Có thể khôi phục hôn nhân sau nỗi đau ngoại tình?

Oneway.vn – Làm thế nào để khôi phục hôn nhân sau nỗi đau ngoại tình?

“Mục sư John thân mến, vợ chồng tôi đã kết hôn được vài năm và đang giúp đỡ một vài cặp vợ chồng gặp khó khăn. Chúng tôi cầu nguyện cho họ thường xuyên và cố gắng hết sức khuyến khích họ để Đức Thánh Linh dẫn đường trong cuộc sống họ, đồng thời giúp đỡ họ những gì có thể. Mục sư có lời khuyên nào cho các cặp vợ chồng đang chịu đau khổ sau ngoại tình? Làm sao để xây dựng lại niềm tin giữa họ? Chúng ta có thể làm gì để phục vụ các cặp vợ chồng tan vỡ trong hôn nhân tan do không chung thủy?”

Có hai điều trong câu hỏi này khiến tôi đặc biệt biết ơn. Đầu tiên, cặp vợ chồng này có đủ can đảm và yêu thương để đối mặt thay vì phán xét lẫn nhau. Và thứ hai, họ không cho rằng ly hôn là điều đúng đắn. Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người luôn cố gắng chứng minh rằng ly hôn có thể là chính đáng. Cặp vợ chồng này thì không.

Chung thủy: lời hứa trọn đời

Một số người nói rằng nếu người phối ngẫu ngoại tình, bạn có thể ly dị. Nhưng tôi không nghĩ rằng ngoại tình là lý do mà Kinh Thánh cho phép vợ chồng ly dị. Tôi cho rằng chúng ta luôn luôn được khuyến khích phải sống chung thủy trọn đời theo lời Chúa Jesus nói với Phi-e-rơ:

“Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Ma-thi-ơ 18: 21-22)

Bảy mươi lần bảy không phải là một giới hạn. Nó có nghĩa là: “Phi-e-rơ ơi, hãy tha thứ luôn luôn”. Và Phao-lô nói về các Cơ Đốc nhân kiện tụng nhau:

“Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn!” (1 Cô-rinh-tô 6: 7)

Và khi vợ của Đức Chúa Trời là dân Y-sơ-ra-ên không chung thủy, từ “ly dị” trong Giê-rê-mi 3 và Ê-sai 50 không có nghĩa là ly dị vĩnh viễn, vì sau đó Ngài đã “tái hôn” với dân Ngài. Chúng ta biết điều này vì sau điều gọi là “ly dị” này trong Giê-rê-mi 3:8, Đức Chúa Trời đã phán với người vợ ngoại tình của mình:

“Hỡi Y-sơ-ra-ên bội nghịch; hãy trở về! Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì ta hay thương xót; ta chẳng ngậm giận đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 3:12)

Chúa cũng phán trong Ê-sai 54: 6-7:

Đức Giê-hô-va đã gọi ngươi, như gọi vợ đã bị bỏ và phiền rầu trong lòng, như vợ cưới lúc còn trẻ và đã bị để, Đức Chúa Trời ngươi phán vậy. Ta đã bỏ ngươi trong một lát; nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thâu ngươi lại”.

Cô dâu được chuộc bằng huyết Chúa

Đức Chúa Trời chỉ có một ‘người vợ’. Sách Ô-sê mô tả sự chung thủy của Ngài với người vợ ngoại tình. Chúa phán với Ô-sê:

“Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm, và con cái ngoại tình; vì đất nầy chỉ phạm sự tà dâm, lìa bỏ Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 1:2)

Vì vậy, Ô-sê đại diện cho Chúa khi cưới một người vợ không chung thủy. Trong chức vụ của mình, tôi đã chứng kiến toàn bộ bức tranh trong sách Ô-sê, đã giải cứu nhiều cặp vợ chồng trong những tình huống dường như không thể, và họ cho đến tận hôm nay vẫn chung thủy với nhau

Kết quả giữa Chúa và ‘người vợ ngoại tình’ sẽ ra sao? Chúng ta có thể thấy trong Ô-sê 2:14-15:

“Cho nên, nầy, ta sẽ dẫn dụ nó, dẫn nó vào đồng vắng, và lấy lời ngọt ngào nói cùng nó. Ta lại sẽ ban vườn nho cho nó từ nơi đó, và trũng A-cô sẽ trở nên cửa trông cậy. Nó sẽ trả lời tại đó như trong ngày trẻ tuổi nó, và như trong ngày nó ra khỏi đất Ê-díp-tô”

Vâng, người vợ Y-sơ-ra-ên chưa bao giờ xứng đáng với sự chung thủy của Đức Chúa Trời. Nhưng cuối cùng, với sự đau khổ kéo dài không kể xiết, bởi quyền năng của giao ước mới và dòng huyết Chúa Jesus, Đức Chúa Trời sẽ biến người vợ ấy trở thành cô dâu xinh đẹp nhất. Như Ê-phê-sô 5:25-27 có chép:

“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài.”

Đó là những gì Đức Chúa Trời đã làm cho người vợ không chung thủy của Ngài, bằng sự chịu đựng, đau khổ và hy sinh lâu dài.

Hai phép lạ giữ gìn hôn nhân

Kinh Thánh cho chúng ta hy vọng gì khi đối mặt với ngoại tình trong hôn nhân? Đó là hai “phép lạ” mà Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện để giữ gìn và đổi mới cuộc hôn nhân tan vỡ. Một là người kia phải tha thứ cho người làm sai. Hai là người làm sai phải ăn năn và chịu đựng đau khổ lâu dài. Cả hai điều này phải được thực hiện cùng lúc.

Hãy nhớ rằng, cả hai đều là phép lạ; nghĩa là trong khoảnh khắc tối tăm sâu thẳm nhất của hai người, những điều này dường như là không thể. Bạn sẽ nghĩ rằng: “Tôi không thể tha thứ. Tôi không thể thay đổi mọi việc. Đã quá muộn”. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng rằng đó là phép lạ có thể xảy ra. 

Ga-la-ti 3:5 chép: “Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin?” 

Chìa khóa để phép lạ xảy ra là vâng phục bằng đức tin, nghĩa là nghe Lời Chúa và tin cậy Chúa, tin rằng Ngài có thể làm thành những điều không thể. Chính bởi đức tin mà các phép lạ dường như không thể lại có thể xảy ra.

1. Tha thứ như Đấng Christ đã tha thứ.

Phép lạ đầu tiên là sự tha thứ. 

Ê-phê-sô 4:32: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. Chỉ khi đã kinh nghiệm sự tha thứ Chúa Jesus dành chúng ta, phải trả giá bằng cả mạng sống quý báu của Ngài, chúng ta mới có thể tha thứ cho sự phản bội khủng khiếp và đau đớn như ngoại tình.

Đây chính xác là cách Chúa Jesus dùng để giải thích động lực kỳ diệu của sự tha thứ trong Ma-thi-ơ 18:24. Một đầy tớ nợ vua một vạn ta-lâng. Một ta-lâng tương đương với hai mươi năm tiền công, nên một vạn là hai trăm ngàn năm tiền công. Chúa Jesus nói rằng mọi người chồng và mọi người vợ Cơ Đốc đều đã được Chúa tha cho món nợ ngoại tình ngàn năm chống lại Ngài. Mọi sự đã được Chúa tha thứ với cái giá là sự sống của Con Đức Chúa Trời. Lạy Chúa, xin giúp chúng con cảm nhận điều này. Điều này sẽ thay đổi chúng ta.

Và khi nhà vua phát hiện ra người được mình tha thứ lại không tha thứ cho người mắc nợ anh ta, “chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?” (Ma-thi-ơ 18: 32-33)

Đó là phép lạ đầu tiên giúp cuộc hôn nhân dường như không thể cứu vãn có thể phát triển trở lại. Tha thứ là một phép lạ.

2. Chung thủy và lấy lại niềm tin

Điều thứ hai: người đã ngoại tình phải ăn năn và đau khổ. Ăn năn là sự thay đổi sâu sắc của một tấm lòng căm ghét tội lỗi và hướng về sự chung thủy hoàn toàn.

Với nỗi đau khổ lâu dài phải xảy ra, người đã ngoại tình sẽ nhận ra rằng nhận được sự tha thứ không có nghĩa là lấy lại được niềm tin. Việc xây dựng lại niềm tin đòi hỏi sự kiên nhẫn, khiêm nhu, chịu đựng lâu dài. 

Được tha thứ không phải là quyền lợi mà bạn có thể yêu cầu, nhưng là món quà ân điển mà bạn nhận được bởi sự khiêm nhường, lòng biết ơn và nước mắt.

Và niềm tin của người bị phản bội giống như một hạt giống gieo dưới đất. Một ngày nào đó, khi Chúa đẹp lòng, nó có thể mọc lên thành một cây cổ thụ vững chắc. Nhưng chắc chắn nó sẽ phải phát triển qua từng giai đoạn, đòi hỏi bạn phải tưới nước, chăm sóc và bảo vệ qua những cơn bão lăm le giết chết chút niềm tin nhỏ bé còn sót lại.

Cùng nhau thực hiện

Cả hai phép lạ này, tha thứ và chịu đựng, có thể thực hiện được nhờ đức tin vào lời hứa của Chúa. “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (xem Giô-suê 1:5; Hê-bơ-rơ 13:5). Nắm chắc lời hứa này trong suốt những năm tháng đó, phép lạ sẽ xảy ra với hai bạn.

Chúa nói với chúng ta: “Ta sẽ bổ sức cho con. Ta sẽ giúp đỡ con. Ta sẽ nâng đỡ con. Ta sẽ không để bất cứ điều gì xảy ra với con mà không ban cho con đủ ân điển để chịu đựng được. Ta sẽ biến những vết sẹo mà con không thể xóa bỏ trở nên công cụ để phục vụ ta. Và ta sẽ luôn bảo vệ con, cùng con đi đến tận tuổi già”.

Hình ảnh mà tôi vô cùng yêu thích đó là: cả hai bạn ngồi đối diện nhau, nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của nhau, cùng nước mắt và nụ cười, nói rằng: “Chúng ta đã làm được. Chúng ta đã cùng nhau làm nên phép màu.”


Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *