Chúng ta có thực sự vui vẻ nếu tài chính cạn kiệt

Oneway.vn – Dù thâm tâm chúng ta biết rằng sở hữu nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn, nhưng chúng ta cứ tích lũy mọi thứ ở mức đáng báo động.

Dave Bruno, tác giả của cuốn “Thử thách 100” đã từ bỏ gần hết tài sản của mình, chỉ giữ lại 100 thứ, để sống một cuộc sống đơn giản và ý nghĩa hơn.

Ông nói: “Trong nền văn hóa ngày nay, dư dả đồng nghĩa với thành công. Đó là một cách nói khác rằng càng có nhiều thì bạn càng hạnh phúc”.

“Dư dả” có nghĩa là dư thừa hoặc quá mức. Từ điển định nghĩa “quá mức” là “sự dư thừa thái quá”. Đó là thành công trong nền văn hóa ngày nay, và chúng ta mải miết chạy theo lối sống đó.

Nếu thay đổi cách sống, chúng ta sẽ trở nên phản văn hóa. Nhưng không sao; đó mới chính là Hội thánh. Thật sự, càng ít lại càng tốt. 

Nếu bạn sở hữu ít hơn, bạn sẽ có nhiều thời gian để đầu tư vào những việc khác. Bạn không phải dọn dẹp, sắp xếp, quản lý, sửa chữa hoặc thay thế những gì mình có. Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền nếu bạn sở hữu ít hơn. Và rồi bạn sẽ có nhiều tiền hơn để làm những điều bạn thực sự muốn làm.

Bạn sẽ ít gặp căng thẳng hơn nếu bạn sở hữu ít hơn. Randy Alcorn nói: “Mỗi lần thêm vật sở hữu, căng thẳng cũng gia tăng”. Tài sản của bạn sẽ bị hỏng, không còn phù hợp với bạn hoặc cần được nâng cấp.

Nếu bạn bằng lòng với việc sở hữu ít hơn, bạn có thể nắm bắt cơ hội để giúp đỡ những người cần. Bạn cũng sẽ ít bị phân tâm để có thể tập trung vào những điều thực sự quan trọng, điều khiến bạn hạnh phúc.

Sa-lô-môn, người khôn ngoan nhất và giàu có nhất từng sống trên đời đã viết trong Truyền đạo 5:10: “Kẻ ham tiền bạc chẳng bao giờ thỏa mãn về tiền bạc; Kẻ ham của cải chẳng bao giờ thỏa mãn về lợi nhuận. Điều này cũng là hư không”.

Chỉ Đấng Christ mới có thể khiến bạn thỏa lòng.

Ngài phán rõ ràng trong Ma-thi-ơ 6:19: “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy”.

Khi sở hữu ít hơn, chúng ta có thể tập trung vào Chúa.

Có một mẫu số chung ở các anh chị em trong Chúa tại các nước đang phát triển – một niềm vui thỏa thường trực. Khi gặp họ, tôi tự hỏi: “Làm sao họ có thể vui vẻ đến vậy? Họ không có bất cứ thứ gì!”

Bạn có nghe thấy phương châm văn hóa của chúng ta xuyên suốt trong câu hỏi đó không? Và nếu họ nghe được câu hỏi ấy, bạn có biết họ sẽ nói gì không? “Tôi rất vui vì tôi không có bất cứ thứ gì!”

Khi tôi và con trai đến Ấn Độ vài năm trước, chúng tôi dành nhiều thời gian ở McDonald’s (một quán ăn kiểu Mỹ) vì con tôi không muốn ăn đồ Ấn Độ.

Chúng tôi đã ở cùng Joseph – một lãnh đạo Cơ Đốc ở Ấn Độ và cũng là người vui vẻ nhất mà tôi biết – và chúng tôi mời anh ấy đi ăn ở McDonald’s. Khi xếp hàng, anh ấy hỏi: “Tôi nên làm gì?”

Tôi trả lời: “Anh chỉ cần gọi món anh muốn ăn.”

Anh ấy nói rằng mình chưa bao giờ đến đây, rằng McDonald’s quá đắt đối với anh. Tôi hướng dẫn anh ấy cách gọi món, rồi anh gọi một bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên. Anh ăn chiếc bánh mì đó tựa như đang ăn bít tết ở một nhà hàng sang trọng.

Sau đó, anh gọi một ít kem để tráng miệng, và ngay khi nó chạm vào đầu lưỡi, anh ngạc nhiên thốt lên: “Ồ! Mát lạnh!” Anh ấy chưa bao giờ ăn kem trước đây. Joseph không có gì nhiều, nhưng anh ấy luôn tràn đầy niềm vui.

Qua một cuộc trò chuyện, tôi biết rằng anh chị em ở các nước đang phát triển thật sự cảm thấy tiếc cho tôi, vì tôi có quá nhiều thứ. Họ biết rằng càng đơn giản càng tốt. 

Chúng ta cần nhớ rằng dư dật không phải là thành công; nhưng sự dư dật của chúng ta chính là nguồn cung cấp cho những người có nhu cầu.

Cách đây vài tuần, khi đang dọn dẹp, tôi tìm thấy một thùng kính cũ mình đã quên lãng. Có 16 cặp kính cận còn mới nhưng vương đầy bụi bẩn.

Đột nhiên, tôi nghĩ: “Mình có thể làm gì với những thứ này? Ai là người thật sự cần chúng?”. Và tôi nhớ ra chuyến công tác tới Amazon lần trước. Dân làng chắc chắn sẽ vui mừng thử hết cặp kính này đến cặp kính khác – thứ mà chúng tôi không cần nữa – cho đến khi họ tìm được cặp kính giúp họ nhìn rõ hơn. Và tôi nghĩ rằng Đức Chúa Jêsus sẽ làm cho 16 người “mù” được nhìn thấy qua những cặp kính cũ của tôi.

Tôi thật sự mong mỏi được nhìn thấy họ hạnh phúc với đôi mắt sáng rõ lần đầu tiên trong đời. Khi bạn bắt đầu sử dụng của cải tích lũy của mình để đáp ứng nhu cầu của người khác, đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời!
Bài: Pete Briscoe; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *