Đánh bại cảm giác trì trệ khi ‘kẻ thù COVID’ xâm chiếm tâm hồn

Oneway.vn – Khi chuyển sang năm 2021, chúng ta đều hy vọng rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn. 

Và trong thời gian đầu, điều đó có vẻ đầy hứa hẹn – chúng ta có thể đi ăn tối cùng nhau, thờ phượng cùng nhau, thậm chí còn chuẩn bị đi du lịch. Chúng ta đều sôi sục trong niềm phấn khích! Cuộc sống dường như đã trở lại như trước đây.

Nhưng gần đây, các chủng COVID mới lại bùng phát, vô số ca bệnh nặng và cách ly xã hội nghiêm ngặt đã khiến chúng ta nghẹt thở. Và không chỉ COVID-19, còn có các vụ nổ súng hoành hành ở Mỹ, cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, xung đột Israel-Palestine vẫn đang diễn ra…

Cảm giác như thế giới đang quay cuồng ngoài tầm kiểm soát, và thật khó để gạt bỏ cảm giác bất lực, lo lắng và kiệt sức.

Chúng ta cảm thấy mình đang bị mắc kẹt trong một thời kỳ bất ổn, mất quyền kiểm soát cuộc sống mình, không biết bao giờ thế giới mới trở nên tốt đẹp hơn, hoặc liệu chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây hay không. Chúng ta phải làm gì để đánh bại cảm giác trì trệ và tiếp tục phát triển trong giai đoạn đầy bất ổn này?

 

  • 1. Nghỉ ngơi trong một không gian an toàn

 

Với tình trạng hiện tại của thế giới, chúng ta không thể đi chơi hoặc du lịch khi cần được nghỉ ngơi. Nhưng như Vua Đa-vít nhắc nhở chúng ta trong Thi-thiên 62: 5-8, nghỉ ngơi không chỉ là tìm kiếm một không gian vật chất (hoặc thoát khỏi một không gian nào đó), mà là học cách dành không gian tâm linh cho Đức Chúa Trời. Nơi mà chúng ta có thể ẩn náu khi gặp khó khăn, và tìm thấy sự bình an không gì lay chuyển được, vượt quá mọi sự hiểu biết (Phi-líp 4:6):

“Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời; Vì sự trông cậy ta ở nơi Ngài. Chỉ một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi, và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động. Sự cứu rỗi và sự vinh hiển tôi ở nơi Đức Chúa Trời; Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình cũng đều ở nơi Đức Chúa Trời. Hỡi bá tánh, khá nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn, hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta.” (Thi Thiên 62:5-8)

Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi và chai sạn, tại sao không “dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài” (câu 8)? Hãy thừa nhận sự xáo trộn nội tâm, nỗi thất vọng, sợ hãi và hối tiếc đang khuấy động trong lòng chúng ta, và để Ngài dẫn chúng ta đến “đồng cỏ xanh tươi” và “mé nước bình tịnh” (Thi thiên 23:2) để chúng ta tìm thấy sự yên nghỉ và sảng khoái cho tâm hồn chúng ta.

 

  • 2. Cân bằng giữa tin xấu với tin tốt

 

Nếu tất cả những gì chúng ta quan tâm chỉ là tin xấu, thì không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy mình giống như một vũng nước u ám.

Nhà thần học Karl Barth đã viết, “Hãy lấy Kinh thánh và lấy tờ báo ra, rồi đọc cả hai. Nhưng hãy giải thích tin tức trong tờ báo bằng Lời Kinh thánh”.

Nếu tất cả những tin tức xấu, bài báo tiêu cực hoặc bình luận độc hại trên mạng xã hội đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, hãy tắt thông báo và đặt điện thoại của bạn sang một bên. Hãy dành chút thời gian để đắm mình trong Tin Lành của Kinh thánh, để được nhắc nhớ về một Đức Chúa Trời quyền năng, thành tín, nhân lành và hoàn toàn tể trị trong suốt lịch sử nhân loại.

 

  • 3. Sống hết lòng  

 

Có thể chúng ta cảm thấy bế tắc về thể chất hoặc cảm xúc, nhưng không có nghĩa là phải trì trệ về mặt tâm linh. Mặc dù những việc đang diễn ra là chưa từng có đối với chúng ta, nhưng sách Truyền đạo nhắc nhở chúng ta rằng “chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” (Truyền đạo 1:9). Các thế hệ trước đã phải chịu đựng các đợt bùng phát cúm, chiến tranh thế giới, các thảm họa thậm chí còn kinh khủng hơn. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng điều gì cũng có thời điểm của nó, và một ngày nào đó, đại dịch này sẽ chỉ còn là quá khứ.

Mặc dù tương lai có vẻ bấp bênh, nhưng chúng ta vẫn có thể tận dụng tối đa thời gian này để khám phá mục đích của Chúa. Chúng ta có thể suy ngẫm về những câu hỏi sau để sống có chủ đích hơn trong giai đoạn này:

Bạn có kế hoạch gì để gây dựng cuộc sống ý nghĩa hơn sau khi đại dịch qua đi?

Bạn muốn ghi nhớ điều gì khi nhìn lại quãng thời gian này?

Bạn muốn Lời Chúa hình thành thói quen, quyết định và lối sống của mình như thế nào?

 

  • 4. Nhắc nhau rằng Chúa vẫn đang làm việc trong đời sống

 

Khi dịch bệnh và khó khăn hoành hành, thật khó để đếm những phước lành Chúa ban hoặc tin rằng Chúa vẫn đang hành động trong đời sống mình.

Nhưng chính trong những thời điểm khó khăn này, chúng ta càng phải duy trì kết nối với cộng đồng tâm linh và với Chúa. Nếu có một người bạn cũ gọi cho bạn, tại sao không tham gia và tận dụng cơ hội này để cầu nguyện cho nhau? Không gì bằng khi có người chia sẻ gánh nặng và cầu thay để nhắc nhở rằng bạn không đơn độc.

Hãy trò chuyện với bạn bè hoặc bạn cùng nhóm trong Hội thánh để giúp nhau nhận thấy rằng Đức Chúa Trời vẫn đang làm việc “đằng sau hậu trường”, và hãy sử dụng những ngày khó khăn này để củng cố đức tin, cũng như hun đúc và hoàn thiện bản thân để ngày càng trở nên giống Chúa hơn (Rô-ma 5: 3-4).

Hãy dành thời gian để hỏi nhau những câu hỏi suy ngẫm:

Tấm lòng và đức tin của bạn ra sao trong mùa dịch này?

Bạn đang thực sự gặp khó khăn gì trong thời gian này?

Tôi có thể làm điều gì thiết thực để giúp đỡ bạn không?

Có thể chúng ta không có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình, nhưng chắc chắn chúng ta có thể nương cậy vào công việc của Đức Chúa Trời và mời Ngài kiểm soát hoàn toàn cuộc sống mình.

 

  • 5. Hãy gắn bó với những gì mang lại cho bạn niềm vui

 

Với xã hội đang thắt chặt hạn chế hiện nay, chúng ta cần những điều đơn giản để thắp sáng những ngày buồn chán ở nhà. Có thể là đọc nốt những cuốn sách mới mua hay hoàn thành bộ lắp ráp 1000 mảnh.

Bây giờ cũng có thể là lúc để bắt đầu một sở thích mới, thử làm một món ăn mới hoặc học một kỹ năng mà bạn chưa đạt được vào năm ngoái! Sống với những niềm vui nhỏ bé này sẽ giúp chúng ta tiếp tục phát triển và mang lại những điều mới mẻ trong cuộc sống tại nhà. Biết đâu bạn có thể khám phá ra những tài năng bí mật hoặc ân tứ tiềm ẩn mà Chúa đã ban tặng cho bạn!

 

  • 6. Giúp đỡ và dâng hiến 

 

Giờ là lúc chúng ta nên gạt bỏ tư lợi sang một bên và tìm cách lan tỏa tình yêu thương Chúa cho người khác (Phi-líp 2:4). Hãy dành thời gian quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bạn bè, lắng nghe họ tâm sự, hoặc gửi thức ăn cho một gia đình đang gặp khó khăn, và giúp các em nhỏ học tập tại nhà.

 

  • 7. Thiết lập một nhịp sống phù hợp

 

Làm việc tại nhà khiến chúng ta khó tách biệt không gian cá nhân và không gian làm việc, nhưng không có nghĩa là chúng ta luôn phải vùi đầu vào công việc bất cứ khi nào có thể. Thật ra, trong những thời điểm đầy thách thức và không thể đoán trước được, chúng ta nên thiết lập một thời gian biểu phù hợp để giảm căng thẳng và kiểm soát đời sống mỗi ngày.

Hãy dành thời gian để xây dựng một thói quen phù hợp với bạn, và đảm bảo đặt ra ranh giới phù hợp, làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ.

Bạn có thể viết nhật ký hoặc ghi lại những mục tiêu đã đạt được trong một ngày, hoặc những điều bạn cảm thấy biết ơn. Những thành tựu này có vẻ nhỏ nhặt, nhưng khi nhìn lại những gì đã làm, chúng ta sẽ thực sự thấy Chúa ở cùng chúng ta mỗi ngày và chu cấp cho mọi nhu cầu chúng ta (Thi thiên 103: 2).

Quan trọng nhất, đừng quên cầu nguyện (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16-18)! Lời cầu nguyện giúp chúng ta nhớ Đấng thực sự kiểm soát cuộc sống mình, và biết rằng cuộc đời mình nằm trong tay Đức Chúa Trời. Đấng vẫn đang kiểm soát mọi sự sẽ giúp chúng ta vượt qua giai đoạn bấp bênh này (Truyền đạo 3: 11-13). Vâng, hãy tiếp tục hy vọng nơi Ngài!

Bài: YMI; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: ymi.today)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *