Điều ao ước của Môi-se: “Đức Thánh Linh giáng lâm”

Oneway.vn – “Ôi! Ước gì tất cả con dân của Đức Giê-hô-va đều là những nhà tiên tri và Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ!” (Dân 11:29)

Diễn viên phim The Office (tựa tiếng Việt: Chuyện văn phòng) John Krasinski gần đây ra mắt một kênh tin tức cá nhân trên YouTube gọi là “Một số tin tức tốt lành” (Some Good News; SGN). Kênh này trở nên nổi tiếng đến nỗi một số YouTuber khác bắt đầu làm những kênh nhái theo. Đáp lại, thay vì ganh tị, Krasinski nói: “Hành động đó không chỉ được chấp nhận mà còn được khuyến khích. Bởi vì tôi hoàn toàn hiểu mình chỉ đang rao ra tin tức tốt lành. Các bạn mới chính là tin tức tốt lành”.

Trong Dân số ký 11:29, Môi-se thể hiện một sự khiêm nhường tương tự và còn vĩ đại hơn.

Đức Chúa Trời phán bảo Môi-se chọn ra 70 trưởng lão từ trong dân chúng. Những người này sẽ được ban cho một phần năng quyền của Đức Thánh Linh để “họ mang gánh nặng về dân tộc” với Môi-se để ông “không phải gánh một mình” (Dân 11:17). Tuy nhiên, hai trong số những người được chọn là Ên-đát và Mê-đát ở lại trong trại quân chứ không tập họp cùng các trưởng lão còn lại. Dù vậy, khi Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh thì Ngài vẫn ngự trên Ên-đát và Mê-đát, cho nên, dù hai người ở trong trại quân thì họ vẫn có thể nói tiên tri.

Trợ lý của Môi-se là Giô-suê cảm thấy tức giận thay cho ông, bởi vì có vẻ như việc nói tiên tri của hai người kia không ở dưới thẩm quyền của Môi-se. Tuy nhiên, Môi-se trả lời cách khiêm nhường: “Có phải anh ganh tị giùm tôi không? Ôi! Ước gì tất cả con dân của Đức Giê-hô-va đều là những nhà tiên tri và Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ!” (Dân 11:29).

Ao ước của các tiên tri thời Cựu Ước

Phản ứng của Môi-se không chỉ là một biểu hiện về lòng khiêm nhường, nhưng nó còn thể hiện nên một niềm khao khát về lịch sử cứu chuộc.

Môi-se biết rằng con dân Chúa vẫn có một vấn đề: “Nhưng cho đến ngày nay Đức Giê-hô-va chưa ban cho anh em tấm lòng để biết, con mắt để thấy hay lỗ tai để nghe.” (Phục 29:4). Trong Cựu Ước, công việc của Đức Thánh Linh thường xảy ra tạm thời, lác đác và có chọn lọc. Luật pháp được khắc trên bảng đá và nó chỉ có hiệu lực bên ngoài, từ ngoài vào trong, không hề có quyền năng để tạo ra điều mà nó đòi hỏi. Dân chúng cần một năng lực hành động từ trong ra ngoài; họ cần một tấm lòng mới, nơi luật pháp Đức Chúa Trời được viết trên đó. Bởi thế, Môi-se ao ước đến một ngày mà “tất cả con dân của Đức Giê-hô-va đều là những nhà tiên tri và Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ”.

Điều ước này trở thành niềm khao khát và sự trông đợi to lớn trong thời Cựu Ước về thời đại một Đấng Mết-si-a sẽ đến.

Tiên tri Giê-rê-mi đã nói về một thời kỳ mà Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ đặt luật pháp Ta vào lòng dạ chúng và khắc ghi lên tâm khảm chúng.” (Giê 31:33) và “Ta sẽ đặt sự kính sợ Ta vào lòng chúng để chúng không lìa bỏ Ta nữa.” (Giê 32:40).

Tiên tri Ê-xê-chi-ên hứa với dân chúng rằng sẽ đến thời mà Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi và đặt Thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, thì các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh Ta và làm theo” (Êxê 36:26–27; xem thêm 11:19–20; 37:14; 39:29).

Tiên tri Giô-ên trông đợi sự ứng nghiệm cho điều ước lớn nhất của Môi-se: “Sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên mọi xác thịt. Con trai và con gái các con sẽ nói tiên tri; Những người già được báo mộng, Các thanh niên sẽ thấy khải tượng. Trong những ngày ấy, Ta cũng đổ Thần Ta Trên các tôi trai tớ gái” (Giô-ên 2:28–29; xem thêm Êsai 32:15; 44:3; 59:21; Xa 12:10; 13:1)

Niềm ao ước của Môi-se là Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ trên mọi con dân Chúa đã trở thành niềm hy vọng lớn của các tiên tri trong Cựu Ước.  

Điều ước sâu kín nhất của Giăng

Khi Giăng Báp-tít bắt đầu thi hành chức vụ của một tiên tri để dọn đường cho Đấng Mê-si, có lẽ niềm hy vọng lớn nhất trong ông đối với chức vụ của Đấng Mết-si-a là Ngài sẽ làm thành điều ước Môi-se. Giống như các tiên tri trong Cựu Ước, Giăng nói với người Do Thái rằng việc họ là dòng dõi của Áp-ra-ham về phần xác là chưa đủ, mà họ cần được làm mới lại và biến đổi từ trong ra ngoài (Mat 3:9). Ông bảo họ: “Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước để ăn năn tội; nhưng Đấng đến sau tôi, uy quyền hơn tôi . . . Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa” (Mat 3:11).

Giăng biết rằng phép báp-tem mà ông đang thi hành chỉ có hiệu lực giới hạn. Ông có thể giảng dạy và làm báp-tem cho dân chúng về bên ngoài, nhưng không thể thay đổi con người bên trong của họ. Ông biết rằng dù mình có giảng hết sức và nhúng nước thật nhiều người thì việc đó vẫn không thể tạo ra điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi và điều mà người ta cần. Giăng có thể răn dạy họ ăn năn, nhưng ông không thể cung cấp năng quyền để họ làm được điều đó.

Điều mà Giăng mong đợi nơi sự đến của Đấng Mết-si-a, có lẽ hơn bất cứ điều gì khác, là công tác của Đức Thánh Linh trong tấm lòng con người. Có lẽ ông nghĩ đây sẽ là ích lợi tuyệt vời nhất mà Đấng Mết-si-a sẽ đem đến. (Giăng cũng phản ánh nên sự khiêm nhường của Môi-se khi ông bảo các học trò mình: “Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống”, Giăng 3:30.)

Cuối cùng, điều ước đã thành hiện thực

Như Giăng Báp-tít đã tiên đoán, niềm khao khát của các nhà tiên tri vĩ đại cuối cùng đã được hoàn thành trong chức vụ của Chúa Jêsus. Ngay trước khi trở về trời, Chúa Jêsus bảo các môn đồ Ngài phải “chờ điều Cha đã hứa”, bởi vì “Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh” (Công 1:4–5).

Một vài ngày sau đó, vào lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh đã đến trên các môn đồ trong năng quyền, và họ bắt đầu rao giảng về Vương quốc Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Cũng trong ngày lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ đã giảng một bài giảng dựa trên lời tiên tri trong Giô-ên 2 rằng bất kỳ con dân nào của Đức Chúa Trời kêu cầu Danh Ngài đều được nhận lãnh Đức Thánh Linh như đã hứa––và Đức Thánh Linh tiếp tục tuôn đổ trên những tín hữu mới trong suốt sách Công Vụ Các Sứ Đồ.

Lời hứa trong Giô-ên 2 giờ đây đã thành hiện thực đối với mọi tín đồ. Thật vậy, sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong mỗi Cơ Đốc nhân là điều thiết yếu đến nỗi sứ đồ Phao-lô nói: “ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô 8:9).

Không việc gì phải ganh tị

Nhiều nhà tiên tri và nhà thông thái đã mong chờ được nhìn thấy điều chúng ta đang thấy hiện nay mà không được. Điều mà Môi-se và luật pháp không thể làm, vì họ chỉ thông qua xác thịt yếu đuối, thì Đấng Christ đã làm trọn—Ngài đã chịu chết vì tội của chúng ta, làm phép cắt bì cho tấm lòng của chúng ta và ban Thánh Linh Ngài đến ngự trên chúng ta. Phải mất một thời gian dài, nhưng ước mơ của Môi-se cuối cùng đã thành hiện thực.

Điều này không có gì để ganh tị, trái lại, cần được chia sẻ cách vui mừng. Đức Thánh Linh và Chàng rể đang nói: “Hãy đến đây!” Đức Thánh Linh thúc giục chúng ta đem Tin Mừng đến cho thế giới. Việc làm này không chỉ được chấp nhận mà còn được khuyến khích. Rốt cuộc, chúng ta chỉ đang rao ra Tin tức tốt lành, còn Đấng Christ mới chính là Tin tức tốt lành.

 

Bài: Matt Foreman; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Tác giả: Matt Foreman (MAR, Viện Thần học Westminster) là mục sư của hội thánh Faith Reformed Baptist Church ở Media, Pennsylvania. Ông từng là chủ tịch sáng lập của Mạng lưới Báp-tít cải chánh (Reformed Baptist Network, RBN), là thư ký cho Ủy ban Truyền giáo RBN, và là giảng viên về thần học thực tiễn tại Viện thần học Báp-tít Cải chánh. Matt cũng viết nhạc thờ phượng, một số bài có đăng trên trang ekklesiahymns.org.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *