của cô không phải ngẫu nhiên. Ít nhất nó cũng được cho phép, nếu không muốn nói là được dàn xếp, và điều này khiến tôi kinh hãi. Đức Chúa Trời tôi, Đấng tôi tin cậy đã viết sự đau khổ này vào câu chuyện đời tôi?

Tôi chạy

Khi bị cám dỗ để không tin vào cảm giác Đức Chúa Trời vắng mặt, bạn sẽ làm gì?

Đầu tiên, tôi bỏ chạy…

Trong tình trạng hỗn loạn, tôi giải phóng linh hồn mình bằng cách chạy đến cha tôi. “Con sợ!” – tôi nói với ông. “Chúa không chỉ cho phép nó xảy ra, Ngài còn bằng lòng về nó. Con phải làm gì?”. Và cha trả lời tôi bằng Proverbs/Châm-ngôn 18:10 “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên cố; kẻ công bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn trú cao”.

“Chúng ta chỉ có hai lựa chọn” – ông tư vấn. “Chọn để chạy về phía Chúa hoặc chạy ra xa Ngài. Chạy về phía Chúa đôi khi đáng sợ – Ngài to lớn và quyền năng. Nhưng chạy trốn khỏi Ngài thậm chí còn đáng sợ hơn”. Đức Chúa Trời đã khiến tôi nhận ra rằng chúng ta không thể mất hy vọng trong Ngài trong lúc khó khăn. Chúng ta phải kêu cầu Chúa không mệt mỏi, giống như người bạn kiên trì trong Luke/Luca 11.

Chúa nhắc nhở tôi rằng đường lối Ngài cao hơn đường lối chúng ta, ý nghĩ Ngài cao hơn ý nghĩ chúng ta (Isaiah/Êsai 55:9). Rốt lại, sự việc tồi tệ nhất chính là cái chết của Con Ngài đã xảy ra và trở thành điều tuyệt vời nhất, đảm bảo sự cứu rỗi cho chúng ta và tiết lộ vinh quang tối cao của Ngài.

Chúng ta phải chạy đến với Chúa trong mọi niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, sự sống và cái chết. Vì chúng ta được hứa rằng: nếu chúng ta đến gần Ngài, Ngài sẽ đến gần chúng ta (James/Gia-cơ 4:8).

“Tôi nhịn nhục trông đợi…”

Cùng với việc theo đuổi Chúa cách kiên trì, chúng ta cần trung tín chờ đợi.

“Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi. Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm; Ngài đặt chơn tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền”. (Psalm/Thi Thiên 40:1-2).

Psalm/Thi thiên 40:1 không chỉ ra thời gian bao lâu chúng ta phải chờ đợi. Tác giả chỉ đơn thuần nói: “Tôi nhịn nhục trông đợi“, ông cũng không nói: “Tôi kêu gào sốt sắng trước mặt Chúa cho đến khi Ngài nghe thấy tiếng kêu của tôi và giải cứu tôi”. Chờ đợi đòi hỏi đầu phục. Giống như một người đuối nước hoảng loạn, vùng vẫy mong tự giải cứu. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh, thư giãn, anh ta có thể được cứu.

Sau khi tiết lộ rằng Đức Chúa Trời “sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân“, Psalm/Thi thiên 46:10 tiếp “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời”. Đây là cốt yếu giải phóng chúng ta, điều chúng ta cần cầu xin Chúa giúp chúng ta đạt tới. Chúng ta phải nghỉ ngơi trong tình yêu của Ngài, tin cậy trong bất cứ điều gì Ngài làm, đó thực sự là vì vinh quang Ngài, và là sự tốt lành cho chúng ta.

Đấng An ủi

Sự chữa lành không xảy ra ngay. Tôi đã trải qua nhiều ngày kinh hoàng, ngây ngô đọc Kinh Thánh và kêu cầu Chúa. Vô số khoảnh khắc tôi không có lời nào để nói ngoại trừ: “Chúa ơi, giúp con!”.

Lần đầu tiên kêu gọi Đức Chúa Trời bất chấp sợ hãi, tôi cảm thấy lời cầu xin của mình không còn xa hơn trần nhà nữa. Chúa có nghe tôi không? Tôi cảm thấy Ngài như một người bạn kiên trì. Nhưng theo thời gian, với công việc nhẹ nhàng của Đấng Christ trong lòng tôi, những lời cầu nguyện của tôi tăng lên. Kinh Thánh đã an ủi tôi bằng những cách mới, là cách Ngài gửi con người những lời nhắc nhở về tình yêu qua lời Ngài ở những thời điểm hoàn hảo – đó là kho báu vô giá cho linh hồn đau buồn của tôi.

Chỉ giản dị: “Chúa ơi, giúp con!”. Và Ngài thật kiên nhẫn với tôi, với tất cả chúng ta. Nhẹ nhàng, sự bình an Ngài đến bảo vệ tâm hồn, trí óc tôi. “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jesus Christ” (Philippians/Phi-lip 4:7).

Cuối cùng, chúng ta cần hướng đến niềm hy vọng lớn lao hơn bất kỳ nỗi đau nào trên đất này (I Tesalonians/I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Chúng ta được hứa hẹn một kết thúc hạnh phúc, hiệp nhất với Đấng Christ, những gì xảy ra ở đây, trên đời này, thuộc về thế gian này sẽ không kéo dài mãi. Chúa đang đến. Chúng ta phải tiếp tục cuộc chạy với Ngài, và chờ đợi trong sự tin cậy, bình an.

Tác giả Grace Rankin – Nhà văn kiêm Biên tập viên tạp chí Sovereign Grace Missionary Press.

Diệu Trang dịch

(Nguồn: desiringgod.org)

* Mọi thông tin phản hồi hay câu chuyện thực của chính bạn, của người thân, của tín hữu trong Hội Thánh làm chứng hoặc những người xung quanh mà bạn biết rõ; vui lòng gửi về: [email protected]. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả những chia sẻ, những ý kiến đóng góp và bài vở của Quý vị!

Ban Biên Tập


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *