Oneway.vn – Ngày nay mỗi khi vào nhà thờ, bạn sử dụng điện thoại thay cho Kinh Thánh, Thánh Ca và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái? Thế nhưng vào giờ giảng luận, với điện thoại trên tay bạn (và nhiều người khác nữa) sẽ dễ dàng ung dung lướt facebook. Vì thế việc thờ phượng Chúa bắt đầu bị xao nhãng. Bạn sẽ thấy Hội Thánh xem ra cũng… bình thường như bao hội khác ngoài đời, quên rằng Hội Thánh là Đền Thờ của Đức Chúa Trời, là thân thể của Đấng Christ.
Mãi mãi tuổi… thiếu niên!
Dần dà, những người trẻ Cơ Đốc thế kỷ 21 sẽ trở nên phản kháng yếu ớt, thậm chí không có sức đề kháng vì ngày càng thiếu Lời Chúa trầm trọng, mãi vẫn là “con đỏ thuộc linh”.
Thiếu lời Chúa, chúng ta không thể chống cự ma quỷ hoặc chống cự rất yếu ớt trước vô vàn cám dỗ. Chúng ta tự giải quyết mọi việc theo ý riêng mình, thậm chí để ma quỷ dẫn dắt lúc nào không hay.
Sứ Đồ Phi-e-rơ từng khuyên: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (1 Peter/I Phi-e-rơ 5:7). “Trao mọi điều” nghĩa là trao tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai cho Chúa, không nên giữ lại cho mình bất cứ điều gì, vì Chúa muốn chúng ta sống bình an, vui thỏa. “Hãy tiết độ và tỉnh thức; kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, đang rình rập chung quanh anh em, tìm người để cắn nuốt” (I Phi-e-rơ 5:8). Ma quỷ luôn dùng đủ mọi cách để “nuốt” các bạn trẻ, nuốt tất cả chúng ta.
Khảo sát 10/2018 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nước ta cho biết: trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do trẻ vị thành niên thực hiện, và tội phạm ngày càng trẻ hóa. Từ 18 – 30 tuổi #70%, dưới 18 tuổi #8%; tỷ lệ này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đa số người trẻ phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự chiếm 82%. Thật rất đáng báo động (trong số đó chắc chắn có các bạn trẻ Cơ Đốc); nó cũng phản ảnh lý tưởng và giá trị sống của giới trẻ: buông thả, chạy theo vật chất, thích hưởng thụ, thỏa mãn dục vọng, đam mê xác thịt nhất thời…
Các bạn trẻ Hội Thánh bạn có nằm trong số này? Họ được trang bị gì, và có vượt nổi những cám dỗ này? Làm sao các bạn có thể đắc thắng cám dỗ nếu vẫn cứ “mãi mãi tuổi thiếu niên”, mãi trong tình trạng “con đỏ thuộc linh”. Thực tế cho thấy Cơ Đốc nhân trẻ nếu cứ thiếu lời Chúa, không lớn lên thì sớm muộn, trong số tội phạm sẽ có các bạn.
Để tránh cho những người trẻ cứ lẩn quẩn trong vòng yếu đuối và dễ dàng “sa vào chước cám dỗ”, các bậc cha mẹ và những người lãnh đạo thuộc linh không thể chỉ dạy dỗ họ các giáo điều về luật lệ, mạng lịnh, điều răn: phải làm điều này, không được làm điều kia; phải đi nhà thờ; phải dâng hiến; phải tham gia ban hát; đừng nói dối, trộm cắp… Rồi khi thấy họ có vẻ dường như ngoan ngoãn tuân theo nội quy, chúng ta an lòng: đủ rồi, tốt rồi!
Thế nhưng, nếu chỉ đưa ra rồi bắt trẻ làm theo các luật lệ tôn giáo, người lớn chắc chắn sẽ gặt lấy thất bại.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Thực sự không thể im lặng trước thực trạng này, tôi đã cầu nguyện với Chúa rất nhiều khi nó xảy ra trong các Hội Thánh, và tôi tạm đưa ra những suy nghĩ sau:
Với gia đình: Con cái là cơ nghiệp do Đức Chúa Trời ban, nên Ngài đã giao cho các bậc cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa. Và cơ nghiệp này có bền vững hay không tùy thuộc vào việc người lớn có làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái cho Chúa? Di sản đức tin Cơ Đốc sẽ được lưu truyền bằng cách dạy đạo cho con cái từ gia đình. Nếu không, nó sẽ mai một dần và có nguy cơ phá sản. Gia đình là nơi thân thuộc nhất của trẻ, nơi chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống… Nhiều phụ huynh yêu con cái, yêu gia đình và môi trường Cơ Đốc, sẵn sàng hy sinh những điều tốt nhất cho con. Nhưng cũng không ít người bỏ bê, không chăm sóc con cái và dạy dỗ sai trật đường lối Kinh Thánh, xem nhẹ trách nhiệm của mình. Hãy nhớ, cùng với tình yêu là lối sống gương mẫu và lòng tin kính, vâng giữ mạng lệnh Chúa. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7-9 đã chép rất rõ về nhiệm vụ dạy dỗ con cái, và Lẽ Thật Kinh Thánh là nền tảng của gia đình.
Hội Thánh và người hướng linh
Hội Thánh dưới góc nhìn của nhiều bạn trẻ Cơ Đốc chính là “ngôi nhà thứ hai”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng nó chỉ là cái “nhà thờ”, “nơi sinh hoạt tôn giáo”, “nơi giao lưu, học hỏi”…
Hội Thánh cần quan tâm đến người trẻ Cơ Đốc cách đặc biệt. Ban Thanh Thiếu niên của Hội Thánh bạn đang thế nào? Phát triển hay đi xuống? Đáng vui hay buồn? Họ có những chương trình, những dự định gì muốn thực hiện nhưng không được Hội Thánh cho phép? Họ có nhiều điều cần tâm sự, giải bày, nhưng không biết tỏ cùng ai?
Mục sư, người hướng linh hay những người đặc trách thanh thiếu niên rất quan trọng. Chẳng những cần cái tâm, cái tầm, mà còn phải thấu hiểu, gắn bó với các bạn trẻ và buộc mình vào chức vụ. Tính cách và hoàn cảnh mỗi bạn mỗi khác, rất cần sự quan tâm sâu sát. Đặc trách cũng là người chăn bầy, người nối kết thanh thiếu niên với Hội Thánh. Các bạn trẻ với rất nhiều năng lượng và nhiệt huyết sẽ không được góp phần vào công việc nhà Chúa nếu những người lãnh đạo Hội Thánh không trao cho họ cơ hội, khiến họ không thấy mình có trách nhiệm gì cả, mà trách nhiệm thuộc về “người lớn”, về các chức sắc trong Hội Thánh.
Lãnh đạo thuộc linh cũng là người chăn, nếu chúng ta không kiếm tìm họ, chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho ma quỷ. Vậy nên, sự sống còn của thanh thiếu niên thuộc linh lẫn thuộc thể có phần không nhỏ của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình và Hội Thánh. Vì vậy, hãy cứu lấy thế hệ trẻ trong Hội Thánh, hãy đi ra tìm kiếm và đem họ về, “…nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20)
Phương Quỳnh
Leave a Reply