COVID-19: Ứng nghiệm lời tiên tri về ngày cuối cùng?

Oneway.vn – Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ngày càng dữ dội và chưa hề có dấu hiệu lắng xuống. Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến. Những cửa hàng tạp hóa trần trụi ám ảnh, đường phố vắng tanh, các chuyên gia y tế làm việc bất kể ngày đêm, trường học đóng cửa và nền kinh tế tuột dốc không phanh.

Có phải chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt trước khi Đấng Christ trở lại? Có phải hàng loạt những sự kiện tồi tệ này là dấu hiệu cho thấy thế giới sắp kết thúc?

Trong các sách Phúc âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca,, có một phân đoạn thường được gọi là “Diễn ngôn núi Ô-li-ve”, ghi lại cuộc thảo luận của Chúa Jesus với bốn môn đồ về các dấu hiệu của thời kỳ sau rốt. Các môn đồ hỏi Chúa Jêsus ba câu hỏi: 1) Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? 2) Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến? 3) Có điềm gì chỉ về sự tận thế?

“Ðức Chúa Jesus trả lời và nói với họ, “Hãy coi chừng, để không ai dẫn các ngươi đi lạc. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Ta, đến, và nói rằng, ‘Ta là Ðấng Christ!’ và họ sẽ dẫn nhiều người đi lạc. Các ngươi sẽ nghe nói về chiến tranh và tin đồn về chiến tranh. Hãy coi chừng, đừng bối rối, vì những điều ấy phải xảy đến, nhưng chưa là cuối cùng đâu. Vì dân nầy sẽ nổi lên chống lại dân khác, nước nọ nghịch với nước kia, nhiều chỗ sẽ có nạn đói, ôn dịch, và động đất. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là những cơn quặn thắt bắt đầu của cơn đau chuyển bụng sinh. Nhưng về ngày nào và giờ nào thì không ai biết. Ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không biết, nhưng chỉ Cha biết mà thôi”. (Ma-thi-ơ 24: 4-8 & 36 (BD2011))

Chúa Jêsus nói rằng trong thời kỳ sau rốt sẽ xảy ra “ôn dịch”. Merriam Webster định nghĩa “ôn dịch” là “một bệnh truyền nhiễm hoặc đại dịch truyền nhiễm với tính chất nguy hiểm và tàn phá”.

Chúa Jêsus cho biết ôn dịch này sẽ đến như cơn đau chuyển dạ, nghĩa là sẽ tăng tần suất và cường độ cho đến ngày cuối cùng. Chúng ta có thể dự đoán rằng dịch bệnh truyền nhiễm này sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây tử vong nhiều hơn. Đó cũng chính là nguy cơ mà coronavirus đe dọa thế giới ngày nay.

Trong 100 năm qua, thế giới đã đối diện với mười đại dịch: Cúm Nga (1889-1890), Cúm Tây Ban Nha (1918-1919), Cúm châu Á (1957-1958), Cúm Hồng Kông (1968-1970), HIV/AIDS (1981-nay), SARS (2002-2003), Cúm lợn (2009-2010), Ebola (2014-2015), MERS (2015-nay) và COVID-19 (2019-nay).

Có thể coronavirus không hoàn toàn đủ điều kiện ứng nghiệm lời tiên tri, tuy nhiên nó vẫn là một dấu hiệu. Có lẽ không phải là dấu hiệu về tương lai, nhưng chắc chắn là dấu hiệu cho hôm nay, và là lời nhắc nhở sống động về những điều chúng ta quá dễ dàng quên đi.

Xuyên suốt Kinh Thánh, Chúa Jêsus bày tỏ chính Ngài đầy đủ nhất qua những cuộc giao tiếp với môn đồ khi Ngài chuẩn bị rời xa họ để trở về Thiên đàng. Ngài quan tâm đến họ rất nhiều, điều này thể hiện rõ trong Giăng 16:33:

“Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!”

Hãy nhìn những lời quen thuộc này bằng một cái nhìn mới. Lời hứa của Chúa với các môn đồ cũng là lời hứa dành cho chúng ta. Sự bình an đã được tìm thấy nơi chính Ngài!

Hoàn cảnh của chúng ta bây giờ làm tôi nhớ đến câu chuyện về một vị mục sư đang trên chuyến bay, và bỗng cơn bão ập tới. Trong phút chốc, chiếc máy bay bị quăng quật dữ dội giữa bầu trời.

Vị mục sư thú nhận rằng ông cũng lo lắng và sợ hãi như những người xung quanh. Ông nói: “Khi nhìn quanh máy bay, tôi thấy hầu như mọi hành khách đều sợ hãi và hoảng hốt. Một số người đang cầu nguyện”.

Rồi ông để ý một cô bé. Rõ ràng cơn bão không hề ảnh hưởng gì đến cô. Cô bé đang đọc sách, và thế giới của cô hoàn toàn bình tĩnh, trật tự. Đôi khi cô nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra và bắt đầu đọc tiếp. Bạn sẽ không tài nào tìm được chút sợ hãi hay lo lắng nào nơi cô bé này.

Vị mục sư không biết điều gì khiến cô bé bình an như vậy. Khi máy bay cuối cùng cũng hạ cánh an toàn, tất cả hành khách vội vã rời đi, nhưng mục sư nán lại để nói chuyện với cô bé ấy. Ông hỏi cô tại sao cô không lo lắng như mọi người khác khi cơn bão ập tới. Cô bé trả lời ông rằng: “Vì phi công điều khiển máy bay là cha con, và cha chắc chắn sẽ đưa con về nhà”.

Cô bé hoàn toàn bình an vì cô tin cậy cha mình, và biết rằng cha nhất định sẽ đưa cô đến đích an toàn.

Hãy tận dụng khoảng thời gian khó khăn này để suy nghĩ về cuộc sống, và nhắc nhở nhau rằng chúng ta đang ở trong tay vị Thuyền trưởng tốt lành, bất kể cơn bão ngoài kia dữ dội như thế nào.

 

Bài: David Jeremiah; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: cbn.com)


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *