Oneway.vn –
Mục vụ cho người bệnh là cơ hội để chúng ta yêu những người lân cận mình trong những thời khắc đau đớn tột cùng của họ. Làm như vậy là chúng ta đang bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời (Mác 12:31; Giăng 5:13-15).
Bất chấp những ngăn trở trong thời buổi hiện đại, mục vụ tại bệnh viện lắng nghe tiếng bước chân của Chúa Giê-xu đi lại giữa đám đông ương ngạnh, khi Ngài chạm tay và cầu nguyện, những bệnh tật kinh niên được chữa lành (Ma-thi-ơ 8:2-3; 14-15; 9:20-25; 14:35-36; Lu-ca 4:40; 6:18-19). Khi việc thăm bệnh như một vinh dự thì sự thăm viếng này mở ra cơ hội tuyệt vời cho công tác môn đệ hóa.
Nhưng không may, sự vụng về thường phá vỡ những nỗ lực mà chúng ta muốn giúp đỡ người bệnh. Nhìn thấy người thân yêu khổ sở chống chọi bệnh tật, chúng ta thường không bình tĩnh, những vật dụng y tế dường như xa lạ, và chỉ nghỉ thoáng qua về cái chết đã khiến chúng ta khiếp sợ. Trong sự ngổn ngang tuyệt vọng, có thể lắm chúng ta xua đi sự im lặng bằng những lời khuyên hay những lời nói vô bổ để rồi những người chúng ta cố gắng nâng đỡ cảm thấy nản lòng.
Điều bạn không nên nói
1. “Bạn có biết điều bạn nên làm là gì không? Bạn nên thử….”
Đi thăm một người bạn đang nằm tại bệnh viện không phải là thời điểm thích hợp để đề xuất các phương pháp chữa trị mà bạn học được ở trên mạng internet, hay từ anh em họ hoặc từ họ hàng ba đời của mình. Việc điều trị ở bệnh viện chỉ về những căn bệnh phức tạp và liên quan đến một loạt những theo dõi liên tục, xét nghiệm, và đội ngũ những chuyên gia về sức khỏe. Hầu hết mọi người cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi và sợ hãi trong môi trường này. Do đó, những lời đề nghị về một loại thảo dược tự trồng ở nhà hay là một phương thuốc không theo toa của bác sĩ là điều vô giá trị.
2. “Đừng lo lắng, bạn sẽ ổn thôi mà.”
Đừng hứa rằng mọi điều sẽ ổn, trừ khi bạn có kiến thức uyên thâm về y học trong trường hợp của người bệnh. Dù cho chúng ta có dốc đổ cầu nguyện thì sự thật vẫn là có những điều sẽ không ổn. Và nếu cứ khăng khăng nói điều ngược lại, bạn đang ngăn cấm người khác nói lên sự sợ hãi của họ. Khi người bệnh đang chống chọi với hiểm họa sống còn, những lời hứa sáo rỗng về khả năng hồi phục sẽ khiến người bệnh thấy sự quan tâm bị giảm sút, chỉ muốn giữ những lo lắng một mình mà không chịu chia sẻ với ai.
Tương tự như vậy, hãy tránh những lời nói liên quan đến việc “tranh đấu” như là “Đánh trận tốt lành”. Việc chiến thắng bệnh tật thường phụ thuộc vào những tác động nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, chứ không phải dựa vào sự kiên trì tuyệt đối của người bệnh. Sinh lý học và các tế bào gây bệnh mới quyết định chiều hướng của bệnh chứ không phải là đặc điểm tính cách. Do đó, khi chúng ta trình bày không đúng về sự hồi phục như là vấn đề của ý chí, chúng ta đang đánh đồng việc bệnh tình chuyển hướng xấu với sự thất bại của cá nhân người bệnh.
3. “Tôi biết bạn đang cảm thấy như thế nào”
Kể cả nếu bạn đã từng mắc một chứng bệnh tương tự, thì cũng đừng cho là mình hiểu rõ người bệnh đang cảm thấy như thế nào. Những câu chuyện về tình trạng đau ốm không phải ai cũng giống ai. Cùng một loại bệnh nhưng kinh nghiệm của mỗi cá nhân khác nhau. Các yếu tố về tính tình, những giá trị, nỗi sợ hãi, và kinh nghiệm quá khứ đều có ảnh hưởng đến bệnh tình. Thay vì đảm bảo với người bệnh rằng bạn hiểu, hãy hỏi cảm xúc của người bệnh. Hãy lắng nghe. Hãy đồng cảm. Hãy dành sự tập trung cho người bệnh chứ không phải cho bạn.
4. “Hãy cho tôi biết nếu tôi nó thể giúp được gì”
Dường như đây là một câu hỏi tử tế, và nếu mới nhìn qua thì nó khá hữu ích. Nhưng trong cụm từ này ẩn chứa sự nguy hiểm. Đầu tiên, nghe có vẻ không chân thành lắm. Thứ hai, nó đòi hỏi người bệnh vốn đang mệt mỏi và đã bị choáng phải xác định xem bạn có thể giúp họ bằng cách nào.
Những bệnh nhân thật sự cần được giúp đỡ. Họ cần mối thông công, cần những nhắc nhở rằng bệnh tật của họ không quyết định bản chất của họ. Họ cần người khác lo giúp những trách nhiệm khác như các hóa đơn chưa thanh toán, những thú nuôi không ai cho ăn, và khu vườn héo úa sau nhà.
Tuy nhiên, không nên để cho một người đang nằm trên giường phải mang lấy gánh nặng giao phó công việc cho những người muốn giúp đỡ. Đừng kêu người bệnh liên lạc với bạn khi cần. Hãy suy nghĩ về những gì mà người bệnh cần, hãy chủ động, hãy tình nguyện. Tốt hơn, hãy là kiểu người bạn mà ở đó không có những rào cản hỏi han tồn tại.
5. “Bạn trông rất tốt/tệ!”
Những nhận xét về bộ dạng của người bệnh bày tỏ ý kiến của riêng chúng ta chứ không phải là sự tiến triển của việc điều trị. Trong trường hợp tốt nhất, những lời nhận xét như vậy đem đến một ít an ủi. Nhưng trong tình huống tệ nhất, đó chính là những lời phỉ báng. Dù ở khía cạnh nào, nói về bộ dạng bên ngoài có thể khiến người cho người bệnh không kể cho bạn nghe về tình trạng thực sự của họ. “Trông rất tốt” và “cảm thấy rất tốt” là hai thực thể không hề liên quan.
Điều bạn nên làm
Những người đang vật lộn trong vô vọng với bệnh tình cần những lời nhắc nhở về ân điển của Chúa. Thay vì đưa ra ý kiến và nói luyên thuyên, thì nghe và lắng nghe là công cụ hiệu quả hơn để làm chứng về Phúc Âm trong bối cảnh bệnh viện.
1. Cầu nguyện.
Hãy bao phủ người bệnh bằng lời cầu nguyện, cầu nguyện với họ và cho họ. Hãy đảm bảo với người bệnh rằng bạn thường xuyên trình dâng họ lên Chúa của chúng ta, Đấng đã sống lại từ cõi chết và khiến mọi sự trở nên mới.
2. Thực hành “Mục vụ hiện diện”.
Một ngày nào đó, người bệnh có thể cần giải tỏa sự lo lắng của của họ với bạn. Vào một ngày khác, họ chỉ đơn giản cảm thấy thật quý giá khi có một người đồng hành ngồi bên cạnh cùng xem tivi. Trong mọi tình huống, mục đích của sự hiện diện là để làm theo yêu cầu của người bệnh chứ không phải là giải quyết vấn đề. Hãy sẵn sàng, lắng nghe điều người bệnh nói và bày tỏ sự cảm thông. Hãy ở bên cạnh người bệnh bởi vì bạn quý mến sự độc nhất, sự tuyệt vời theo hình ảnh của Đức Chúa Trời mà người ấy được tạo dựng và đối xử với người bệnh như là anh chị em trong Đấng Christ chứ không như là một chương trình thăm bệnh.
3. Chú ý về nhu cầu của họ.
Chống chọi với bệnh tật rất mệt mỏi. Đừng thăm viếng trừ khi người bệnh xác nhận họ muốn gặp bạn. Hãy chú ý đến những cử chỉ, và ra về khi người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, hỏi người bệnh điều gì ích lợi cho họ và điều gì không, khích lệ họ nói với bạn khi nào bạn cần phải rời đi. Trên tất cả, hãy lắng nghe nhu cầu của người bệnh cảm thông, lắng nghe nhiều hơn. Hãy để người bệnh điều khiển nội dung của buổi thăm viếng.
4. Đổ đầy Lời Chúa trong những buổi thăm viếng.
Thi Thiên và Thánh Ca cầm giữ quyền năng phục hồi. Đây không phải là thời điểm để giải kinh hay nghiên cứu Kinh Thánh. Nhưng những phân đoạn ngắn nhấn mạnh về ân điển của Chúa và hy vọng của chúng ta trong Đấng Christ có thể nâng đỡ một người đang phủ trên mình chiếc áo bệnh nhân.
5. Hãy ra về khi bác sĩ đến.
Trừ khi người bệnh dứt khoát yêu cầu bạn ở lại, nếu không thì hãy rời khỏi phòng khi bác sĩ đến. Phác đồ điều trị hằng ngày thường bao gồm những câu hỏi nhạy cảm và riêng tư. Người bệnh có thể cảm thấy không thoải mái khi trả lời với sự hiện diện của bạn. Việc thăm viếng không cấp cho bạn đặc quyền của thân nhân. Chúng ta cần tôn trọng quyền riêng tư của người bệnh.
6. Tái khẳng định tình trạng của người bệnh trong Đấng Christ.
Đừng để bệnh tật thay đổi tình trạng của người bệnh trong Đấng Christ
. Hãy đối xử như bạn đã làm trước khi người ấy bị bệnh, đùa giỡn như bạn vẫn luôn làm. Hãy nói về những người bạn chung của nhau, về những kỷ niệm yêu thích, những điều bình thường của cuộc sống. Đừng bao giờ nói chuyện với người bệnh như thể bệnh tật đã thay đổi họ. Thay vào đó, hãy tái khẳng định rằng qua đức tin trong Đấng Christ, người ấy đã được đổi mới nhắc người bệnh rằng họ không có lỗi trước đó, và họ được vị Bác Sĩ Vĩ Đại trân quý, Ngài là Đấng chữa lành thế gian qua những thương tổn mà Ngài đã chịu.
Tác giả Kathryn Butler; Hồng Nhung dịch
(Nguồn:
desiringgod.org)
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!