Cơ Đốc nhân có được lên án việc làm của anh em mình?

Oneway.vn – Sau khi Chúa Jêsus dạy “Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán” (Ma-thi-ơ 7:1 TTHD), Ngài cảnh báo chúng ta về các tiên tri giả rằng:

Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi tật lê bao giờ? Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành, còn cây độc thì sinh trái độc. Cây lành không thể sinh trái độc, còn cây độc cũng không sinh trái lành được. Bất cứ cây nào không sinh trái lành, thì bị đốn và ném vào lửa. Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng”.  (Ma-thi-ơ 7:15-20 TTHD) 

Bạn có thể sẽ cảm thấy kì lạ ở điểm này. Ngay sau khi Chúa Jêsus dạy chúng ta không xét đoán để không bị đoán xét, thì Ngài lại dạy chúng ta xem xét bông trái việc làm từ những tín đồ khác. Nói cách khác, Chúa dạy chúng ta xét đoán anh em mình. 

Nghe có vẻ mâu thuẫn – nhưng thực ra là không. 

Khi xem xét kỹ câu đầu tiên về việc xét đoán (Ma-thi-ơ 7:1) chúng ta thấy Chúa Jêsus không hoàn toàn đề cập đến hành vi xét đoán, mà Chúa đề cập đến thước đo chúng ta dùng để xét đoán. 

Ngay sau câu đó, Chúa phán “Vì các con xét đoán người ta thể nào thì họ cũng xét đoán các con thể ấy, các con lường cho người ta mực nào thì họ cũng sẽ lường cho các con mực ấy” (Ma-thi-ơ 7:2 TTHD), Chúa Jêsus cảnh báo chúng ta dùng thước đo công bình và chính xác để xem xét hành động của anh em mình. 

Chúa dạy chúng ta không thể lấy cái dằm khỏi mắt anh em trong lúc cây đà vẫn còn nằm trong mắt mình (câu 3-5). Đây là lời răn dạy khôn ngoan. Chúa Jêsus cũng đang nói về thói đạo đức giả ở đây. 

Kinh Thánh cho biết rõ ràng rằng, chúng ta cần phải thận trọng khi xét đoán cũng như cách chúng ta xét đoán.

Kinh Thánh cũng cảnh báo việc chúng ta xét đoán ai. 

 

Cơ Đốc nhân có được xét đoán việc làm của người ngoại? 

Sứ đồ Phao-lô đã nói về vấn đề này cách rõ ràng và dứt khoát. 

Một việc ghê tởm đã xảy ra ở Hội Thánh Cô-rinh-tô đó là có kẻ ăn nằm với vợ kế của cha mình. Sứ đồ Phao-lô như chết lặng. Ông nói “một thứ dâm loạn đến nỗi ngay cả các dân ngoại cũng không có như thế” (I Cô-rinh-tô 5:1 TTHD)

Sứ đồ Phao-lô làm rõ rằng người lãnh đạo Hội Thánh Cô-rinh-tô phải xét xử kẻ đó và loại trừ ra khỏi thân thể của Đấng Christ hầu cho “phần tâm linh được cứu trong ngày của Chúa” (câu 5). 

Sự phán xét thánh này gồm có hai mục đích: đầu tiên, để bảo vệ thân thể Đấng Christ bời vì “Anh em không biết rằng một chút men đủ làm dậy cả đống bột sao?” (câu 6), thứ 2 là sự cứu chuộc một tội nhận quan trọng hơn sự thỏa mãn tạm thời. 

Nếu người này được cho phép ở lại trong nhà thờ mà không nhận lãnh bất kỳ hậu quả nào, anh ta sẽ không bao giờ biết ăn năn. 

Sau khi cảnh báo về trách nhiệm của Cơ Đốc nhân phải luôn trung tín tra xét việc làm của các tín hữu khác, sứ đồ Phao-lô cho biết chúng ta không phán xét người ngoài đức tin, ông nói: 

“Tôi xét xử những người ở ngoài để làm gì? Chẳng phải anh em nên xét xử những người ở trong sao? Đức Chúa Trời sẽ xét xử những kẻ ở ngoài. ‘Hãy loại trừ những kẻ gian ác ra khỏi anh em’”. (câu 12-13) 

Quan điểm Kinh Thánh về sự phán xét giờ đây trở nên hoàn toàn dễ hiểu. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cần xét đoán công việc của anh em cùng niềm tin chứ không phải người ngoại. Vì việc xét đoán người ngoại nằm ngoài thẩm quyền của chúng ta.

Xét đoán người khác thường gây hại và những vấn đề thường xảy ra khi ta cố gắng xét đoán anh em mình: 

5 vấn đề xảy ra khi chúng ta xét đoán người khác: 

1. Xét đoán động cơ thay vì hành động

Chúng ta là những con người hữu hạn, không có thẩm quyền để xét đoán động cơ của người khác. Chúng ta không thể nhìn thấu tấm lòng của họ hoặc xác định được tại sao họ lại làm như vậy. Chúng ta chỉ được phép xét đoán hành động của anh em mình. 

Nhưng mọi người vẫn thường lầm tưởng điều này trong nền văn hóa của chúng ta và trong cả nhà thờ. 

Người này đi đến nhà thờ chỉ vì thế này thế kia. Cô ta là người … (điền vào chỗ trống)

Tên kia có những biểu hiện lạ ở sân trước nhà. Anh ta là một kẻ … (điền vào chỗ trống)

Có lúc chúng ta xem xét bông trái trong đời sống tín đồ khác, nhưng chúng ta không nên xét đoán con người hay loại bỏ họ như nền văn hóa này vẫn thường làm. 

Vì là Cơ Đốc nhân, chúng ta không làm những việc vượt khỏi thẩm quyền của mình. 

Khi phải xét đoán, chúng ta cần xét đoán hành động, chứ không phải động cơ. Chúng ta dâng trình điều đó lên cho Chúa là Đấng thấy được tấm lòng và xử đoán cách công bình. 

 

2. Đánh giá theo tiêu chuẩn loài người thay vì tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời

Thật vậy, đây chỉ là những đánh giá theo tiêu chuẩn loài người. Đức Chúa Trời không hề phán như vậy, nhưng ai đó đã thêm vào tiêu chuẩn trong Kinh Thánh, và bây giờ họ tuyên bố đó là lời Chúa. 

Người Pha-ra-si đã biến những điều này thành một hình thức bề ngoài. Họ lấy một tiêu chuẩn như tôn vinh ngày Sa-bát và tự đặt ra hàng trăm thứ luật lệ khác vào tiêu chuẩn đó. Sau đó họ xét đoán những người khác qua những luật lệ mà họ tự đặt. 

Chúng ta không được đánh giá con người qua thước đo mà chính chúng ta tạo ra. Chúng ta không được phép thêm thắt bất kì điều gì vào lời Chúa và đánh giá người khác bằng các luật lệ tự đặt ra. Điều đó hoàn toàn sai. 

 

3. Đánh giá không dựa trên tình yêu thương 

Người Pha-ri-si cũng giỏi trong chuyện này nữa. Họ tự cho mình là người công bình để đưa ra phán quyết không có tình yêu thương thông qua việc sử dụng tiêu chuẩn của Chúa. 

Điều đó không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp. Việc sử dụng tiêu chuẩn của Chúa mà không có tình yêu thương có thể gây tổn thương người khác. 

Chúa Jêsus kể một câu chuyện về người lãnh đạo tôn giáo kiêu ngạo phán xét mà không có tình yêu thương trong Lu-ca 19. 

Người Pha-ri-si này nói rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác: tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và nộp một phần mười về mọi lợi tức của con”. (câu 11-12) 

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều từng tiếp xúc với những người tuân theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời như thế. Không có điều gì tốt đến từ nó cả. Chúa Jêsus cũng đã dành lời cảnh báo cho những hạng người như vậy. Tình yêu phải là trung tâm của mọi sự phán xét.

 

4. Bạn nghĩ rằng khi có tiêu chuẩn thì phải có đánh giá. 

Mọi người thường nghĩ khi nhắc đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì chính là đề cập đến sự phán xét, nhưng điều đó không đúng. 

Có một phép loại suy ở đây cho chúng ta thấy rõ điểm này:

Nếu bạn lái một chiếc xe hơi và tôi nói với bạn “Này, tốc độ giới hạn là 35 dặm một giờ” nhưng bạn đi 55 dặm một giờ – và tôi không thể xét xử bạn. Tôi không phải cảnh sát giao thông, tôi không thể đưa bạn phiếu phạt. Tôi cũng không phải là thẩm phán. Tôi không thể tấn công hoặc phạt tiền hoặc thu hồi giấy phép lái xe của bạn. Tôi không có quyền làm điều đó. Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết luật nhưng tôi không thể phán xét bạn vì bạn vi phạm. 

Tương tự như vậy, nếu tôi nói cho bạn biết Kinh Thánh nói gì về một vấn đề cụ thể, tôi không đưa ra lời phán quyết vì đó nằm ngoài thẩm quyền của tôi. Chỉ duy Đức Chúa Trời có quyền phán xét. Tôi chỉ nói cho bạn về luật của Chúa nhưng tôi không phán xét khi bạn phá luật. 

 

5. Không phán xét

Có một phong trào trong Cơ Đốc giáo ngày nay đó là bạn có thể nói bất cứ điều gì. Bạn có thể nói những gì bạn muốn, làm những gì mình thích, hoặc trở thành một người mà bạn muốn trở thành, chỉ cần tin vào điều mình muốn nhưng bạn vẫn được coi là môn đồ Đấng Christ. 

Điều này không đúng với Kinh Thánh. 

Tiêu chuẩn trong Kinh Thánh được đưa ra để bảo vệ chúng ta, và chúng ta được khuyên lơn phải tuân theo tiêu chuẩn trong thân thể của Đấng Christ. Chúa Jêsus không bao giờ phủ nhận tiêu chuẩn. Không một lần. Thay vào đó, Ngài ban ân điển và sức lực để vực chúng ta lên trong cuộc chiến với tội lỗi và từng bước đạt đến tiêu chuẩn của Chúa. 

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải đánh giá đâu là tội lỗi trong đời sống anh em mình, và các Cơ Đốc nhân khác cũng sẽ đánh giá lại chúng ta. Nhưng giống như Chúa Jêsus, chúng ta phải xét đoán cách công bình trong tình yêu thương và với hy vọng giúp đỡ anh em mình trở nên giống Chúa hơn. 

 

Bài: Catherine Segars, dịch: Quỳnh Hương 
(Nguồn: crosswalk.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *