Chức vụ của Chúa Jêsus tại quê hương

Oneway.vn – Sau khi thi hành chức vụ trên đất được một năm, Lu-ca mô tả rằng lúc này danh tiếng Chúa Jêsus đã vang lừng khắp các miền lân cận. 

Ngài chữa lành nhiều bệnh tật, đuổi tà ma và thường dạy dỗ trong các nhà hội với những lời đầy năng quyền nên được rất nhiều người biết đến và ca ngợi (Lu 4:14-15).

Rồi Chúa Jêsus trở về thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài, Kinh Thánh cho biết: “Theo thói quen, Chúa Jêsus đến nhà hội vào ngày Sa-bát. Khi được trao cuộn sách tiên tri Ê-sai, Ngài mở ra và đọc Ê-sai 61:1-2a rồi ngưng và dùng hai câu Kinh Thánh này làm nền tảng cho bài giảng gồm ba phần. Cụ thể như sau:

1. Chúa Jêsus công bố Lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm về Ngài.

Chúa Jêsus rao giảng chính Ngài, Ngài được Đức Thánh Linh xức dầu để thỏa đáp nhu cầu sâu xa của những người cùng khốn, bệnh tật và đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho họ. 

Chúa Jêsus nói rõ mục đích giảng đạo của Ngài là để rao giảng điều mà Mác mô tả, đó là Tin Lành của Đức Chúa Trời (Mác 1:14-15). Chúa Jêsus “đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Luca 19:10) và bởi huyết Ngài đổ ra, ai tin sẽ được tha tội. Quả thật, Chúa Jêsus vừa là Sứ giả vừa là Sứ điệp, nghĩa là nếu không có sự chuộc tội, thì không có tin tức tốt lành để rao giảng.

2. Chúa Jêsus công bố trực tiếp về thực trạng của con người

Từ ngữ “người nghèo” trong Lu 4:18 mang nhiều ý nghĩa. Câu này được trích từ Ê-sai 61:1 và từ “người nghèo” được dịch là “người khiêm nhường” trong bản tiếng Việt. Chữ này cũng được sử dụng trong Ê-sai 66:2 (người nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn) và Thi-thiên 37:11 (người hiền từ). Bản dịch Hy Lạp sử dụng từ này trong Ma-thi-ơ 5:3 (những người có lòng khó khăn), Ma-thi-ơ 5:5 (những người nhu mì) và Lu-ca 6:20 (những người nghèo khó). 

Theo Học giả Joel Green “người nghèo” trong xã hội thời bấy giờ không nhất thiết chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, nhưng nó liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau bao gồm sự giáo dục, giới tính, gia thế, sự trong sạch về mặt tôn giáo, đạo đức, nghề nghiệp…

Khi Chúa Jêsus tuyên bố Ngài được giao phó cho sứ mệnh giảng Tin Lành cho người nghèo, Chúa muốn nói đến những người nhận ra tình trạng kém thiếu của mình để từ đó biết ngửa trông nơi Chúa. Về phương diện cá nhân, “người nghèo” có thể là một người nghèo thiếu về vật chất nhưng ý thức được sự chu cấp đến từ Chúa, hoặc một người có đầy đủ sự cần dùng nhưng có tấm lòng ăn năn trước mặt Chúa. Về phương diện xã hội, mặc dù một số bị xem là hàng “tiện dân” không ra gì trước mặt nhiều người (ví dụ như người Dalit trong xã hội Ấn Độ), thì họ cần nương cậy vào Chúa để tìm thấy giá trị của mình.

Chúa Jêsus giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài không bị bó buộc bởi các ranh giới về chủng tộc, giới tính, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh kinh tế… của xã hội con người. Thật vậy, Tin Lành của Chúa đến với mọi hạng người nhận biết tình trạng nghèo khó tâm linh của mình.

3. Chúa Jêsus công bố về Năm Hân Hỉ 

Lê-vi Ký 25:10 đề cập “đến năm lành” là năm thứ năm mươi. Lúc đó mọi điều thuộc mọi khoản nợ được xóa, nô lệ được phóng thích và đất đai bị cầm cố được hoàn trả lại cho chủ cũ. Năm lành (hay năm thi ân) cũng được gọi là “ngày cứu rỗi” (Ê-sai 49:8; II Côr 6:2) là thời kỳ ân sủng qua chức vụ của Chúa Jêsus (Giăng 1:17). Ngài đến để công bố năm hồng ân của Chúa (Luca 4:19 – BD2011). 

Hồng ân là ân điển đầy tràn của Ngài, và năm hồng ân của Chúa là đỉnh cao của một số luật ân huệ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Một trong những luật nầy là cứ 7 năm, mọi nợ đều được tha (Phục truyền 15:1-2). Cứ cuối bảy năm, khi nợ được tha, thì mọi nô lệ cũng được thả tự do (Phục truyền 15:12-14).

Chúa Jêsus xác định bốn hạng người mà Ngài rao giảng Tin Mừng: Người nghèo, người bị giam cầm, người mù lòa và người bị áp bức (Luca 4:18-19). Kinh Thánh sử dụng những từ liệu nầy để mô tả tình trạng của tất cả con người, chứ không phải một số người trước mặt Đức Chúa Trời.

Lời công bố của Chúa trong Lu 4:21 là lời xác nhận rất rõ ràng rằng Ngài là Đấng Mết-si-a, Đấng được Đức Chúa Cha xức dầu bằng Chúa Thánh Linh (Lu-ca 3:22), mang Tin Lành cứu rỗi đến cho toàn thể nhân loại (Ma-thi-ơ 1:21).

Ngày nay, những ai tin Chúa Jêsus đều được Ngài trả mọi món nợ tội lỗi một lần đủ cả trên thập tự giá và được giải phóng trong Đấng Christ. Đó là Phúc âm mà Chúa Jêsus rao giảng. Ngài công bố rằng tất cả điều này được ban cho bởi ân sủng của Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa giúp từng người trong chúng ta kinh nghiệm hồng ân của Chúa cho cuộc đời mình. A-men!

 

Tabitha Phạm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *