Đánh mất điều gì khi không đến nhà thờ nghe giảng trực tiếp?

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có khoảng một phần tư người Mỹ trưởng thành thường xuyên nghe giảng trực tuyến mà không đến nhà thờ. Lý do là sự tiện lợi và an toàn.Nghe giảng trực tiếp tại nhà thờ hay nghe giảng gián tiếp qua màn hình điện thoại, vi tính – liệu hai điều này có gì khác nhau?

Tại sao các bài giảng cần phải được ban phát trước hội chúng, trong cùng một thời điểm và địa điểm cụ thể? Xét cho cùng, có rất nhiều phương tiện để truyền đạt thông tin cơ mà?

Mục sư có thể gửi nội dung bài giảng qua email cho tín đồ đọc khi rảnh rỗi. Như trong thời kỳ đại dịch, Mục sư có thể tự ghi âm bài giảng và gửi cho hội chúng nghe. Liệu những phương cách truyền đạt Lời Chúa này có giá trị tương đương với việc giảng dạy trực tiếp hay không? Liệu rằng đây chỉ là vấn đề về sở thích cá nhân, hoặc do những định kiến về việc giảng dạy dần hình thành trong hội chúng?

Một số người tin rằng chẳng mất mác gì nếu tín đồ chọn nghe giảng trực tuyến và không nhóm họp tại nhà thờ. Nhưng thật ra, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều điều nếu không đến nhà thờ nghe giảng trực tiếp cùng với các tín đồ khác.
Hãy tập trung vào yếu tố thường bị phớt lờ nhất: chức năng thiết yếu của bài giảng là khắc phục các “vấn đề phối hợp” thông qua việc truyền đạt kiến thức chung.

“Vấn đề phối hợp” là khi một cá nhân cần tham gia vào một hoạt động nhóm và mong muốn mọi người cùng tham gia với mình. Ví dụ như ban hát dự định hát một bài Thánh ca trong buổi thờ phượng Chúa Nhật sắp tới. Mọi người trong ban hát đều hoàn thành được mục tiêu nếu tất cả hòa thanh cùng một bài Thánh ca – cùng nhau xướng lên một bản nhạc du dương giúp buổi thờ phượng thêm phần sống động. Tuy nhiên, có rất nhiều bài Thánh ca để lựa chọn, và mỗi thành viên ban hát sẽ chọn bài nào mà họ mong muốn những người khác cùng hòa thanh mình.

Đây là “vấn đề phối hợp”, bởi vì tất cả các thành viên ban hát đều đạt được mục đích nếu họ phối hợp (cùng nhau xướng lên một bản nhạc hay), nhưng họ cần phải cân nhắc lựa chọn của mình (hát bài Thánh ca nào).

Nếu không phối hợp và mỗi người tập một bài Thánh ca khác nhau, kết quả giọng hát của họ sẽ không thể hòa hợp trong buổi thờ phượng, khiến cả hội chúng cảm thấy bối rối.

Điều cần thiết để giải quyết vấn đề của ban hát chính là kiến thức chung: không chỉ một vài người biết về bài Thánh Ca được chọn, mà tất cả mọi người đều phải biết thông tin đó. Vấn đề phối hợp này có thể được giải quyết dễ dàng, khi trưởng ban công khai thông báo cho tất cả các thành viên biết cần phải tập bài Thánh ca nào. Nhờ vậy, ai cũng biết rằng mọi người đều biết mình sẽ hát bài nào.

Theo cách tương tự, bài giảng là một phương pháp truyền đạt sứ điệp chung cho một nhóm tín đồ địa phương. Với tư cách là một cộng đồng, Hội Thánh địa phương thường gặp vấn đề phối hợp: Tuần này, tất cả mọi người cần tập trung chú ý và nỗ lực vào điều gì với tư cách là một hội chúng? Bài giảng chính là phương pháp mà Kinh Thánh quy định nhằm tập trung sự chú ý và nỗ lực của một cộng đồng tin cậy nơi Cứu Chúa Jêsus Christ. Và yếu tố đặc biệt giúp bài giảng làm được điều này chính là hành động áp dụng của hội chúng.
Như Michael Lawrence đã giải thích: “Một bài giảng mà không được áp dụng thì chẳng phải là bài giảng gì cả, mà chỉ là một bài thuyết trình về Kinh Thánh”.

Như Ben Aubrey đã nói, cách để xác định tính ứng dụng của một bài giảng là: “Bài giảng có thuyết phục tâm trí, lay động cảm xúc, phơi bày tấm lòng và thỏa mãn khao khát của người nghe hay không, lẽ thật Kinh Thánh được rao giảng có động chạm cách cá nhân để người nghe ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của họ hay không?” Tuy nhiên, một bài giảng không dành cho mỗi cá nhân chung chung, mà dành cho một cộng đồng tín đồ cụ thể.

Do đó, hiệu quả của một bài giảng phụ thuộc vào hiệu ứng cộng đồng. Nếu những người trong hội chúng biết nhau và tương tác với nhau, mối quan hệ của họ có thể thay đổi thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm sau khi nghe bài giảng. Như Kevin Simler nói, hành động của người nghe sau khi nghe giảng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực, nghĩa là một người tiếp thu sứ điệp của bài giảng sẽ mang lại lợi ích cho những người khác.

Chẳng hạn, bài giảng về 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11 có thể được áp dụng để khích lệ lẫn nhau. Nếu được áp dụng hiệu quả, bài giảng sẽ cung cấp nguồn kiến thức chung giúp cả hội chúng phối hợp hành động để cùng áp dụng lẽ thật này. Cá nhân mỗi tín đồ được nhắc nhở rằng họ nên khích lệ những người khác, đồng thời họ biết rằng những tín đồ khác cũng đã nghe và tiếp thu cùng một sứ điệp với họ. Điều này tạo ra một hiệu ứng dây chuyền: những người đến nhà thờ có nhiều khả năng áp dụng bài giảng hơn vì họ biết người khác cũng sẽ áp dụng như họ.

Mọi người thường bỏ qua mục đích này của bài giảng, vì chúng ta dùng chủ nghĩa cá nhân để nhìn nhận việc giảng dạy cũng như các khía cạnh khác của sự thờ phượng.

Chúng ta thường nghĩ về việc áp dụng bài giảng một cách cá nhân, thay vì với tư cách là một hội chúng. Các bài giảng thực sự là công cụ mà Đức Chúa Trời sử dụng để nuôi dưỡng mỗi tín đồ trở nên giống với hình ảnh Chúa Jêsus.

Tuy nhiên, Chúa cũng muốn mỗi tín đồ trở thành thành một phần của cộng đồng Cơ Đốc. Chúng ta thấy điều này qua chính Kinh Thánh vì hầu hết các thư tín trong Tân Ước đều hướng đến các Hội Thánh hơn là từng cá nhân.
Chúng ta sẽ đánh mất điều gì không không đến nhà thờ để nghe giảng trực tiếp?

Khi một người thường xuyên nghe giảng trực tuyến mà không đến nhóm họp với Hội Thánh, kiến thức chung và kinh nghiệm cộng đồng sẽ bị mất đi. Tác động của bài giảng đối với cá nhân người nghe trở nên giống một bài thuyết trình hơn.

Simler nói, trong khi cả bài giảng và bài thuyết định đều là hình thức giao tiếp “một người – nhiều người”, một bài thuyết trình sẽ nghiêng về truyền đạt kiến thức đến từng cá nhân một cách riêng lẻ. Những thông tin như vậy có thể hữu ích, và thậm chí mang tính gây dựng.

Nhưng chúng ta nên thừa nhận rằng phương tiện trực tuyến đã biến bài giảng từ một sứ điệp dành cho cộng đồng thành một thông điệp dành cho cá nhân. Đó không còn là “bài giảng” mà đã trở thành một “bài thuyết trình”. Rốt cuộc, chúng ta vẫn cần nghe “bài giảng”, bởi vì chúng ta cần là một phần của cộng đồng.

Trong thời kỳ đại dịch, vì những lo ngại về sự an toàn và lợi ích của hội chúng, Hội Thánh đã phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Tương tự, sẽ luôn có những người vì bệnh tật hoặc chấn thương mà không thể đến nhà thờ nghe giảng. Nhưng nếu có khả năng đến nhà thờ cần phải ghi nhớ mệnh lệnh của Chúa trong Hê-bơ-rơ 10:25: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Chúng ta nên cố gắng hết mình để làm đúng theo ý muốn của Chúa – nghe giảng trực tiếp, cùng với các tín đồ khác.

Bài: Joe Carter; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *