Oneway.vn – Một cuộc chiến sẽ được khơi dậy lần nữa trong mùa Giáng Sinh này, cuộc chiến cấp thiết hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là chào hay chúc nhau “Giáng Sinh an lành” hay “Chúc mừng Giáng Sinh”.
Đối với các tín hữu Cơ Đốc, thách thức thật sự là điều gì đó hoàn toàn khác. Nó là một cuộc chiến trong tấm lòng chúng ta, niềm vui cũng như sự thờ phượng của chúng ta.
Tôi không phải là kẻ bần tiện. Tôi yêu thích Lễ Giáng Sinh, ngay cả khi chúng ta làm những điều ngớ ngẩn mà ít liên quan đến sự Giáng Sinh của Đức Chúa Jesus. Tôi không phải kiểu người đồng ý rằng “Giáng Sinh là một kỳ nghỉ của người ngoại đạo”. Tuy nhiên chúng ta phải biết những gì đang ngăn trở chúng ta trong mùa Vọng này. Hầu như mọi quảng cáo, chương trình truyền hình đặc biệt và các bộ phim kinh điển đều có vẻ đem lại cho chúng ta một thực tế sai lầm. Những điều này cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ sum vầy bên gia đình, người thân trong khi chúng ta cắt những lát thịt xông khói và kết thúc bằng những tiếng cười đong đầy niềm vui thuần khiết. Có một cảm giác len lỏi trong chúng ta về thời điểm này trong năm và chúng ta thật sự yêu cảm giác ấy.
Nhưng khi chúng ta bắt đầu kỷ niệm càng sớm, chúng ta phải tự vấn chính mình rằng: Điều chúng ta thật sự muốn từ mùa Vọng này là gì? Chúng ta đang đặt niềm hy vọng và sự trông cậy của mình vào điều gì để có một mùa Giáng Sinh vui vẻ, phước hạnh? Chúng ta mong ước có điều gì để Giáng Sinh trở nên thời điểm yêu thích trong năm? Hàng ngàn những câu trả lời ẩn giấu (hoặc công khai) đang đi ngược với lời Thánh kinh: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta” (Isaiah/Ê sai 9:5).
Cuộc chiến của chúng ta là phải đặt xuống tất cả mọi tính thương mại công nghiệp và vật chất để thật sự kinh nghiệm được Đức Chúa Jesus Christ, Đấng cứu rỗi, Ngài đã đến và Ngài sẽ trở lại.
“Chúng ta mong ước có điều gì để Giáng Sinh trở nên thời điểm yêu thích trong năm?”
Ít vui vẻ hơn chúng ta hy vọng
Khi chúng ta dời đổi ý nghĩa thật sự của Giáng Sinh, chúng ta tìm kiếm những điều khác với “Tin lành, một sự vui mừng lớn” (Luke/Lu ca 2:10), chúng ta mong ước những điều xa vời mà sẽ không bao giờ đến. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, đầy tội lỗi.
Điều gì đó đã diễn tiến sai trật trong bạn, trong tôi và trong cả vũ trụ này. Điều gì đó đã bị phá hủy và đổ vỡ. Sự phân cách giữa nhân loại với Đức Chúa Trời dẫn chúng ta đến với sự đổ vỡ làm gãy đổ các hệ thống chúng ta đã xây dựng, trong các doanh nghiệp chúng ta lãnh đạo và trong gia đình chúng ta được nuôi dưỡng. Thật, chúng ta không có bất kỳ năng lực nào để tự cứu lấy mình. Không có bất kỳ nguồn sức mạnh hay sự giáo dục nào sẽ mở ra sự hòa bình trên đất (hay trong những đại gia đình của chúng ta).
Thay vì lẫn tránh thực tế này, đây chính là bối cảnh khiến ý nghĩa thật của Giáng Sinh không thể thay thế được. Niềm vui Giáng Sinh, niềm hy vọng của Cơ Đốc nhân, một con trẻ được ban cho chúng ta trong tình yêu (Giăng/John 3:16), Ngài được gọi là “Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Đức Chúa Trời Quyền năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An” (Isaiah 9:6). Một Đấng Cố vấn kỳ diệu cho những ai đang đắm chìm trong nỗi thống khổ và lầm đường lạc bước. Một Đức Chúa Trời quyền năng có thể cứu chuộc dân sự của Ngài thoát khỏi tội lỗi vấn vương họ trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. Ngài là Cha Đời Đời – không phải thay thế cho Ngôi thứ nhất – Đức Chúa Cha trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà là noi theo Cha Thiên thượng chăm sóc con dân Ngài. Chúa Bình An đẩy lùi chiến tranh và mở ra hòa bình mà không một chính phủ, hiệp ước hay tổng thống nào có thể: sự bình hòa với Đức Chúa Trời qua chính Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài.
Để không đánh mất ý nghĩa và tầm quan trọng của Đấng Christ trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta phải lắng lòng, suy ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc về sự vui mừng lớn của Tin Lành đã được ban cho trong thế giới đầy đổ vỡ này. Có thể chúng ta sẽ cảm thấy thật ngược đời khi xem xét sự đổ vỡ của chúng ta trong suốt “khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm này”. Tuy nhiên, thay vì chỉ để bản thân mình xao nhãng với những ánh đèn sáng rực, dây kim tuyến và những cây thông Giáng Sinh – những điều thật ra không mang bản chất xấu – chúng ta nên suy ngẫm và xét lại thực tế tội lỗi để nhắc nhớ vì sao chúng ta cần Đấng Cứu Rỗi hạ giáng nơi tối tăm để chúng ta kinh ngạc nhận ra rằng Ánh sáng Thiên đàng đã giáng trần.
Chuộc mua niềm hy vọng của chúng ta
Vì vậy, để Đấng Christ làm trọng tâm thật trong các mùa Giáng Sinh của mình, chúng ta hãy suy xét những tin tức xấu đã khiến cho tin tốt lành trở nên tuyệt diệu. Tuy nhiên chúng ta không nên chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta cũng cần xây lại niềm hy vọng.
Thậm chí đối với xã hội rộng lớn hơn của chúng ta, mùa Vọng này cũng được đặt nền tảng trên niềm hy vọng. Theo thời gian, bạn tráo đổi những ánh đèn bên ngoài, bạn đặt tại đó một cây thông Giáng Sinh, bạn đặt những hộp quà bên dưới cái cây và mọi điều đó bày tỏ kỳ vọng về mùa Giáng Sinh. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng cũng vậy, Đức Chúa Trời, Đấng đã hứa rằng Đức Chúa Jesus đến trong lần thứ nhất để chiến thắng và cứu chuộc con dân Ngài, Ngài cũng sẽ trở lại và đem chúng ta về nhà. Chúng ta kỷ niệm Giáng Sinh đầu tiên bởi lẽ chúng ta đang sống trong niềm hy vọng và nhận biết rằng rồi mai đây Chúa Jesus sẽ trở lại trong lần thứ hai.
Trong sự Giáng Sinh lần thứ nhất, Đức Chúa Jesus Christ đã hạ giáng trong hình hài một em bé nằm trong máng cỏ để mở ra vương quốc của Ngài cho nhân loại. Khi Chúa Jesus tái lâm, Ngài sẽ khép lại vương quốc ấy và hoàn tất chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Đấng Christ sẽ không còn đến trong hình hài một em bé bọc khăn nằm trong máng cỏ nữa mà là một Đấng quang lâm với một danh hiệu được đề trên đùi và một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra (Revelation/Khải Huyền 19:15-16).
Cứu Chúa của chúng ta sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết, để làm mới lại mọi điều. Khi Ngài quay trở lại, sau cùng Đấng Christ sẽ biến hóa tấm lòng và thế giới này. Cuối cùng Ngài sẽ hoàn thành sửa lại những gì đã đổ vỡ. Từ tử cung người nữ, đến máng cỏ và rồi ngôi mộ trống đã lấp đầy trong mỗi chúng ta một niềm vui lớn bởi vì lý do đơn giản này: Ngài sắp trở lại. Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết rằng Đấng Christ sẽ quay trở lại một lần nữa. Ngài vì yêu mà hạ giáng từ trời xuống đất, hy sinh thân mình, thậm chí chết như một tử tội trên thập tự giá để đem những con người bất xứng chúng ta từ đất lên trời. Thật vậy, Ngài phó sự sống mình để được lấy lại (John/Giăng 10:14-18). Ngài cũng sẽ nhất định trở lại để đem chúng ta về với Ngài (John 14:1-3). Chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm Đức Chúa Jesus Christ Giáng Sinh vì biết rằng một ngày nào đó sẽ được gặp Chúa mặt đối mặt và được ngợi khen Ngài.
“Chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm Đức Chúa Jesus Christ Giáng Sinh vì biết rằng một ngày nào đó sẽ được gặp Chúa mặt đối mặt và được ngợi khen Ngài”.
Quay trở lại với mùa Vọng
Trong dòng chảy quay cuồng của chủ nghĩa thương mại và tiêu thụ mùa Giáng Sinh, trong nhịp sống hối hả và của sự mua sắm, du lịch và tụ họp chúng ta cần thả neo thôi, phải dừng lại. Bên cạnh đó, tôi tin rằng một cái neo là điều cần thiết cho sự thực hành mùa Vọng. Mùa truyền thống này của Cơ Đốc nhân gợi nhắc chúng ta suy ngẫm về sự đổ vỡ trong lòng và thế giới này cũng như sống trong niềm trông cậy một ngày mọi sự đổ vỡ bị xóa bỏ một lần và mãi mãi khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm.
Đó là cuộc chiến thật sự và ẩn giấu trong mùa Giáng Sinh này. Nó không phải là những cuộc chiến về quan điểm chính trị nhưng là một sự nỗ lực tập chú và đầy đam mê để quay về với ý nghĩa thật trong mùa Giáng Sinh thay vì để mình bị cuốn đi bởi những món quà và sự trang trí. Thay vì để mình đắm chìm trong những cảm xúc mùa Vọng, chúng ta hãy học biết giá trị thật sự và tập chú, tận hưởng sự vui thỏa trong Hài Nhi hạ giáng, Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa chúng ta.
Tố Quyên dịch
Nguồn: desiringgod.org
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!