Oneway.vn – Đau khổ thánh hóa Hội thánh và đôi khi đau khổ giúp tín đồ chân chính không bị cám dỗ bởi những kẻ giả dối.
Khi đối mặt với đau khổ, những người có ý định và động cơ sai lầm thường sẽ bỏ chạy. Khi Hội thánh Afghanistan mới gặp bắt bớ và khó khăn, nhiều tên trộm, gián điệp và kẻ dối trá đã bỏ đi. Dưới sự bắt bớ và gian khổ, một số người đã ngừng đến nhà thờ.
Nhưng thật đáng khích lệ khi thấy những tín đồ chân chính tiếp tục phát triển trong đức tin và số lượng tín đồ ngày càng gia tăng để mang lại vinh quang cho Đức Chúa Jêsus và phát triển vương quốc Ngài. Những người tin Chúa vẫn sợ hãi, nhưng họ sẽ không từ bỏ Đấng Christ.
Là một Cơ Đốc nhân Afghanistan, tôi đã bị bỏ tù và lưu đày vì theo Đấng Christ và rao giảng Phúc âm. Đôi khi, tôi thắc mắc về mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài để tôi gặp khó khăn và bị tra tấn trong tù, nhưng ân điển Ngài đã nâng đỡ tôi. Thế giới sẽ ghét chúng ta vì theo Chúa Jêsus. Chúng ta cần sẵn sàng ứng phó với mọi cuộc bức hại.
Ba phản ứng khi đối diện với đau khổ
Cơ Đốc nhân nên phản ứng với đau khổ theo ba cách tôn vinh Đức Chúa Trời sau:
Đầu tiên, Cơ Đốc nhân đáp lại đau khổ bằng cách tin cậy Đức Chúa Trời. Cuộc đời Giô-sép là một gương mẫu của sự đau khổ chính đáng. Giô-sép đã phải chịu đựng nỗi đau khi các anh trai bán ông làm nô lệ, và ông bị buộc tội oan trong nhà Phô-ti-pha. Giô-sép tin cậy mục đích tốt lành của Đức Chúa Trời trong sự khó khăn của mình (Sáng thế ký 50:20).
Thứ hai, Cơ Đốc nhân đáp lại đau khổ bằng cách công bố Phúc âm. Nếu chúng ta phải rời bỏ quê hương hoặc đất nước mình do bị bắt bớ, hãy nhớ rằng mục đích sống của chúng ta là Chúa Jêsus, để phục vụ Ngài và rao giảng Tin Lành ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Chúng ta học được từ cuộc đời những tín đồ ban đầu, rằng khi bị bắt bớ, họ đã bỏ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Kết quả là, Phúc âm đã lan truyền đến nhiều nơi khác. Ví dụ, chính từ Hội thánh ở An-ti-ốt – một trong những Hội thánh đầu tiên ngoài Giê-ru-sa-lem – Phao-lô và Ba-na-ba đã đi ra rao giảng Tin Lành cho dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 14:26).
Thứ ba, Cơ Đốc nhân cần kiên trì trong đau khổ. Trong Công vụ các sứ đồ 4:17–22, chúng ta thấy sự gan dạ và can đảm của Phi-e-rơ và Giăng trước hội đồng Do Thái.
Khi đối mặt với nỗi đau đe dọa, họ đã làm chứng về Chúa Jêsus. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta cũng có thể làm chứng về Chúa Jêsus và đứng vững vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nên tin tưởng rằng Chúa sẽ mang lại công lý và trừng phạt những kẻ sai trái. Chúa Jêsus là Đấng chiến thắng.
Điều chúng ta học được từ Kinh thánh
Phi-e-rơ nói: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Chúng ta học được từ Kinh Thánh rằng Đấng Christ là tấm gương sáng chói trong đau khổ để chúng ta noi theo.
Nạn bắt bớ Cơ Đốc giáo trong vài thế kỷ đầu tiên sau Chúa Jêsus diễn ra cực kỳ phổ biến. Kinh thánh, đặc biệt là sách Công vụ các sứ đồ cho thấy Hội thánh phải trải qua những đau khổ nào cho đến khi Chúa Jêsus tái lâm.
Những hệ quả khi thờ phượng Đấng Christ cũng được Phi-e-rơ đề cập trong thư đầu tiên của ông. Phi-e-rơ viết cho Hội thánh bị bắt bớ và khuyên họ hãy vui mừng và hy vọng giữa đau khổ, vì Đấng Cứu Thế của họ.
Ông đảm bảo rằng gian khổ là thoáng qua và vinh quang đang chờ đợi họ khi đến trước mặt Chúa: “Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến” (1 Phi-e-rơ 1:6–7).
Đức Chúa Trời cho phép Cơ Đốc nhân chịu đựng bắt bớ như một phần trong kế hoạch cứu rỗi và hòa giải của Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự bắt bớ là vì sự vinh hiển Ngài, để xây dựng và thánh hoá Hội thánh. Đức Chúa Trời dạy các tín đồ cách chịu đựng đau khổ: noi gương Chúa Jêsus, tin cậy vào những lời hứa trong Kinh thánh, và mong chờ ngày được gặp Chúa Chúa Jêsus trên ngai vàng vinh hiển.
Và trong mọi hoàn cảnh, đừng bao giờ phủ nhận danh Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ – và hãy không ngừng công bố Phúc âm cho thế giới.
Bài: Luke Anwari; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply