Đặt qua một bên nỗi lo về sự khó nhọc ngày mai

Oneway.vn: Lo lắng về ngày mai sẽ giết chết đức tin của chúng ta ngày hôm nay. Cũng vậy, có đức tin ngày hôm nay nghĩa là chúng ta sẽ tiêu diệt được nỗi lo lắng về ngày mai.

Đó là lý do vì sao Chúa Giê-xu phán: “Vậy các ngươi đừng quá lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ có những việc để lo trong ngày mai. Ngày nào có khó nhọc đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34).

Lo lắng về những điều chúng ta không chắc, cũng như không có thực về tương lai thường là gánh nặng. Đây là gánh nặng mà Chúa Giê-xu không muốn chúng ta mang lấy, vì nó không phải việc của chúng ta. Đó là gánh của Chúa, và với Ngài nó rất nhẹ nhàng.

Trong lời răn này, Chúa Giê-xu muốn chúng ta mang một ách dễ dàng hơn (Ma-thi-ơ 11:30).  Ngài chỉ cho chúng ta cách đặt gánh nặng khó mang của tương lai qua một bên (Hê-bơ-rơ 12:1), bằng cách giải thoát chúng ta để chúng ta chỉ lo lắng về khó nhọc của ngày hôm nay.

Nơi duy nhất để chúng ta kinh nghiệm ân điển

con đường lá vàng

Ân điển trong quá khứ của Đức Chúa Trời qua sự sống, sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ cho chúng ta là điều quý giá không thể diễn tả bằng lời, vì điều đó mang lại mọi ích lợi cho chúng ta bây giờ và đời đời. Ân điển trong tương lai của Chúa, tất cả những gì Ngài hứa chu cấp cho chúng ta trong tương lai, cũng là điều quý giá không tả xiết vì điều đó cho chúng ta đức tin để giúp chúng ta tiếp tục bước đi với niềm vui và sự khích lệ.

Nhưng nơi duy nhất để chúng ta kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời chính là hiện tại.

Ân điển mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta hôm nay là cho những nhu cầu của ngày hôm nay, hay như Chúa Giê-xu nói, khó nhọc là của ngày hôm nay. Trong Ma-thi-ơ 6:34, cũng như Giăng 16 :33, Chúa Giê-su nói rằng mỗi ngày chúng ta đều sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, như mục sư John Piper nói, “Khó nhọc của ngày mai không được tạo ra để chúng ta giải quyết bằng ân điển của ngày hôm nay.”  Ân điển của Chúa sẵn có cho chúng ta hôm nay hoàn toàn đủ cho những khó nhọc của hôm nay (2 Cô-rinh-tô 9:8). Đó là lý do Chúa Giê-xu muốn chúng ta tập trung vào ngày hôm nay.

Nhưng Sa-tan, cũng như sự không tin của chúng ta, muốn chúng ta tập trung vào tương lai – không phải tương lai thật được mô tả trong lời hứa của Chúa, mà là một tương lai tưởng tượng do nỗi sợ của chúng ta tạo ra. Từ bối cảnh lời răn của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 6:19-34), chúng ta biết đây là vấn đề Ngài đang nói đến: Nỗi sợ do hoang tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ không chu cấp cho mình.

Nỗi lo về ngày mai sẽ làm rối loạn cuộc sống khi chúng ta để nó kiểm soát mình. Điều đó khiến chúng ta xao lãng khỏi sự ban cho đầy ơn của Chúa hôm nay, để sợ hãi một tương lai vô thực. Điều đó khiến chúng ta định hướng sai, thay vì tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, thì chúng ta tìm kiếm sự bảo vệ của thế gian khỏi tương lai mà chúng ta sợ hãi (Ma-thi-ơ 6:19-20;33).

Chúa Giê-xu không nói…

Chúa Giê-xu không nói rằng chúng ta không nên có sự chuẩn bị cho tương lai. Chúng ta biết điều này vì trong một vài câu Ngài nói rằng, “hãy tích trữ … của cải trên thiên đàng” (Ma-thi-ơ 6:19-20). Ngài chỉ muốn chúng ta chuẩn bị cho một tương lai đúng đắn – một tương lai duy nhất tối quan trọng.

Chúa Giê-xu cũng không nói rằng chúng ta không nên lên kế hoạch cho tương lai. Khi Ngài nói chúng ta xem loài chim và loài hoa huệ, Ngài không nói, “đừng lên kế hoạch” (Ma-thi-ơ 6:26,28). Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta về sự quan phòng của Đức Chúa Cha; Chúa có đủ quyền năng để chu cấp mọi nhu cầu cho tạo vật của Ngài, chúng ta không nên phí phạm cuộc đời ngắn ngủi làm thay công việc của Ngài. Ở đây có sự phân chia việc làm, chúng ta phải tập trung vào công việc mở mang nước Chúa (Giăng 15:16; Ê-phê-sô 2:10); còn Đức Chúa Cha thì chu cấp mọi nhu cầu chúng ta cần (Ma-thi-ơ 6:33).

Chúa Giê-xu muốn kế hoạch của chúng ta tập trung vào nỗ lực môn đồ hóa (Ma-thi-ơ 28:19-20) – tất cả đều theo khẩu hiệu “Nếu ý Chúa muốn” (Gia-cơ 4:15). Ngài muốn chúng ta chuẩn bị của cải cho tương lai bằng cách đầu tư tài sản trên đất của chúng ta cho sự phát triển của nước thiên đàng (Lu-ca:12:32-34).

Nhận ân điển Chúa và phó thác nỗi lo cho Ngài

Cách sống này không phải là một lý tưởng cao cả. Chúa Giê-xu muốn điều đó là thực tế hàng ngày của chúng ta. Điều răn của Ngài, rằng chúng ta “đừng nên lo lắng về ngày mai”, là một sự thương xót lớn cho chúng ta. Nếu chúng ta vâng lời Ngài, Ngài sẽ làm nhẹ đi gánh nặng quá sức chúng ta. Chúng ta đặt sang một bên gánh khó nhọc của ngày mai bằng cách thực hiện hai hành động đơn giản của đức tin: chúng ta nhận lãnh và phó thác.

Chúng ta nhận được ân điển Chúa ban đủ cho mình ngày hôm nay. Ân điển của Ngài không phải lúc nào cũng trọn gói như chúng ta mong đợi. Ân điển của Ngài có khi dư dật, nhưng cũng có khi vừa đủ (Phi-líp 4:12). Chúng ta phải biết rằng ân điển luôn có đủ lúc thịnh vượng cũng như lúc hoạn nạn, khi vui và khi buồn, khi tự do và khi tù đày, khi sống và khi chết. Chúng có vẻ khác nhau, nhưng Chúa sẽ luôn ban đủ ân điển cho những gì chúng ta thật sự cần.

Và chúng ta phó sự lo lắng về ngày mai cho Chúa, vì Ngài hay săn sóc chúng ta (1 Phi-e-rơ 5: 7). Nỗi lo sợ về tương lai là điều không xác thực. Thật dại nếu chúng ta để chúng kiểm soát mình. Chúng ta không biết gì về tương lai, Sa-tan cũng không – nó cũng sẽ không cho chúng ta biết sự thật ngay cả khi nó biết (Giăng 8:44). Nhưng Đức Chúa Trời biết rõ tương lai (Ê-sai 46:10), vậy nên tin tưởng Ngài mới là khôn ngoan. Chúng ta phó sự lo lắng của mình cho Ngài bằng cách dâng trình nhu cầu cho Chúa và để sự bình an của Ngài gìn giữ lòng và tâm trí chúng ta (Phi-líp 4: 6-7).

“Khó nhọc của ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34). Và ân điển của hôm nay đủ cho hôm nay. Ân điển của hôm nay sẽ không giải quyết được khó khăn của ngày mai, cách duy nhất mà ân điển hôm nay hướng về ngày mai là giúp chúng ta trao những lo lắng mình cho Chúa. Đây là sự hỗ trợ rất quan trọng vì điều đó giúp chúng ta tập trung vào nơi duy nhất mà chúng ta có thể kinh nghiệm ân điển Chúa cho ngày hôm nay: đó chính là ngày hôm nay.

Dịch: CTV.

Nguồn: Desiring God.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *