Oneway.vn – Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay cảm thấy xa lạ với những chức vụ mạnh mẽ và đầy dẫy Đức Thánh Linh của các tiên tri và sứ đồ trong Kinh Thánh.
Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đưa dân Y-sơ-ra-ên trải qua hết sự kiện kỳ diệu này đến sự kiện kỳ diệu khác. Trong thời Tân Ước, những ai chứng kiến chức vụ của Chúa Jêsus đều kinh ngạc trước những phép lạ Ngài làm (Lu-ca 5:25) và các sứ đồ của Hội thánh đầu tiên cũng thường xuyên thực hiện các dấu kỳ và phép lạ giữa vòng dân chúng (Công-vụ 5:12).
Dù vậy, ngày nay, những việc kỳ diệu như thế dường như thật hiếm hoi, và khi chúng ta nghe ở đâu đó xảy ra phép lạ thì nhiều Cơ Đốc nhân tỏ ra nghi ngờ. Ít nhất, chúng ta đều cảm thấy có gì đó khác biệt về cách Đức Chúa Trời hành động ở thời Cựu Ước và Tân Ước so với ngày nay.
Điều này làm nảy sinh câu hỏi: Tại sao ngày nay chúng ta không kinh nghiệm phép lạ như đọc thấy trong Tân Ước?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần hiểu rõ không chỉ cách Đức Chúa Trời hành động thông qua sự tể trị và ân điển của Ngài, mà còn phải hiểu mục đích của các phép lạ trong Kinh Thánh.
Mục đích của phép lạ
Các phép lạ trong Kinh Thánh là việc làm của Đức Chúa Trời để công bố quyền năng tể trị của Ngài trên toàn cõi tạo vật, cũng như kết ước của Ngài vì lợi ích của con dân Ngài.
Phép lạ quan trọng bởi vì chúng phục vụ cho mục đích lớn hơn trong chương trình cứu chuộc Chúa, minh chứng cho tính xác thực của sứ giả Đức Chúa Trời trong việc mặc khải cho nhân loại. Đây là một trong những chức năng chính yếu của phép lạ trong các câu chuyện Kinh Thánh: “Khi phép lạ xảy ra, chúng là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đang hành động và tạo điều kiện cho Phúc âm phát triển”. [1] Các phép lạ chứng thực cho sứ điệp và sứ giả của Đức Chúa Trời.
Trong Cựu Ước, Môi-se thi hành phép lạ để chứng thực cho thẩm quyền là nhà phát ngôn của Đức Chúa Trời (Xuất-ê-díp-tô-ký 4:1–9). Tương tự, các tiên tri được Đức Chúa Trời ban cho thông điệp để họ phải rao báo, xác chứng thẩm quyền của họ, cho họ khả năng thực hiện phép lạ (I Các vua 17:17–24, 18:36–39; II Các vua 1:10).
Theo nhà thần học Robert Reymond, trong khi “các phép lạ của thời Cựu Ước chứng thực cho Môi-se và các tiên tri là người của Đức Chúa Trời thì các phép lạ của thời Tân Ước chứng thực cho Đấng Christ và các sứ đồ của Ngài” [2].
Thí dụ, Ni-cô-đem đã nhận ra rằng Đức Chúa Trời ở cùng với Chúa Jêsus nhờ vào các phép lạ Ngài làm (Giăng 3:2). Lu-ca ký thuật lại khoảng 20 phép lạ của Chúa Jêsus, trong đó có bốn phép lạ, đều là sự chữa lành, chỉ có trong sách này. Các phép lạ của Chúa Jêsus chứng thực cho vai trò chủ chốt của Ngài trong kế hoạch thiên thượng để đem đến sự cứu rỗi(Lu-ca 7:22).
Thực tế, những sự chữa lành của Chúa cho thấy thẩm quyền tối thượng của Ngài: Ngài đuổi quỷ, chữa lành người bệnh (thuộc mọi loại bệnh lý: băng huyết, teo tay, mù, điếc, bại liệt, phong cùi, phù thủng, sốt cao), khiến người chết sống lại, thi hành năng quyền trên thiên nhiên.
Các phép lạ cũng hướng đến Vương quốc Đức Chúa Trời và sự khôi phục cõi sáng tạo. Sứ đồ Giăng dùng từ “dấu lạ” để nói về các phép lạ của Chúa Jêsus (Giăng 4:54; 6:15), và chính Chúa Jêsus cũng cho biết rằng các công việc kỳ diệu của Ngài là để chứng thực rằng Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến (Lu-ca 11:14-23).
Chúa chữa lành, đuổi quỷ và làm phép lạ trên “thiên nhiên” (ví dụ: biến nước thành rượu, hóa bánh ra nhiều) như một dấu hiệu cho biết Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến trên đất.
Theo giáo sư thần học Wayne Grudem, một trong những mục đích của phép lạ là “để làm chứng cho thực tế rằng Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến và đã bắt đầu phát huy những kết quả ích lợi của nó trong đời sống con người” [3].
Đây là điều mà Chúa Jêsus nói đến trong Ma-thi-ơ 12:28: “Còn nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi”. Nhờ các công việc kỳ diệu của Chúa Jêsus, những ai nhìn thấy Ngài đều biết rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên một lần nữa đang hành động giữa vòng họ.
Nhà thần học và nhà biện giáo Tim Keller nhận định rằng các phép lạ “không chỉ đưa đến lòng tin về nhận thức, mà còn đưa đến sự thờ phượng, kính phục và ngưỡng mộ.
Đặc biệt, các phép lạ của Chúa Jêsus không bao giờ là những sự phô diễn phép thuật để tạo ấn tượng hoặc thúc ép… Trái lại, Ngài dùng quyền năng tuyệt diệu để chữa lành người bệnh, cho người đói được ăn, khiến người chết sống lại.
Tại sao? Ngày nay chúng ta thường nghĩ phép lạ là khả năng ngăn lại trật tự tự nhiên, nhưng Chúa Jêsus thi hành chúng để khôi phục trật tự tự nhiên”. [4]
Các phép lạ của Chúa Jêsus bày tỏ thần tính của Ngài–qua đó kêu gọi đáp ứng bằng sự thờ phượng. Phản ứng của các môn đồ sau khi Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển là: “Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 14:33). Khi được hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến?” (Lu-ca 7:19), thay vì trả lời xác nhận rằng mình là Đấng Mê-si, Chúa Jêsus lại đề cập đến các phép lạ của Ngài. Những gì trước giả Lu-ca miêu tả về Chúa Jêsus tập trung lên thẩm quyền và lời hứa mà Ngài mang đến. Công tác cứu rỗi của Chúa mở ra Vương quốc Đức Chúa Trời, giải phóng tội nhân, đảm bảo sự tha thứ tội và ban Đức Thánh Linh.
Những gì giáo sư Grudem mô tả về các phép lạ trong Cựu Ước và Tân Ước thật đáng để trích nguyên văn:
“Có vẻ như một đặc trưng của Hội thánh trong Tân Ước là phép lạ. Trong thời Cựu Ước, dường như phép lạ xảy ra chủ yếu liên quan đến một vị lãnh đạo xuất chúng nào đó ở một thời điểm, chẳng hạn như Môi-se, Ê-li hay Ê-li-sê. Trong thời Tân Ước, có một sự gia tăng đột ngột và chưa từng thấy của phép lạ khi Chúa Jêsus bắt đầu thi hành chức vụ (Lu-ca 4:36–37, 40–41). Tuy nhiên, trái với kiểu mẫu của Cựu Ước, thẩm quyền để thực hiện phép lạ và đuổi quỷ không chỉ ở trong Chúa Jêsus và biến mất khi Ngài trở về trời, nhưng ngay cả khi Chúa còn ở trên đất, Ngài đã ban thẩm quyền chữa bệnh và đuổi quỷ cho không chỉ mười hai mà đến bảy mươi môn đồ (Lu-ca 10:1, 9, 17–19; so sánh với Ma-thi-ơ. 10:8; Lu-ca 9:49–50).”[5]
Như vậy, những phép lạ xảy ra trong Hội thánh đầu tiên phục vụ cho mục đích ngay lúc ấy trong lịch sử cứu chuộc: chứng thực cho thẩm quyền của sự mặc khải đến từ Đức Chúa Trời và là dấu hiệu nhận biết thời đại lai thế (còn gọi là thời đại cánh chung hay thời kỳ cuối) đã đến giữa vòng con dân Ngài.
