Oneway.vn – Năm tháng của thiếu niên cũng giống như ngồi trên “tàu lượn siêu tốc” cảm xúc. Nếu thành thật, những người làm cha mẹ như chúng ta có sẵn lòng “sống lại” những năm tháng cấp hai hay cấp ba không?
Thời gian vui vẻ của tuổi thiếu niên có thể vô cùng mạnh mẽ, nhưng những lần “xuống dốc” cũng không kém phần nguy hiểm. Cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều thanh thiếu niên trải qua cảm giác chán nản và buồn bã thường không được điều trị, và 9 trên 10 em sẽ có thời gian trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần.
Vậy, cha mẹ phải làm gì? Đầu tiên, hãy xác định xem con bạn có vấn đề hay không. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu về các loại trầm cảm khác nhau.
Bốn loại trầm cảm
1. Trầm cảm phản hồi.
Đây là dạng vấn đề tâm trạng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, cũng ít nghiêm trọng nhất. Trầm cảm phản hồi xảy ra do khó khăn trong việc thích nghi với hoàn cảnh.
Có thể liên quan đến một sự việc nghiêm trọng như mất cha mẹ, hoặc ít nghiêm trọng hơn như một bị bạn bè từ chối. Loại trầm cảm này thường kéo dài từ vài giờ đến vài tuần, nhưng không được coi là một rối loạn tâm thần.
2. Rối loạn lưỡng cực.
Còn được gọi là “trầm cảm hưng cảm”, đặc trưng bởi sự thay đổi bất thường trong tâm trạng và năng lượng. Mặc dù không phổ biến ở người trẻ, tình trạng này thường bắt đầu bằng một giai đoạn trầm cảm trong thời niên thiếu.
3. Rối loạn trầm cảm dai dẳng.
Đây là dạng trầm cảm nhẹ nhưng mãn tính, còn được gọi là “dysthymia”. Trầm cảm ở mức độ thấp có thể cảm nhận mỗi ngày, và tiếp tục trong nhiều năm. Ở thanh thiếu niên, thời gian trung bình là bốn năm – có nghĩa là gần như toàn bộ tuổi thiếu niên đều trong trạng thái chán nản.
4. Rối loạn trầm cảm.
Đây là căn bệnh trầm cảm nghiêm trọng kéo dài trung bình bảy đến chín tháng ở thanh thiếu niên. Có nhiều điểm tương đồng với trầm cảm ở người trưởng thành – buồn bã, bi quan, rối loạn giấc ngủ và biếng ăn, nhưng cũng có nhiều khác biệt. (Ví dụ, các triệu chứng lo âu và khó chịu thường phổ biến ở thanh thiếu niên hơn người lớn.)
Thanh thiếu niên thường xuyên mắc phải dạng rối loạn trầm cảm không điển hình. Đặc trưng bởi việc quá nhạy cảm với môi trường và phản ứng với những tương tác tiêu cực, thể hiện các triệu chứng trái ngược với rối loạn trầm cảm điển hình (có thể là ăn quá nhiều hoặc ngủ quá nhiều thay vì quá ít).
LƯU Ý: Trầm cảm kép là dạng kết hợp của Rối loạn trầm cảm dai dẳng và Rối loạn trầm cảm – vừa nghiêm trọng vừa mãn tính.
Xác định xem liệu con bạn/người thân/bạn bè mình có đang chiến đấu với trầm cảm hay không:
- Họ có luôn buồn bã hay trong tâm trạng cáu gắt?
- Họ đã mất hứng thú với điều từng rất thích trước đây?
- Họ thay đổi đáng kể trong cách ăn uống, ngủ nghỉ? (Con trai dường như không còn thiết tha ăn uống – hay con gái luôn “có ý thức giữ dáng” lại ăn uống không kiểm soát?)
- Họ luôn gặp khó khăn với những việc mà “trước đây chưa từng cảm thấy khó khăn” không?
- Gần đây họ có bày tỏ cảm giác rằng bản thân vô dụng hay mặc cảm?
- Họ có thường nghĩ đến cái chết?
- Trải qua sự buồn chán quá mức?
- Họ có xu hướng bùng phát đột ngột: la hét, phàn nàn, cáu kỉnh hay khóc không rõ nguyên nhân?
- Họ bắt đầu phàn nàn về những bệnh lý mơ hồ, không có dấu hiệu rõ ràng?
Nếu bất cứ điều gì trong danh sách trên đang xảy ra, có thể họ đang đối phó với trầm cảm!
Bài: Jim Burns, dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: cbn.com)
Leave a Reply