Oneway.vn – Khi nghĩ đến những người nam người nữ vĩ đại nhất trong Kinh Thánh, chúng ta thường nghĩ về Áp-ra-ham, Môi-se, Đa-vít, Sa-ra, Ru-tơ, Ê-li, Phi-e-rơ và Phao-lô.
Thế nhưng, Chúa Jesus phán rằng trong những người do người nữ sinh ra, không ai cao trọng hơn Giăng Báp-tít (Xem Ma-thi-ơ 11:11)
Điều gì khiến cho Giăng Báp-tít nổi bật mà Chúa Jesus kể ông là con người vĩ đại nhất tại thời điểm đó?
1. Giăng Báp-tít là người đầy dẫy Đức Thánh Linh
“Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ.” (Lu-ca 1:15).
Nhiều Cơ Đốc nhân có khuynh hướng đánh giá thấp vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống.
Cơ Đốc nhân cần nhận biết rằng chính Đức Thánh Linh khiến chúng ta tin Chúa Jesus và bằng lòng quỳ gối ăn năn và tiếp nhận Ngài. Chính Đức Thánh Linh hành động trong đời sống người Cơ Đốc để uốn nắn chúng ta theo hình ảnh của Đấng Christ. Và cũng chính Ngài là Đấng cầu thay và Biện Hộ cho chúng ta.
Thật vậy, không tín hữu nào sống thành công nếu tách ra khỏi năng quyền của Đức Thánh Linh. Mỗi tín hữu được Thánh Linh ngự vào lòng khi tiếp nhận Chúa, nhưng không phải ai cũng được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Đầy dẫy Đức Thánh Linh là sẵn sàng để Chúa kiểm soát mọi lãnh vực của đời sống, muốn làm vinh hiển Đức Chúa Trời trong mọi sự, và tận tâm làm theo ý muốn Chúa.
Andrew Murray, nhà văn, giáo sư và cũng là mục sư người Nam phi từng viết, “Ước mong không giây phút nào trong cuộc đời tôi ở ngoài ánh sáng, tình yêu và niềm vui của sự hiện diện của Đức Chúa Trời và không giây phút nào mà không hoàn toàn thuận phục chính mình như chiếc bình cho Chúa để Ngài đổ đầy Thánh Linh và tình yêu Ngài vào.”
2. Giăng Báp-tít sống cuộc đời khác biệt
“Vả, Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng” (Math 3:4).
Ngày nay, nhiều người ra sức chạy theo sự thành công, sự công nhận, và danh vọng theo sự mời gọi của thế gian. Khi sống khác biệt với văn hóa của thế gian để chuẩn bị cho mục vụ, Giăng Báp-tít sống đời sống kỷ luật, nghiêm khắc bản thân, và không đồng hóa với thế gian để ông có thể nói mạnh mẽ và rõ ràng cho dân chúng thời đó với lòng nhiệt thành.
Giăng Báp-tít chọn vâng theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời, thưa “Vâng!” với Sứ mạng của Chúa.
Hay nói cụ thể, Giăng sống tập trung vào mục đích mà Đức Chúa Trời hoạch định và đã theo đuổi mục đích đó với cả tấm lòng và cuộc đời của mình. Cơ Đốc nhân cần hình thành đời sống mình từ cách nhìn thuộc thiên đàng, chứ không dựa trên quan điểm của thế gian.
3. Giăng Báp-tít là người lãnh đạo mạnh mẽ và khiêm nhường
Giăng Báp-tít không sống vì dư luận hoặc những ý kiến của người khác, nhưng sống đầy lòng thương cảm khi nhìn thấy những người khác bằng lòng ăn năn, đi theo Đấng Christ. Nhiều người đi theo Giăng Báp-tít, đến nghe ông giảng, nhưng ông không để điều đó khiến ông tự cao và ích kỷ.
Giăng giảng về sự ăn năn tội lỗi và chỉ người khác đến Đấng Cứu Thế mà ông biết mình cũng cần. Lòng khiêm nhường và vâng phục mô tả đời sống và chức vụ của Giăng như vầy, “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-têm cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.” (Ma-thi-ơ 3:11)
4. Giăng Báp-tít thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời
Giăng Báp-tít sống chỉ để hướng người khác đến Đấng Christ, và thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhiều người hỏi Giăng thật sự là ai. Họ thắc mắc liệu ông có phải là Đấng Mết-si-a, hay Ê-li, hay một tiên tri giả. Thế nhưng, Giăng trả lời rõ ràng và mạnh mẽ là không, và hướng người khác đến với Đấng Christ.
Sứ mệnh của ông chỉ hướng mọi người đến Đấng Cứu Thế của chúng ta. Thật vậy, ngay cả sau những ngày Giăng làm phép báp-têm cho chính Chúa Jesus theo lời đề nghị của Chúa tại sông Giô-đanh, cuộc tranh cãi giữa các môn đồ của Giăng xảy ra khi họ thấy nhiều người bắt đầu đi theo Chúa Jesus vì lòng ganh tỵ khiến họ bối rối.
Thế nhưng, Giăng Báp-tít không nghĩ đến “sự thành công” trong mắt của người thế gian. Giăng biết rằng đây không phải là cuộc đua tranh sự ưa chuộng, mến mộ của con người.
Mục đích của ông vẫn rõ ràng, “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3: 30).
Ước mong cuộc đời và sứ mạng của Giăng Báp-tít ảnh hưởng lớn trên mỗi Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay. Muốn thật hết lòng!
Anne Phạm
Leave a Reply