Hãy xem xét Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem trong Công-vụ chương 15. Một trong những sự tranh cãi lớn nhất trong Hội thánh đầu tiên liên quan đến việc liệu dân ngoại sau khi cải đạo sang Cơ Đốc giáo có phải tuân giữ luật Cựu Ước và chịu cắt bì hay không. Vấn đề này hệ trọng đến nỗi Phao-lô, Phi-e-rơ và Ba-na-ba đã họp lại với các lãnh đạo Cơ Đốc người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem để tranh luận. Trong Công vụ 15:12, điều đáng chú ý là “Cả hội nghị đều im lặng, lắng nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại những dấu lạ và phép mầu mà Đức Chúa Trời đã dùng hai ông thực hiện giữa các dân ngoại”. Ở đây, các công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời đã chứng minh cho Cơ Đốc nhân Do Thái thấy rằng Đức Chúa Trời thật đang hành động một cách mới mẻ và độc đáo giữa vòng các dân ngoại.
Phép lạ ngày nay
Như vậy, Cơ Đốc nhân nên suy nghĩ thế nào về các phép lạ ngày nay? Trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng khối lượng đồ sộ và sự gần gũi của các phép lạ trong Kinh Thánh phục vụ cho những mục đích chính yếu trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngày nay các phép lạ đã giảm. Thật vậy, theo giáo sư Grudem, “Không có gì là sai trái khi tìm kiếm phép lạ cho những mục đích đúng đắn đến từ Đức Chúa Trời, như: khẳng định tính xác thực của sứ điệp Phúc âm, cứu giúp những người có nhu cầu, cất bỏ những rào cản đối với các mục vụ của con cái Chúa, dâng vinh quang lên cho Đức Chúa Trời”[6]. Các phép lạ vẫn xảy ra, và Cơ Đốc nhân nên tránh rơi vào hai thái cực: hoặc xem mọi thứ đều là phép lạ, hoặc chẳng có gì là phép lạ cả.
Thứ hai, Cơ Đốc nhân cần phát triển hiểu biết của mình về hành động của Đức Chúa Trời trong cả hai công tác: duy trì những việc xảy ra hằng ngày bởi sự tể trị của Ngài, và thực hiện những việc lạ lùng của công tác cứu chuộc trong Hội thánh. Thí dụ, trong Giăng 14:12, Chúa Jêsus phán: “Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha”. Nhưng người ta không hiểu được ngay ý nghĩa của điều Chúa nói rằng những ai tin Ngài sau đó sẽ làm “những việc lớn hơn” việc Ngài làm. Một số người có thể nghĩ rằng “việc lớn hơn” là nhiều phép lạ và nhiều sự kiện lạ lùng hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ của nhà thần học D. A. Carson có thể giúp ích ở đây:
“Những việc lớn hơn … không thể chỉ mang ý nghĩa là nhiều việc hơn—chẳng hạn như Hội thánh sẽ làm nhiều điều hơn Chúa Jêsus làm vì Hội thánh có thêm vô số người trong suốt một thời kỳ kéo dài—bởi vì trong tiếng Hy Lạp hoàn toàn có cách để nói ý “nhiều hơn”, cũng như nếu hiểu theo nghĩa đó thì câu nói của Chúa thật rất vô vị. “Những việc lớn hơn” cũng không thể mang ý nghĩa là “tuyệt diệu hơn” hoặc “siêu nhiên hơn”: thật khó tưởng tượng có công việc gì có thể tuyệt diệu và siêu nhiên hơn việc khiến La-xa-rơ sống lại, hóa bánh cho hàng nghìn người ăn và biến nước thành rượu.”[7]
“Những việc lớn hơn” mà những người sau Chúa Jêsus sẽ làm, chỉ về thời đại lai thế được thiết lập bởi sự chết, sự sống lại và sự thăng thiên của Đấng Christ.
Các “dấu lạ” và “việc làm” mà Chúa Jêsus đã thực hiện trong suốt chức vụ của Ngài không thể đạt đến mục đích thật sự của chúng cách trọn vẹn cho đến khi Chúa Jêsus sống lại và được tôn vinh. Chỉ đến lúc ấy, chúng mới được nhìn nhận theo đúng bản chất của chúng. Trái lại, những việc mà các tín hữu được giao phó để thực hiện thông qua quyền năng của Đức Thánh Linh trong thời kỳ lai thế, sau khi Chúa Jêsus được tôn vinh, sẽ được dựa trên sự chết và sự đắc thắng của Ngài, và bởi đó, chúng sẽ bày tỏ về Đức Chúa Con một cách chân thật và ngay lập tức.[8]
Mặc dù “những việc lớn hơn” này chắc chắn bao gồm các dấu lạ và phép mầu được thực hiện bởi Hội thánh đầu tiên bằng quyền năng của Đức Thánh Linh, nhưng chúng không giới hạn trong những việc làm kỳ diệu đó. Hơn thế, chúng còn bao gồm “sự mầu nhiệm” của việc dân ngoại được sát nhập thành một dân mới cho Đức Chúa Trời. Các công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời trong Hội thánh bao gồm cả sự tha thứ tội lỗi và sự gia nhập của những người trước kia ở xa vào trong một dân mới của Đức Chúa Trời. Vâng, những sự chữa lành, dấu lạ và phép mầu thật phi thường, nhưng không có điều gì phi thường hơn là sự cứu chuộc đã được hoàn tất bởi Đấng Christ.
Thậm chí nếu chúng ta không thường xuyên nhìn thấy những sự kiện lạ lùng siêu phàm xảy ra thì Đức Chúa Trời vẫn đang hành động. Ngài đang vận hành trong các diễn biến đời thường (các tiến trình tự nhiên) mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày. Ngài đang kêu gọi con người cách kỳ diệu để họ quay về với Ngài khi Hội thánh đang phát triển và mở rộng. Ngài hành động theo nhiều cách thật lạ lùng giữa vòng những người mà chúng ta không biết trên khắp thế giới.
Dù chúng ta có được đặc ân chứng kiến tận mắt những phép lạ siêu nhiên hay không thì Cơ Đốc nhân vẫn có thể tự tin rằng Đức Chúa Trời đang tích cực hành động trên thế giới – Ngài đang đưa con người đến với Ngài, tôn vinh Con Ngài là Chúa Jêsus và xây dựng Hội thánh Ngài (Mat. 16:18).
Chú thích:
[1] Grudem, Thần học Hệ thống (Systematic Theology), 360.
[2] Robert L. Reymond, Một Thần Học Hệ Thống Mới Của Niềm Tin Cơ Đốc (A New Systematic Theology of the Christian Faith), 2nd ed. (Nashville, TN: Thomas Nelson, 1998), 412.
[3] Grudem, Thần học Hệ thống (Systematic Theology), 360.
[4] Timothy Keller, Lý Do Cần Đức Chúa Trời (The Reason for God), 95–96.
[5] Grudem, Thần học Hệ thống (Systematic Theology), 359.
[6] Grudem, 371.
[7] D. A. Carson, Phúc Âm Giăng, Bộ Giải Kinh Tân Ước PNTC (The Gospel According to John, Pillar New Testament Commentary (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1991), 495.
[8] Carson, Phúc Âm Giăng, 496.
Bài: Justin Holcomb; dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)