“Chúa ôi, Ngài quên con rồi phải không?”

Oneway.vn – Có khi nào bạn nghĩ Chúa đã quên hoặc không để ý đến mình không?

Với tôi, đôi khi tôi tự hỏi Chúa có yêu tôi đủ không.

Có khi nào bạn nghĩ Chúa đã quên hoặc không để ý đến mình không? Bạn biết cảm giác đó: Một chút ghen tị khi bạn nghe tin một người quen trong nhóm độc thân đã đính hôn hoặc khó chịu khi thấy người khác vui hưởng và thậm chí có phần phô trương những phước hạnh mà lòng bạn hằng ao ước.

Về phần tôi, ảo tưởng về cảm giác bị Chúa phớt lờ, thậm chí càng mãnh liệt hơn khi tôi vật lộn với những vết thương lòng do những người mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ khước từ tôi gây ra. Những lúc đó, thật dễ để đặt câu hỏi liệu Chúa có yêu tôi đủ không hay thậm chí Ngài có yêu tôi không.

Những thử thách của Giô-sép

Tôi luôn cảm thấy bị thu hút bởi câu chuyện của Giô-sép và sự thành tín của ông đối với Chúa trong Cựu Ước. Vì nếu ai có lý do để cảm thấy bị Chúa lãng quên, thậm chí bị phản bội thì đó chính là Giô-sép.

Chúng ta cùng xem lại nhanh câu chuyện của Giô-sép: Các anh ghét cậu vì cậu được cha yêu quý. Thực ra, Kinh Thánh cho chúng ta biết các anh cậu không nói năng tử tế với cậu. Cậu suýt bị giết, rồi bị chính những người anh mình bán làm nô lệ. Sau đó, chàng bị bỏ vào ngục tối vì bị vu oan mặc dù đã vâng giữ luật pháp Chúa. Ôi, và khi chàng nghĩ cuối cùng mình cũng sắp được ra tù, thì chàng lại bị quan hầu rượu quên bẵng suốt hai năm. Chàng đã bị chia cách khỏi cha trong khoảng 13 năm.(Ảnh: Outreach Magazine)

Hãy suy ngẫm sâu sắc về mọi chuyện đó. Phân đoạn Kinh Thánh ngắn chỉ mất 10 phút để đọc về sự chịu khổ của Giô-sép là một thử thách kéo dài 13 năm.

Dầu vậy, cuối cùng Giô-sép đã được giải cứu và được gọi đến chầu trước mặt Pha-ra-ôn, chàng đã dâng sự vinh hiển và tôn kính cho Đức Chúa Trời. Khi tôi suy ngẫm về nỗi đau của chính cuộc đời mình đã khiến tôi đã sấp mình trước Chúa, tôi càng khó hiểu hơn trước phản ứng của Giô-sép. Tôi nghĩ: Chúa ơi, làm sao mà Giô-sép không ghét Ngài, thậm chí sau khi Ngài đã giải cứu chàng ra?


Được nhớ đến, quan phòng và ở cùng

Lý do cho phản ứng của Giô-sép không liên quan nhiều đến Giô-sép mà mọi sự đều liên quan đến Đức Chúa Trời.

Chúa có quyền năng để ngăn chặn hoặc loại bỏ những hoàn cảnh đau khổ của chúng ta. Nếu áp dụng sai cách, sự hiểu biết đó có thể dẫn chúng ta lún sâu hơn vào con đường cay đắng, nghi ngờ và giận Chúa. Vì chúng ta sẽ thắc mắc tại sao Ngài không cất hoàn cảnh đau khổ của mình đi.

Nhưng chính vào những lúc khó khăn đó, Chúa gieo vào lòng chúng ta sự hiểu biết sâu nhiệm hơn về sự tốt lành của Chúa mà tôi tin rằng chúng ta sẽ không thể hiểu được trong những chặng đường dễ dàng.

Kinh Thánh nhiều lần cho chúng ta biết rằng “Đức Giê-hô-va ở với Giô-sép” và Đức Chúa Trời đã tỏ lòng nhân từ cũng như ban ơn trên chàng. Chúa không bỏ rơi Giô-sép trong sự hoạn nạn, nên Giô-sép kinh nghiệm được sự thành tín của Chúa vào lúc chàng cần nhất. Và Giô-sép đã học cách tin cậy Chúa, Đấng đã cho phép hoàn cảnh của ông nhưng vẫn giúp ông vượt qua hoàn cảnh đó.

Bạn thấy đấy, dù quan dâng rượu đã quên Giô-sép nhưng Đức Chúa Trời thì không.


Điều tốt nhất của chúng ta

Nhưng những năm tháng chịu khổ của Giô-sép có thực sự cần thiết không? Còn những khó khăn và đau đớn trong đời sống chúng ta được Chúa cho phép thì sao? Những điều đó có thực sự cần thiết không? Bạn tôi ơi, ngay cả khi điều tốt lành duy nhất qua nỗi đau của chúng ta là Chúa dạy chúng ta nhận biết và tin cậy Ngài nhiều hơn, thì câu trả lời vẫn là có.

Chúa là điều tốt nhất của chúng ta. Đó là lẽ thật, ngay cả trong những thời điểm mà mọi điều trong tôi đều thét gào lên rằng Ngài không phải như vậy.Thật khó để hiểu ý nghĩa của việc chịu khổ đang khi chúng ta chịu đau khổ. Và chúng ta thường không biết tại sao sự chịu khổ lại kéo dài lâu như vậy. Tại sao Giô-sép phải chịu khổ suốt 13 năm thay vì chỉ ba năm? Tôi không biết.
Nhưng tôi biết Chúa là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành sẽ dẫn chúng ta vượt qua nỗi đau. Và chúng ta không bao giờ bị bỏ quên.

Thi Thiên 66:11-12 chép như vầy về Đức Chúa Trời:
“Chúa để chúng con sa vào bẫy lưới,
Chất gánh nặng trên lưng chúng con.
Chúa để người ta cưỡi trên đầu chúng con;
Chúng con phải đi qua lửa, qua nước,
Nhưng Chúa đem chúng con ra nơi giàu có”.

Tôi cầu xin Chúa bày tỏ cho tất cả chúng ta biết những nơi giàu có đó của chúng ta.

Bài: Tenell Felder; dịch: Ruth
(Nguồn: boundless.org)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *