Oneway.vn – Đối với nhiều Cơ Đốc nhân, những hạn chế do virus corona gây ra cho cuộc sống đã xảy đến cùng thời điểm với mùa lễ kỷ niệm Chúa Jêsus chịu thương khó, mùa truyền thống để kiêng cữ một số điều.
Nhưng những quy định khắc khe mới – như đóng cửa các khu giải trí và trường học, bắt buộc ở trong nhà đối với người trên 70 tuổi – đã khiến những kỷ luật của chúng ta trong mùa lễ này trở nên thật nhỏ bé. Việc không được uống rượu hay ăn sô-cô-la chẳng là gì so với việc không thể gặp gỡ bạn bè, đi thăm con cháu, đi hàng quán, thư viện hoặc nhà thờ.
Đây là một giai đoạn tĩnh lặng, không phải cái tĩnh lặng của sự nghỉ ngơi, mà của sự buồn rầu, lo lắng và bất định.
Không có gì ngạc nhiên khi những suy nghĩ nghi ngờ ngớ ngẩn thường sẽ tìm cách giải thích tại sao Đức Chúa Trời lại đang làm điều này với chúng ta.
Có phải đây là hình phạt không? Hay sự cảnh báo? Hay một điềm báo? Đây là những phản ứng tức thì của Cơ Đốc nhân trong một nền văn hóa đề cao chủ nghĩa duy lý đã bắt đầu từ vài thế hệ trước: Mọi thứ phải có lời giải thích. Nhưng giả sử không có thì sao? Giả sử sự khôn ngoan thật của con người không phải là khả năng xâu chuỗi một số suy đoán khéo léo nào đó rồi nói: “Hợp lý chưa nào?” Nhưng nếu rốt cuộc, có những thời điểm mà như T. S. Eliot nhận ra vào đầu thập kỷ 40, lời khuyên duy nhất chỉ là chờ đợi và đừng hy vọng, bởi vì chúng ta đang hy vọng vào điều không đúng, thì sao?
Người lý trí (kể cả Cơ Đốc nhân lý trí) thì muốn có lời giải thích; người tình cảm (kể cả Cơ Đốc nhân tình cảm) thì muốn được thở phào nhẹ nhõm. Nhưng có lẽ điều chúng ta cần hơn cả hai điều kia là khôi phục lại một truyền thống của Kinh Thánh: Sự than khóc.
Than khóc xảy ra khi người ta hỏi “Tại sao?” mà không có được câu trả lời. Đó là điều chúng ta sẽ làm khi chúng ta không còn tập chú vào bản thân để lo lắng cho tội lỗi và sự thất bại của mình nữa, thay vào đó, nhìn ra thế giới đang khốn khổ ngoài kia.
Trong lúc này, sách Thi Thiên – sách Thánh Ca của Kinh Thánh – trở lại với đúng bản chất, khi một số hội thánh dường như đã bỏ quên. “Lạy Đức Giê-hô-va, xin thương xót con vì con mòn mỏi”, Thi Thiên 6 kêu lên, “Lạy Đức Giê-hô-va, xin chữa lành con vì xương cốt con run rẩy”. Thi Thiên 10 đặt thẳng câu hỏi không e sợ: “Đức Giê-hô-va ôi! Vì sao Ngài đứng xa? Trong lúc gian truân sao Ngài lại ẩn mặt?” Và rồi tiếp tục: “Đức Giê-hô-va ôi! Ngài mãi quên con cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt với con cho đến bao giờ?” (Thi Thiên 13).
Và còn thống khiết đến tột cùng khi chính Chúa Jêsus đã kêu lên lời cầu nguyện này trong lúc quặn thắt trên thập tự giá: “Đức Chúa Trời của con ôi! Đức Chúa Trời của con ôi! Sao Ngài từ bỏ con?” (Thi Thiên 22).
Vâng, những bài thơ như vậy thường đi đến một kết thúc sáng sủa, với một nhận thức tươi mới về sự hiện diện của Đức Chúa Trời và hy vọng nơi Ngài, không phải là lời giải thích cho tình huống khó khăn mà là sự tái đảm bảo ngay trong hoàn cảnh đó. Dù vậy, đôi khi các Thi thiên lại đi ngược lại. Thi Thiên 89 bắt đầu với lời ngợi khen về sự tốt lành và lời hứa của Đức Chúa Trời, rồi đột nhiên chuyển hướng và nói rằng mọi thứ trở nên thật kinh khủng. Thi Thiên 88 bắt đầu trong đau khổ và kết thúc trong u ám: “Chúa khiến bạn bè lìa xa con, chỉ còn bóng đêm là bạn thân của con”. Đây là lời dành cho thời điểm “tự cách ly” của chúng ta.
Ý nghĩa của sự than khóc, được lồng vào truyền thống của Kinh Thánh, không phải chỉ như một lối thoát cho sự thất vọng, buồn bực, cô đơn, không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra và lý do của nó. Sự mầu nhiệm của câu chuyện Kinh Thánh là: Đức Chúa Trời cũng than khóc. Một số Cơ Đốc nhân thích nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền trên tất cả, biết tất cả, tể trị tất cả, luôn bình tĩnh và không bị ảnh hưởng bởi những vấn nạn trong thế giới của Ngài. Nhưng đó không phải là hình ảnh chúng ta nhìn thấy trong Kinh Thánh.
Sách Sáng Thế Ký cho biết rằng Đức Chúa Trời đau buồn trước sự gian ác, bạo lực của con người – một loài thọ tạo của Ngài. Ngài đau đớn khi bị nàng dâu của Ngài, dân Israel, xoay bỏ. Và khi Đức Chúa Trời trở lại với dân Ngài trong thân xác con người – câu chuyện về Chúa Jêsus trở nên vô nghĩa nếu không nói lên ý nghĩa đó – Ngài đã khóc tại mộ của bạn Ngài. (Giăng 11:35)
Sứ đồ Phao-lô nói rằng Đức Thánh Linh “thở than” trong chúng ta khi chính chúng ta thở than trước nỗi đau của toàn cõi tạo vật. Giáo lý Ba Ngôi từ ngàn xưa dạy chúng ta nhận biết Một Đức Chúa Trời duy nhất thông qua những giọt nước mắt của Chúa Jêsus và sự quặn thắt của Đức Thánh Linh.
Như vậy, không có phần nào trong sự kêu gọi của Cơ Đốc nhân có thể giải thích điều gì đang xảy ra và lý do. Trên thực tế, một phần của sự kêu gọi Cơ Đốc nhân không phải là khả năng giải thích, mà là than khóc. Khi Đức Thánh Linh thở than trong chúng ta, chúng ta trở nên những đền thờ nhỏ, nơi sự hiện diện và tình yêu chữa lành của Đức Chúa Trời có thể ngự vào, thậm chí trong hoàn cảnh tự cách ly của chúng ta. Và từ nơi ấy có thể xuất hiện những khả năng mới, những hành động nhân ái mới, hiểu biết khoa học mới, hy vọng mới. Còn sự khôn ngoan mới cho các lãnh đạo của chúng ta thì sao? Thử nghĩ xem!
Tác giả:
T. Wright là Giáo sư chuyên về Tân Ước và Cơ Đốc giáo Thời kỳ đầu (the Professor of New Testament and Early Christianity) tại Đại học Thánh Anh-rê (the University of St Andrews), Nhà Nghiên cứu Cao cấp tại Wycliffe Hall, Đại học Oxford, tác giả của hơn 80 quyển sách, trong đó có quyển The New Testament in Its World (tạm dịch: Tân Ước trong Thế giới của nó).
Bài: N. T. Wright; Dịch: Blessie
(Nguồn: time.com)
Leave a Reply