Oneway.vn – Những ước mơ cũng như những nỗi sợ của tuổi thơ đều xoay quanh các phim này.
Nhưng với tất cả sự thông minh kiệt xuất ấy, nhà đạo diễn có vẻ như không giỏi làm kết thúc phim cho lắm. Những bộ phim của ông thường được giải quyết quá mức, với những tình tiết được sắp xếp quá gọn gàng, không còn chỗ cho một cái kết đòi hỏi niềm tin – ba kết thúc ngớ ngẩn nhất là Minority Report (tựa phim tiếng Việt: Bản Báo Cáo Thiểu Số), Saving Private Ryan (tựa phim tiếng Việt: Giải cứu binh nhì Ryan), và A.I (Artificial Intelligence; tựa phim tiếng Việt: Trí tuệ nhân tạo).
Quá nhiều người trong chúng ta cũng có cái nhìn tương tự về sự phục sinh của Chúa Jêsus—giống như một kết thúc dễ thương, vui vẻ hơn chút cho câu chuyện Phúc âm. Nó như thể sau tất cả những cảnh tối tăm, u ám của sự phản bội, chối bỏ và cái chết, đạo diễn Spielberg được đưa vào để làm phần kết. Một hoàng hôn bừng sáng đâu đó trên nền bức tranh của câu chuyện.
Thế nhưng, câu chuyện Phục sinh không chỉ là “cảnh tiếp theo” trong câu chuyện về Chúa Jêsus, sau sự chết của Ngài. Nó không chỉ kết lại câu chuyện, mà là hoàn thành toàn bộ câu chuyện. Thực tế là sẽ không có câu chuyện nào hết nếu không có sự Phục sinh.
Nó không chỉ là một trình tự sự kiện, mà là một thần học thiết yếu và huy hoàng. Nếu không có sự sống lại, chúng ta chẳng có gì cả và chẳng là gì cả. Sự Phục sinh cứu rỗi chúng ta. Ngày thứ Sáu Tốt lành sẽ chẳng có gì tốt lành nếu không có ngày Chúa nhật Phục Sinh.
Không có sự Phục sinh, không có Sự cứu rỗi
Sứ đồ Phao-lô khẳng định sự cần thiết của Phục Sinh một cách dứt khoát: “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính” (Rô-ma 4:25).
Sự phục sinh không chỉ kết lại câu chuyện mà hoàn thành toàn bộ câu chuyện. Ngày thứ Sáu Tốt lành sẽ chẳng có gì tốt lành nếu không có ngày Chúa nhật Phục sinh.
Phao-lô liên hệ sự Phục sinh với việc chúng ta được xét là công chính. Ông không nói chúng ta được cứu một nửa bởi thập tự giá và một nửa bởi sự phục sinh, nhưng nói rằng chúng ta hoàn toàn chết mất nếu không có sự sống lại. Không có sự sống lại nghĩa là không có sự xưng công chính: “Và nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (I Cô 15:17).
Nếu Chúa Jêsus chỉ chịu chết, án tội của chúng ta vẫn chưa được trả, chúng ta vẫn ở trong sự cai trị của tội lỗi. Nếu không có sự sự phục sinh của Chúa Jêsus thì không có sự sống mới cho chúng ta. Huyết Chúa Jêsus cứu được chúng ta vì Ngài hiện đang sống.
Thế nhưng, chính xác vì sao chúng ta lại cần đến sự Phục sinh để những điều này trở nên chắc chắn? Câu chuyện của cả Kinh Thánh cho chúng ta biết điều này. Sự sống lại của Chúa Jêsus là quan trọng bởi vì sự chết là quan trọng. Chỉ khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự chết, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của Phục sinh.
Tội lỗi sinh ra sự chết
Sự chết là hậu quả của tội lỗi. Trong Sáng Thế Ký 2, A-đam đã được bảo về điều này—nếu ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, “chắc chắn con sẽ chết” (Sáng 2:16–17). Đức Chúa Trời là sự sống, nên nếu xoay bỏ Ngài thì chỉ có chết. Tội lỗi không chỉ gây ra cái chết (Rô 6:23) mà còn sản sinh ra cái chết (Gia-cơ 1:15). Sự chết là thứ tội lỗi chọn, thứ tội lỗi phải nhận và đáng phải nhận.
Điều này giải thích lý do chúng ta có suy nghĩ thật lạ về cái chết. Khi nghĩ về cái chết, nó giống như một trong những điều bình thường nhất của cuộc sống trên thế giới này, giống như sự ra đời vậy. Dù vậy, chúng ta vẫn không thể cảm thấy thoải mái với thực tế đó, chẳng bao giờ cảm thấy tự nhiên khi nói đến cái chết. Có cái gì đó không ổn. Do vậy, chúng ta làm mọi cách để sống như thể cái chết sẽ không bao giờ xảy đến.
Sự không dễ chịu với cái chết cho thấy có lẽ chúng ta biết nhiều hơn những gì mình có thể nhận thức. Sự chết (cũng giống như tội lỗi) không thuộc về nơi này. Nó là điều gì đó chúng ta không được định để trải qua. Nhưng tội lỗi đã dẫn đến sự chết, và vì thế, sự tồn tại của cái chết chứng minh cho thực tại về tội lỗi.
“Hợp đồng” đã hoàn tất
Khi đã hiểu về tính nghiêm trọng của sự chết, chúng ta mới nhìn thấy tầm quan trọng của sự Phục sinh. Việc khiến Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết không phải là một việc làm tùy tiện của Đức Chúa Cha, không chỉ là một phép lạ vĩ đại để chứng minh Ngài vẫn tồn tại và vẫn lớn hơn, mặc dù đúng là như vậy. Sự sống lại có ý nghĩa của nó: Đó chính là công việc và bằng chứng cho sự cứu rỗi của chúng ta, bởi vì sự chết là công việc và bằng chứng cho tội lỗi của chúng ta. Sự sống mới của Chúa Jêsus cho thấy chu kỳ của tội lỗi và sự chết cuối cùng đã bị cắt đứt. Sự sống mới đã đến. Tội lỗi đã bị đánh bại.
Chính vì thế, sự sống lại của Chúa Jêsus—và chỉ một mình sự sống lại của Chúa Jêsus—mới đảm bảo chúng ta được cứu rỗi. Chỉ có sự Phục sinh mới chứng minh tội lỗi của chúng ta đã hoàn toàn được xử lý, chết không phải là hết nữa mà là cánh cổng dẫn đến sự sống vĩnh cửu và hoàn hảo.
Thập tự giá không phải như một “gói khởi nghiệp”. Đức Chúa Trời không đầu tư hầu hết những điều chúng ta cần rồi để chúng ta tự xoay sở những thứ còn lại với vốn tự có.
Qua sự chịu chết và sống lại cho chúng ta, Đức Chúa Con đã hoàn thành thỏa thuận. Và qua sư kiện Chúa Jêsus sống lại, Đức Chúa Cha đã ký tên và đóng dấu bản thoả thuận.
Bài: Sam Allberry; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply