Con trẻ thắc mắc tại sao Chúa để dịch lệ xảy ra?

Oneway.vn – Ngày nay, nhiều đứa trẻ đối mặt với tình huống mà nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ gặp phải khi còn nhỏ. 

Chúng ta cần giúp các em trả lời những thắc mắc như: tại sao Chúa cho phép những điều tồi tệ như đại dịch xảy ra.

Các em đã nghe tin tức…

Nổ súng ở trường học.

Tấn công khủng bố.

Xả súng vào nhà thờ.

Sóng thần và các thảm họa tự nhiên.

Và bây giờ các em phải đối mặt với coronavirus.

Bạn cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết để trả lời câu hỏi của con trẻ khi chúng hỏi:

TẠI SAO Chúa cho phép điều này xảy ra?

Đây là câu hỏi khó và thách thức – đặc biệt lại là thắc mắc của một đứa trẻ. Mọi thứ có thể trở nên phức tạp.

Cha mẹ và lãnh đạo Hội thánh phải sẵn sàng để trả lời kiểu câu hỏi này. Trong những thời điểm khó khăn, chúng ta phải chủ động trò chuyện với các em.

Nếu không có chiến lược rõ ràng để trả lời những câu hỏi này, các em có nguy cơ sẽ quay lưng với đức tin khi lớn lên. Giải thích đúng đắn và rõ ràng cho trẻ là cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Một ví dụ điển hình là diễn viên Brad Pitt. Anh lớn lên trong một gia đình Báp-tít sùng đạo, trung tín đi nhà thờ. Theo lời Brad trong một cuộc phỏng vấn, vào khoảng 13 tuổi, anh bắt đầu có những thắc mắc, giống như như nhiều em nhỏ hiện nay hỏi về coronavirus.

Lúc đó không ai đưa ra cho Brad bất kỳ câu trả lời nào thích đáng. Khi trưởng thành và rời gia đình, anh đã quay lưng với đức tin mà anh theo từ bé, và tuyên bố rằng bây giờ mình là người theo thuyết bất khả tri.

Vì thế, làm ơn đừng bỏ qua những câu hỏi hóc búa của con trẻ. Các em muốn tự bản thân hiểu biết về đức tin của mình, chứ không phải cứ tin theo cha mẹ. Đó là lý do các em đặt câu hỏi.

Câu hỏi: Tại sao Chúa cho phép coronavirus lây lan và giết người?

1. Trước tiên, hãy để con trẻ nói lên cảm nhận

Điều này giúp bạn biết được các em hiểu đến đâu, để có phương án sửa chữa nếu có những quan niệm sai lầm.

Giúp để con trẻ thành thật nói về nỗi sợ hãi của chúng. Các em có sợ không? Có căng thẳng không? Có lo lắng không? Theo con thì virus là gì?

2. Lắng nghe và chú ý đến mối quan tâm, lo lắng con trẻ

Bình tĩnh nói chuyện với các em. Hãy giúp các em biết bạn đang ở đó để bảo vệ, giữ các em an toàn và khỏe mạnh. Cho các em biết rằng các nhà khoa học và bác sĩ cũng đang làm việc để giữ an toàn cho mọi người.

3. Giữ thái độ tích cực

Hãy trung thực, nhưng đừng có thái độ lo lắng hay ủ rũ. Nếu bạn liên tục nói về những việc tiêu cực, trẻ sẽ cảm thấy như điều đó thực sự sắp xảy ra với mình.

4. Giữ sự cân bằng trong cuộc trò chuyện

Bạn chia sẻ những gì đang xảy ra, nhưng cũng đừng quên nói về những điều các em có thể chủ động thực hiện để bảo vệ bản thân và xã hội. Nhắc nhở các em về việc như rửa tay, không dùng chung đồ uống, v.v.

5. Sau đó chuyển sang giải thích lý do điều này xảy ra.

Chúa tạo ra thế giới – một nơi hoàn hảo. Ban đầu không có đau đớn, bệnh tật hay thiên tai.

Chúa muốn chúng ta yêu Ngài. Nhưng Ngài không tạo ra con người giống như người máy được lập trình sẵn. Ngài cho chúng ta quyền tự do lựa chọn.

Với sự tự do đó, Adam và Eva đã quyết định không vâng lời Chúa. Khi ấy, thế giới trở thành một nơi hoàn toàn khác – có đau khổ, bệnh tật và thảm họa. Trong Sáng thế ký chương 4, vụ giết người đầu tiên đã xảy ra. Tội lỗi khiến thế giới trở thành nơi tan vỡ.

Chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới tan vỡ, cùng với đó bệnh tật và dịch lệ vẫn xảy ra như coronavirus,…

Nhưng Đức Chúa Trời cũng yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Ngài, Đức Chúa Jêsus vào thế giới tan vỡ này, để một ngày nào đó chúng ta được sống lại ở một nơi hoàn hảo. Khi đồng ý nhận món quà tha thứ từ Chúa Jêsus, chúng ta sẽ sống mãi mãi ở một nơi không còn chết chóc, đau khổ, bệnh tật hay virus.

Và trong khi chờ đợi Chúa Jêsus trở lại, Ngài hứa rằng Ngài luôn ở bên chúng ta. Vì ngay bây giờ chúng ta vẫn đang sống trong thế giới tan vỡ, nên đôi khi những điều tồi tệ sẽ xảy ra với mọi người. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống trong thế giới hư hoại này. Nhưng Chúa đã hứa sẽ không bao giờ rời bỏ rơi chúng ta. Ngài ở bên chúng ta cả khi bình yên hay lúc hoạn nạn. Ngài luôn luôn ở đó để yêu thương và yên ủi tấm lòng chúng ta.

Khi những điều tồi tệ như virus xảy đến, chúng ta muốn Chúa “vung đũa thần” và khiến virus biến mất ngay lập tức. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận trải qua thời kỳ khó khăn như mọi người khác. Nhưng sự khác biệt là: chúng ta tin rằng Chúa Jêsus ở với mình và hiểu cảm giác của mình. Ngài cũng phải trải qua đau đớn khi chết trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta.

Là những người theo Chúa Jêsus, chúng ta có anh em cùng đức tin luôn khuyến khích và giúp nhau vượt qua thời kỳ khó khăn. Duy trì mối thông công với Hội thánh và anh em trong Chúa sẽ giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta. Hội thánh có ý nghĩa như vậy đấy. Chúng ta hỗ trợ và chăm sóc lẫn nhau.

Cũng hãy nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp Chúa cho phép xảy ra. Chúng ta có thức ăn, có nhà ở, có những người xung quanh yêu thương, và rất nhiều phước hạnh tuyệt vời khác mà Chúa mang đến cho chúng ta.

Cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta dạy dỗ thế hệ tương lai có đức tin sâu sắc nơi Ngài, cả khi tốt đẹp lẫn lúc khó khăn – điều tất yếu phải trải qua khi sống trong thế giới tan vỡ này.

 

Bài: Dale Hudson; dịch: Jennie Kim

(Nguồn: churchleaders.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *