“Cố mục sư Billy Graham, vị anh hùng đức tin của tôi”

Oneway.vn – “Cố mục sư Billy Graham, vị anh hùng đức tin của tôi”

Có rất nhiều điều đáng học hỏi từ cuộc đời và di sản của Mục sư Graham. 

Dưới đây là ba bài học tuyệt vời dành cho mỗi người chúng ta từ cố Mục sư Billy Graham.

 

1. Nói lẽ thật với những người nắm quyền lực

Trong suốt các thời đại, đã có vô số nhà truyền giáo toàn thời gian thực hiện những công việc vĩ đại để truyền bá Phúc Âm – nhưng không ai trong số họ có mối quan hệ cá nhân với nhiều “người nổi tiếng” như Billy Graham.

Đây là điều khiến ông trở nên khác biệt với hầu hết mọi người.

Ví dụ điển hình nhất là mối quan hệ của Mục sư Graham với mười hai Tổng thống Mỹ liên tiếp, một kỷ lục đáng chú ý dù theo bất kỳ thước đo nào.

Sở dĩ Mục sư Graham có thể nói với họ lẽ thật của Đức Chúa Trời là vì ông không nhìn họ với tư cách Tổng thống, mà xem họ như những con người bình thường cần sự thương xót của Đức Chúa Trời:

  • Ông giải thích cho John F. Kennedy về Sự Tái Lâm của Đấng Christ.
  • Ông cầu nguyện với Lyndon B. Johnson tại bể bơi Nhà Trắng.
  • Ông cố vấn cho Ronald Reagan về vấn đề phá thai.
  • Ông trò chuyện với Bill Clinton về bản chất của ý Chúa trong Phòng Bầu dục.
  • Ông cố vấn cho Dwight D. Eisenhower trên giường bệnh.
  • Ông an ủi Richard Nixon trong vòng tay tại đám tang của mẹ ông.
  • Tất cả các Tổng thống mà ông tiếp xúc đều đánh giá cao lời khuyên của ông; một số thậm chí còn công nhận rằng ông đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống họ.

Bên cạnh đó, ông đã gây dựng một tình bạn trọn đời với Nữ hoàng Elizabeth II – có thể họ đã gặp nhau hàng chục lần.

Ông cũng gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng khác trên thế giới, từ Thủ tướng Anh Winston Churchill và Margaret Thatcher đến các nhà lãnh đạo Cộng sản như Mikhail Gorbachev và Kim Il-Sung.

Hơn hết, cố Mục sư Billy Graham còn kề vai sát cánh với các minh tinh Hollywood, chẳng hạn như cầu nguyện cùng Frank Sinatra, cầu thay cho tổng thống Reagan sau một vụ ám sát suýt chết nhằm vào Tổng thống..

Chúng ta có thể học được gì từ tấm gương của Graham về việc kết nối và hỗ trợ cho những “người của công chúng” này?

Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng những nhân vật nổi tiếng và quyền lực rốt cuộc cũng là con người bình thường giống như chúng ta, với những bất an và yếu đuối của họ, và họ cũng cần sức mạnh của Phúc  m nhiều như bất kỳ ai trong chúng ta.

Thứ hai, Graham đã giữ được lòng khiêm nhường và chính trực ngay cả khi ông thường xuyên xoay chuyển thế giới của những người nổi tiếng và quyền lực.

Thứ ba, đó là một ví dụ điển hình cho thấy sự dạn dĩ trong đức tin thực sự mang lại kết quả như thế nào. Khi chúng ta không chỉ bám chặt vào Chúa Jêsus, mà còn công khai làm chứng về Tin Lành của Ngài trước những người khác, thì chúng ta không bao giờ biết được Tin Lành đó sẽ ảnh hưởng đến ai và bao nhiêu người.

 

2. Tấm lòng khiêm nhường và công chính 

Mặc dù Cố Mục sư Billy Graham rất nổi tiếng và kề vai sát cánh với nhiều con người quyền lực, nhưng có một đặc điểm mà ông vẫn luôn thể hiện một cách nhất quán – đó là sự khiêm nhường.

Khi xem qua nhiều cuộc phỏng vấn và trò chuyện với Mục sư Graham đương thời, hầu như không thể tìm thấy bất kỳ manh mối nào cho thấy ông ấy khoa trương về thành tích của mình hoặc tỏ ra tự cao tự đại.

Ông nhận thức sâu sắc về sự không hoàn hảo và tội lỗi của mình, điều đó tạo nên sự khiêm nhường mà ông luôn mang trong mình.

Ông là hiện thân của nền tảng đạo đức giống như Đấng Christ được mô tả trong Phi-líp 2: ngay cả khi được bình đẳng với Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus không hề lấy đó làm lý do để nắm quyền thống trị thế gian, mà thay vì vậy, Ngài hạ mình, thậm chí đến mức hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người như các cựu Tổng thống Jimmy Carter và Barack Obama đã dùng từ “khiêm nhường” để mô tả Graham trong những lời tri ân sau khi ông qua đời.

Một tính từ khác để mô tả chính xác Mục sư Graham? Công chính.

Đó là một đặc điểm đặc biệt quan trọng đối với các nhà lãnh đạo thuộc linh đại diện cho Chúa.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, có rất nhiều ví dụ xuyên suốt lịch sử Hội Thánh cho thấy nhiều người đã thất bại trong lĩnh vực công chính.

Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc đời Cố Mục sư, ông luôn giữ gìn đời sống liêm khiết của mình.

Trong mọi lĩnh vực, ông đã duy trì một tiêu chuẩn công chính đúng với Kinh Thánh trong suốt chức vụ, và chung thủy với vợ (thậm chí còn có một “quy tắc” được đặt theo tên ông, về việc không ở một mình với người khác giới mà không phải là vợ/chồng bạn).

Cách quản lý tài chính của mục vụ Billy Graham cũng hoàn toàn trái ngược với những “nhà truyền giáo” khét tiếng của thập niên 1980 (và hơn thế nữa).

Ông lên tiếng chống lại xu hướng thỏa hiệp đức tin Cơ Đốc với một số hệ tư tưởng chính trị, vào thời điểm mà “Quyền tôn giáo” bắt đầu nổi lên như một lực lượng chính trị tuyên bố đại diện cho các giá trị Cơ Đốc.

Ông cũng tránh chủ nghĩa phán xét không cần thiết và sự khắc nghiệt ác ý, vốn là đặc điểm của nhiều người theo trào lưu tôn giáo chính thống, bằng cách luôn nói ra sự thật trong tình yêu thương, và không bao giờ tự cho mình là đúng.

Cố Mục sư luôn đưa ra quan điểm mang người da đen và da trắng lại với nhau trong các cuộc họp “chiến dịch truyền giáo” của ông ở miền Nam nước Mỹ trong những năm 1950. Ông đã làm điều này trong thời kỳ mà chính quyền và nhiều Hội Thánh ở Mỹ ủng hộ cưỡng chế phân biệt chủng tộc.

Khi ai cũng bị cám dỗ thuận theo nền văn hóa đang thịnh hành, Mục sư Graham đã kiên quyết giữ vững lẽ thật và xem tất cả mọi người là con cái yêu dấu được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài, bình đẳng trước mắt Ngài.

Tấm gương của Mục sư Graham giúp chúng ta thêm quyết tâm thể hiện nếp sống liêm chính trong mọi việc mình làm, dù lớn hay nhỏ, cũng như giữ thái độ khiêm nhường, vì biết rằng làm như vậy có nghĩa là chúng ta đang tôn vinh Đấng Tạo Hóa.

 

Phục vụ Chúa Jêsus trên hết

Cuối cùng, khi nhìn vào di sản mà Mục sư Graham đã xây dựng trong suốt cuộc đời kéo dài gần một thế kỷ của mình, thì đó chỉ đơn giản là một cuộc đời tận tụy phục vụ Chúa, rao giảng về Chúa Jêsus và xây dựng Vương quốc Ngài trên đất này.

Ông đã rao giảng ở 187 quốc gia khác nhau, được thúc giục bởi tấm lòng tuân theo Đại Mạng Lệnh – môn đồ hóa khắp các quốc gia.

Nhiều người trên khắp thế giới đã tin nhận Đấng Christ qua lời rao giảng của Mục sư Graham, và sau đó tiếp tục môn đồ hóa những người khác ở quốc gia của họ.

Cuộc đời tận tụy xây dựng Nước Đức Chúa Trời của Cố Mục sư Billy Graham được phản ánh qua niềm tin không lay chuyển của ông, rằng ông sẽ gặp Đấng Cứu Rỗi của mình sau cuộc đời trên đất (cứ như thể cả đời ông sống với mục tiêu đó trong tâm trí!).

Ông từng nói: “Một ngày nào đó bạn sẽ nghe tin Billy Graham đã qua đời. Đừng tin một lời nào cả – vì lúc ấy tôi sẽ sống sung mãn hơn bao giờ hết”.

Những lời ấy chỉ có thể ra từ một người sống vì Vương quốc đời đời sẽ đến, chứ không phải những thứ tạm thời của thế gian này!

 

Bài học từ Cố Mục sư Biily Graham

Đầu tiên, Mục sư Graham là một trong những ví dụ điển hình nhất về một người cống hiến cuộc đời mình để xây dựng Vương quốc Đấng Christ trên đất này, và nhờ ân điển của Đức Chúa Trời mà ông có thể đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực đó.

Thứ hai, công việc của cuộc đời ông nhắc nhở chúng ta về niềm hy vọng, và lời hứa rằng Phúc Âm của Đấng Christ thực sự dành cho tất cả mọi người và mọi quốc gia.

Thứ ba, tấm gương của ông khuyến khích chúng ta, rằng khi giữ lòng công chính và khiêm nhường trước mặt Chúa và người khác, thì chúng ta sẽ được ban thưởng cho dù là trong đời này hay đời sau. 

Hy vọng tấm gương về cuộc đời Mục sư có thể truyền cảm hứng cho bạn trong việc thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời, bất cứ nơi nào Ngài kêu gọi bạn đến!

 

Bài: Gerard Koh; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thirst.sg)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *