Có nên hành động khi cảm thấy bất an?

Oneway.vn – Trong cuộc phỏng vấn với John Piper – nhà sáng lập và giáo viên của Desiringgod.org, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi qua email về việc đưa ra quyết định, giống như câu hỏi này của Zach: “Mục sư John ơi, làm ơn giúp tôi với. Có phải trước khi chúng ta đưa ra một quyết định nào với tất cả sự tự tin thì luôn có sự bình an về quyết định đó không?”.

Thiếu sự bình an

Tôi không chắc Zach có đang hỏi câu này đúng với ý của anh ấy không? Tôi cũng không biết Zach nghĩ gì trong đầu, nên có thể tôi sẽ hiểu lầm anh ấy. Tuy nhiên, có vẻ Zach muốn biết liệu việc anh chọn lựa một điều gì đó với sự tin chắc có phải là điều đúng không, mặc dù có thể trước khi chọn lựa anh cảm thấy không bình an.

Hành động với sự tự tin, theo đúng bản chất của nó có vẻ như hướng đến một lương tâm trong sáng. Đó là cách mà bạn có sự tự tin phải không? Sẽ có một kiểu bình an nếu bạn hành động với sự tin cậy hoàn toàn. Bạn chỉ có thể hành động với sự tự tin nếu hành động của bạn không có vấn đề gì để nghi ngờ hay cảm giác tội lỗi. “Với sự tự tin” có nghĩa là như vậy.

Nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết, vì tôi không nghĩ Zach thực sự đang hỏi điều anh ấy nghĩ. Tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó hơn, ý của Zach có thể là “Tôi có nên hành động nếu không có sự bình an?” Bạn sẽ làm gì nếu bạn thiếu sự bình an trong lòng về quyết định đó? Tôi nghĩ đó là những gì mà Zach muốn hỏi, và đây là một câu hỏi rất hay.

Sự bình an từ Chúa

Tôi đoán là đằng sau câu hỏi này, có thể anh ấy sẽ nghĩ đến một vài câu Kinh Thánh mà anh ấy đã được dạy hoặc đọc qua trong nhiều năm: “Nguyện xin sự bình an của Ðấng Christ cai trị trong lòng anh  em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn”. (Colossians/Cô-lô-se 3:15); “ Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Ðức Chúa Trời. Sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Ðức Chúa Jesus Christ.” (Philip/Phi-líp 4:6-7).

Nếu chúng ta đặt hai câu Kinh Thánh này bên cạnh nhau, thì dường như “sự bình an của Đấng Christ” hay “sự bình an của Đức Chúa Trời” nên là điều cứ ngự trị mãi trong lòng và trí của chúng ta. Nó sẽ bảo vệ, gìn giữ tâm trí và tấm lòng chúng ta khỏi những áp lực và khiến tâm trí và tấm lòng chúng ta mất khả năng tin cậy Đức Chúa Trời, làm lệch đi suy nghĩ một cách đúng đắn về phẩm chất và ý muốn của Đức Chúa Trời.

Zach đã đúng khi kết nối sự bình an mà Đấng Christ ban cho những người theo Ngài với những quyết định mà chúng ta đưa ra. Có một sự kết nối. Vì vậy, câu hỏi vẫn còn đó, và có một số sự hỗ trợ từ Kinh Thánh đằng sau để khiến câu hỏi này trở nên câu hỏi tối quan trọng: Chúng ta có nên thực hiện một hành động mà thiếu sự bình an hay thiếu sự điềm tĩnh về quyết định đó? Chúng ta hãy cùng theo dõi để đưa ra câu trả lời nhé.

Vâng phục mà không thấy bình an

Trước tiên, sứ đồ Paul/Phao-lô không nói trong 2 đoạn Kinh Thánh rằng sự bình an và yên ổn là những nhân tố duy nhất trong việc quyết định điều chúng ta phải làm. Sự bình an trong lòng không phải là để giúp bạn quyết định xem có nên vâng theo những mạng lệnh rõ ràng từ Kinh thánh hay không? Ví dụ, khi sứ đồ Phao-lô nói trong Romans/Rô-ma 12:14: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa”. Ông không có ý nói rằng mạng lệnh này là một sự chọn lựa có thể không làm nếu không thấy bình an.

Những mạng lệnh rõ ràng của Kinh Thánh cần phải được vâng phục. Vâng, rõ ràng là việc có sự bình an và bình tịnh trong lòng rất lý tưởng. Tuy nhiên, nếu không có sự bình an, chúng ta có thể xưng nhận sự lo lắng đầy tội lỗi của chúng ta và nên vâng phục bất cứ giá nào. Đó chính là sự quan sát đầu tiên.

Sự bình an và lương tâm

Thứ hai, khi chúng ta phải chọn lựa điều không bị cấm hoặc không có phán dạy rõ ràng từ Kinh Thánh nhưng cần phụ thuộc vào sự khôn ngoan, thì trạng thái của tấm lòng và tâm trí – tức là việc có mặt hoặc vắng bóng sự bình an – là một vấn đề. Ví dụ, Paul nói trong Romans chương 14: “hễ điều chi không bởi đức tin là tội lỗi” (câu 23) – tức là bất kỳ cách hành xử nào không sinh ra từ đức tin đều được coi là tội lỗi. Theo tôi nghĩ, điều này có nghĩa là nếu bạn hành động chống lại lương tâm của mình, cho dù điều bạn làm về mặt khách quan không sai, thì điều đó vẫn được kể là tội lỗi.

Như chúng ta biết, sự bình an cũng là kết quả của đức tin, khi bạn nghi ngờ về quyết định của mình sau đó lại làm, thì điều đó là tội lỗi. Tôi xin khép lại ý này ở đây và gợi ý bạn nên tìm đọc cuốn Conscience (Lương Tâm) của tác giả Andrew Naselli và J.D. Crowely. Cuốn sách đó sẽ giúp xử lý rất tốt chủ đề này.

Sự bình an trong hiểm nguy

Thứ ba, hãy nhớ rằng sự bình an của chúng ta có thể bị quấy rối khi chúng ta đưa ra quyết định. Chúng ta có thể mất sự bình an không chỉ khi đưa ra quyết định đúng hoặc sai, mà còn cả khi quyết định đó có tốn kém hay không. Nếu bạn quyết định làm một việc tốt cho ai đó và lương tâm của bạn không bị bối rối rằng việc làm đó có thể sai, nhưng lòng bạn lại cảm thấy lo âu, bứt rứt vì điều đó có thể gây thiệt hại cho bạn, thì cứ hành động. Bất an về những nguy hiểm không giống như bất an về tội lỗi  

Khao khát sự bình an

Cuối cùng, được tự do khỏi mọi lo lắng luôn là điều đúng, nếu bạn có thể. Và bạn nên như vậy. Chúng ta được truyền lệnh là đừng lo lắng về bất cứ điều gì (Philip 4:6). Chúng ta sẽ không thể đạt đến trạng thái hoàn hảo trong cuộc sống này. Đó là quan điểm của tôi về sự thánh hóa.

Chúng ta nên có sự bình an trọn vẹn trong mọi thời điểm, nhưng thực tế thì chúng ta lại không có. Tuy vậy, chúng ta nên chiến đấu cho điều đó, cầu nguyện cho điều đó và khao khát điều đó. Thực tế là, chúng ta càng tiến đến những hành động yêu thương, vui mừng bình an  ngay cả trong những thời điểm mất mát và đau thương bao nhiêu thì ánh sáng về giá trị của Đấng Christ sẽ càng tỏa sáng qua chúng ta bấy nhiêu.

Hadassah Phạm dịch

Nguồn:

desiringgod.org

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *