Oneway.vn – Cuộc đời của mỗi con người đều được lèo lái bởi một điều gì đó. Hầu hết các tự điển đều định nghĩa lèo lái là “hướng dẫn, điều khiển hoặc định hướng.” Khi bạn lái xe, đóng đinh hoặc đánh quả bóng golf, bạn đang hướng dẫn, điều khiển và định hướng ngay trong thời điểm đó.
Động cơ lèo lái cuộc đời bạn là gì? Ngay trong lúc này đây, bạn có thể đang bị lèo lái bởi một nan đề, một áp lực, hoặc một kỳ hạn nào đó. Bạn có thể đang bị lèo lái bởi một ký ức đau khổ, một nỗi sợ kinh hoàng, hoặc một niềm tin vô thức nào đó. Có hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và những tình cảm có thể lèo lái cuộc đời bạn.
Nhiều người bị lèo lái bởi mặc cảm tội lỗi
Họ sống cả đời loanh quanh với những nuối tiếc hoặc cố gắng che đậy sự xấu hổ của mình. Những người bị mặc cảm tội lỗi lèo lái luôn bị ký ức điều khiển. Họ để cho quá khứ của mình điều khiển tương lai họ. Họ thường tự trừng phạt mình một cách vô ý thức khi ngầm phá hỏng thành công của chính mình.
Khi Ca-in phạm tội, mặc cảm tội lỗi của ông đã lôi kéo ông ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và Chúa phán, “Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất” (Sáng-thế ký 4:12). Đó là điều mô tả hầu hết mọi người thời nay-lang thang trong cuộc sống mà không có mục đích gì.
Chúng ta là những sản phẩm của quá khứ chính mình, nhưng chúng ta không cần phải làm tù nhân cho nó. Mục đích của Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Ngài đã biến một kẻ sát nhân tên Môi-se thành một nhà lãnh đạo, và một kẻ hèn nhát tên Ghê-đê-ôn thành một anh hùng can đảm, và Ngài cũng có thể làm những điều thật kỳ diệu trọn phần còn lại của cuộc đời bạn nữa.
Đức Chúa Trời là Đấng chuyên ban cho con người những khởi đầu mới. Kinh Thánh chép, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Thiên 32:1).
Nhiều người bị lèo lái bởi lòng oán giận
Họ cứ bám lấy những đau khổ của mình mà không bao giờ vượt qua chúng. Thay vì thoát khỏi nỗi đau của họ bằng sự tha thứ, họ nhắc lại nó hết lần này đến lần khác trong trí mình. Một số người bị lèo lái bởi lòng oán giận thường “câm lặng” và đè nén cơn giận của họ trong khi đó có một số người “nổi điên” và tuôn đổ nó lên những người khác. Cả hai phản ứng này đều không lành mạnh và không ích lợi gì.
Lòng oán giận luôn khiến bạn đau đớn nhiều hơn là người mà bạn oán giận. Trong khi người có lỗi với bạn có lẽ đã quên chuyện đó và tiếp tục sống, thì bạn cứ ôm lấy nỗi đau của mình, ghi nhớ mãi quá khứ.
Hãy nghe điều này: Những người đã làm bạn đau khổ trong quá khứ không thể tiếp tục làm bạn đau khổ nữa trừ khi bạn cứ tiếp tục bám lấy nỗi đau bằng lòng oán giận. Quá khứ của bạn là quá khứ! Không một điều gì có thể thay đổi được.
Bạn đang tự làm mình đau khổ bằng sự cay đắng mà thôi. Vì lợi ích của chính bạn, hãy học điều gì đó từ nó, và rồi bỏ nó đi. Kinh Thánh chép rằng, “Vì nổi sầu thảm giết người ngu muội, sự đố kỵ làm chết kẻ đơn sơ” (Gióp 5:2).
Nhiều người bị lèo lái bởi sự sợ hãi
Những sợ hãi này có thể là kết quả của một kinh nghiệm đau buồn, những mong muốn phi thực tế, lớn lên trong một gia đình khắt khe, hoặc khuyết tật về gen. Dù với bất cứ lý do nào, thì những người bị sự sợ hãi lèo lái thường bỏ lỡ những cơ hội lớn vì họ luôn sợ rằng mình sẽ thất bại. Thay vào đó, họ lựa chọn những gì có vẻ an toàn, tránh mạo hiểm và luôn cố gắng duy trì nguyên trạng.
Nỗi sợ hãi là một nhà tù tự tạo khiến bạn không thể trở thành điều mà Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành. Bạn phải chống lại nó bằng những vũ khí của đức tin và tình yêu thương.
Kinh Thánh chép, “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương” (I Giăng 4:18).
Nhiều người bị lèo lái bởi chủ nghĩa vật chất
Khao khát vật chất đã trở thành mục tiêu chính của cuộc đời họ. Sự thúc đẩy con người ta luôn muốn có nhiều hơn đặt nền tảng trên những quan niệm sai lầm rằng có nhiều hơn thì sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, và an toàn hơn, nhưng cả ba điều đó đều không đúng sự thật.
Của cải chỉ mang lại hạnh phúc ngắn ngủi. Bởi vì vật chất thì không thay đổi và cuối cùng chúng ta trở nên nhàm chán với nó và thế là muốn có những cái mới hơn, lớn hơn, tốt hơn. Việc tôi có nhiều hơn tức là tôi sẽ trở nên quan trọng hơn cũng chỉ là chuyện hoang đường. Giá trị của bản thân và giá trị thực không giống nhau.
Giá trị của bạn không thể quyết định bằng những của cải bạn có, và Chúa phán rằng những thứ có giá trị nhất trong cuộc đời là không có gì cả!
Một quan niệm sai lầm phổ biến nhất về tiền bạc đó là có nhiều tiền hơn thì sẽ được an toàn hơn. Không. Sự giàu có có thể mất đi trong phút chốc bởi tác động của nhiều yếu tố khác nhau ngoài tầm kiểm soát.
Sự an ninh thật chỉ có thể được tìm thấy nơi những gì không thể lấy khỏi bạn được-đó chính là mối tương giao của bạn với Đức Chúa Trời.
Nhiều người bị lèo lái bởi nhu cầu được chấp nhận
Họ để cho những mong muốn của cha mẹ, người bạn đời, con cái, thầy giáo hay bạn bè điều khiển cuộc đời họ. Nhiều người trưởng thành vẫn đang cố gắng tìm sự chấp nhận nơi những người cha người mẹ không thể nào làm cho hài lòng được.
Những người khác thì bị lèo lái bởi áp lực của những người đồng trang lứa với mình, luôn luôn lo lắng về điều người khác có thể nghĩ về mình. Thật không may là hễ ai chạy theo đám đông thì thường lạc mất trong đó.
Tôi không biết mọi chìa khóa dẫn đến thành công, nhưng một trong những chìa khóa dẫn đến thất bại chính là cố gắng làm vừa lòng mọi người. Để cho mình bị điều khiển bởi những quan điểm của người khác là con đường chắc chắn đưa bạn đến chỗ đánh mất những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn.
Chúa Jesus phán, “Chẳng ai được làm tôi hai chủ” (Ma-thi-ơ 6:24).
Có nhiều động cơ khác lèo lái cuộc đời của bạn, nhưng tất cả đều dẫn đến cùng một ngõ cụt: tiềm năng bị lãng phí, căng thẳng không cần thiết và một đời sống không đầy trọn.
Rick Warren