Oneway.vn – “Chúa luôn làm 10.000 điều trong cuộc đời bạn, và bạn chỉ có thể nhận thức được 3 điều trong số đó mà thôi.” (John Piper)
Tôi rất thích câu nói này bởi vì nó nhắc chúng ta nhớ đến tầm nhìn giới hạn của chúng ta. Không ai có thể nhìn thấy hết những gì Đức Chúa Trời đang làm. Chúng ta thậm chí còn bị giới hạn về năng lực.
Đức Chúa Trời không chỉ đang hành động nhiều hơn những gì chúng ta có thể thấy mà còn hơn những gì chúng ta có thể hiểu. Vì thế, sự khiêm nhường của Cơ Đốc nhân là phải bám vào những điều đã được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời, là nơi cung cấp cho chúng ta một sự chỉ dẫn thiên thượng để biết chuyện gì đang diễn ra.
Đức Chúa Trời không chỉ đang hành động nhiều hơn những gì chúng ta có thể thấy mà còn hơn những gì chúng ta có thể hiểu.
Hãy lấy cơn đại dịch hiện nay làm thí dụ. Nếu tôi được một đô-la mỗi lần ai đó đưa ra ý kiến về việc Chúa đang làm gì trong hoàn cảnh này thì chắc chúng tôi đã được một khoản cho ngân quỹ Hội thánh. Có nhiều điều bí ẩn mà đơn giản là chúng ta không biết được. Nhưng vẫn có những điều đã được bày tỏ để chúng ta biết.
Trong hoàn cảnh thử thách này, chúng ta không biết tất cả những điều Đức Chúa Trời đang làm, nhưng có ít nhất 3 điều (trong 10.000 điều, biết đâu đấy) chúng ta có thể biết. Gia cơ 1:2–4 cho chúng ta biết những thử thách là công cụ trong tay Đức Chúa Trời. Mỗi khi đối diện với thử thách, chúng ta nhớ rằng có ba điều Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống chúng ta.
Đức Chúa Trời đang tôi luyện đức tin của chúng ta
Trước giả Gia-cơ viết rằng những thử thách sẽ giúp thử nghiệm đức tin của chúng ta (Gia-cơ 1:3a). Cuộc thử nghiệm này là một quá trình tinh luyện hoặc chứng minh. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rõ hơn về điều này như sau:
“Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến” (I Phi 1:6-7).
Sự so sánh ở đây rất rõ ràng: Những thử thách sẽ tinh luyện đức tin của chúng ta giống như lửa tinh luyện vàng hoặc các kim loại khác. Trong quyển giải kinh sách Gia-cơ, tác giả Doug Moo nhận định: “Những khó khăn trong cuộc sống được Đức Chúa Trời định để tôi luyện đức tin của chúng ta: Ngài nung nó trong lò luyện của hoạn nạn để những tạp chất phải chảy ra, chỉ còn lại tinh chất có giá trị trước mặt Đức Giê-hô-va”.
Trước giả Gia-cơ không hẳn có ý nói rằng thử thách sẽ xác minh xem một người có đức tin hay không, nhưng nhấn mạnh đến sự rèn thử dành cho đức tin đã sẵn có và làm cho nó càng thêm mạnh mẽ. Đây là mục tiêu của thử thách.
Khi mắt chúng ta nhìn về những sự cách ly do dịch bệnh, tai nghe các tin tức báo cáo liên tục, chúng ta cũng nghe Lời Chúa phán với mình một cách thật cá nhân và thực tế.
Đức Chúa Trời đang làm gì trong cơn thử thách Corona? Ngài đang tinh luyện đức tin của con dân Ngài.
Đức Chúa Trời dạy về sự kiên trì
Khi tin Chúa, chúng ta không lập tức trưởng thành, nhưng Đức Chúa Trời sử dụng quá trình thánh quá đau đớn và khó nhọc để nhào nắn và làm chúng ta trở nên giống Chúa Jêsus. Theo đó, những thử thách sẽ sản sinh sự can trường thuộc linh, sự kiên trì mà Đức Chúa Trời dùng để khiến chúng ta bền bỉ trong Ngài.
Một ngày nọ, tôi đi chạy bộ. Tôi muốn ra ngoài để tận hưởng nắng trời và không khí trong lành, nhưng mục tiêu thực sự là để tập thể dục. Khi bắt đầu chạy, tôi cảm thấy mình chạy nhanh hơn bình thường và tưởng rằng mình có tiến bộ so với lần chạy trước. Thế rồi tôi rẽ phải và bất ngờ cảm thấy mình chạy chậm lại, bước chạy khó khăn hơn. Chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Tôi đang chạy ngược hướng gió, còn lúc nãy tôi chạy nhanh là do thuận chiều gió.
Điều này dẫn đến câu hỏi: Những cơn gió và đồi cao kia có tốt cho tôi không? Tôi nghĩ câu trả lời tùy thuộc vào mục tiêu của tôi. Nếu tôi đang cố giữ cho mình không đổ mồ hôi thì câu trả lời là Không, chúng chẳng giúp ích cho tôi. Nhưng nếu tôi đang rèn cho mình chạy nhanh hơn và bền bỉ hơn thì chắc chắn câu trả lời là Có. Tùy thuộc vào mục tiêu.
Tương tự đối với thử thách. Đức Chúa Trời đưa đến cuộc sống chúng ta những cơn gió ngược và địa hình bất lợi để xây dựng sự kiên trì bền bỉ. Ngài đang hướng đến mục tiêu làm chúng ta càng giống Chúa Jêsus hơn. Nó đòi hỏi sự rèn tập và sự thử luyện cam go. Sự thánh hóa xảy ra trong những tình huống bất lợi, trong nghịch cảnh. Việc đạp đầu Sa-tan là một công việc khó khăn (Rô 16:20). Chúa dùng những thử thách để làm chúng ta kiên trì hơn.
Đức Chúa Trời đưa đến cuộc sống chúng ta những cơn gió ngược và địa hình bất lợi để xây dựng sự bền bỉ.
Hoàn cảnh hiện nay rõ ràng là những cơn gió ngược, đúng không? Hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều khó khăn hơn: các kế hoạch bị hủy bỏ hoặc đình trệ, tài chính vơi cạn, người dân đau bệnh, tương lai không có gì chắc chắn, các thói quen đang bị giới hạn lại, mục vụ hội thánh thay đổi đáng kể. Điều này thật khó khăn.
Đức Chúa Trời đang làm gì trong cơn thử thách này? Ngài đang xây dựng sự bền bỉ cho con dân Ngài.
Đức Chúa Trời đang làm cho con cái Ngài trưởng thành hơn
Theo Gia-cơ, thử thách đem đến sự trưởng thành. Đức Chúa Trời sử dụng những cuộc thử rèn để làm chúng ta giống Chúa Jêsus hơn. Hãy nghĩ đến sự trọn vẹn lúc cuối cùng, và Đức Chúa Trời đang đưa con dân Ngài đi đến đích cuối cùng đó. Ngài làm điều ấy như thế nào? Một công cụ được dùng đó là sự thử thách.
Chúng ta nhìn thấy điều này phản ánh trong một số câu Kinh Thánh khác:
“Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa,vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hi vọng”. (Rô 5:3–4)
“Chúng tôi cũng tự hào về anh em trong các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, về sự kiên nhẫn và đức tin anh em trong tất cả những bắt bớ và hoạn nạn mà anh em đang chịu”. (II Tê 1:4)
Hãy để ý cách sứ đồ Phao-lô xoay chuyển những hoạn nạn thành lời ngợi khen Đức Chúa Trời. Ông thờ phượng Chúa khi tín đồ trải qua khổ nạn. Điều này thật kỳ lạ nếu chúng ta không biết đến một chân lý quan trọng: Đức Chúa Trời đang dùng những khó khăn để làm điều ích lợi cho chúng ta. Khó không có nghĩa là xấu. Thật ra, rất nhiều trường hợp cho thấy hoạn nạn lại là một ơn phước.
Đức Chúa Trời đang làm gì trong cơn thử thách này? Ngài đang làm cho con cái Ngài trưởng thành.
Đức Chúa Trời có thể đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng những thử thách
Đôi khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta trưởng thành và giống Chúa Jêsus hơn. Thế rồi, ngạc nhiên làm sao, chúng ta thấy mình rơi vào hoạn nạn, nghịch cảnh. Chúng ta lại cầu nguyện xin Chúa cất nó đi. Nhưng nếu chính Đức Chúa Trời đã đưa hoạn nạn đó đến để đáp lời cầu xin được lớn lên của chúng ta thì sao? Bài thánh ca Con cầu xin Chúa (I Asked the Lord) của John Newton thật thích hợp để chúng ta suy ngẫm:
Con đã xin Chúa: Cho con được lớn lên
Trong đức tin, tình yêu và mọi ân sủng;
Nếm trải nhiều hơn trong sự cứu rỗi,
Tìm kiếm mặt Ngài thiết tha hơn.
Chính Ngài dạy con cầu nguyện thế,
Và Ngài đáp lời cầu nguyện; Phải, con tin!
Nhưng Chúa ôi, sao lại theo cách này,
Vì nó gần như đẩy con đến tuyệt vọng.
Con mộng tưởng: Vào thời điểm ưa thích,
Ngài lập tức đáp lời thỉnh cầu;
Bởi năng quyền bất bại của tình yêu,
Ngài đập tan tội lỗi và làm con nghỉ ngơi.
Ngược lại, Ngài làm tim con bị xé nát
Vạch trần mọi gian ác kín sâu;
Và để quyền lực giận dữ của địa ngục
Vùi dập tâm hồn con mọi bề.
Vẫn chưa đủ, chính tay Ngài giáng trên con
Làm tai ương càng thêm kinh khiếp;
Vượt quá mọi điều con toan tính,
Khiến con gục ngã trong đớn đau.
“Lạy Chúa, sao lại thế?
Lẽ nào Ngài phải tận diệt một con sâu?”
Chúa đáp: “Ấy là cách Ta nhậm lời,
Khi con xin ân sủng và đức tin”.
“Những giằng xé trong con, ấy là cách của Ta
Để giải phóng con khỏi cái tôi và xác thịt;
Phá vỡ mọi kế hoạch tìm niềm vui trần thế,
Để con tìm thấy con trọn vẹn trong Ta”.
Đức Chúa Trời đang làm gì trong đại dịch Corona? Có cả triệu lý do tôi không biết, nhưng có ít nhất 3 điều tôi biết.
Đức Chúa Trời không chỉ làm hơn những gì chúng ta có thể thấy mà còn hơn những gì chúng ta có thể hiểu. Dù vậy, trong không biết bao nhiêu điều mà Chúa đang làm thì chúng ta có thể biết chắc ba điều Ngài đang hành động trong cuộc đời chúng ta thông qua nghịch cảnh: tinh luyện đức tin, tạo nên sự kiên trì, và làm trưởng thành. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể “xem sự thử thách trăm chiều xảy đến . . . như là điều vui mừng trọn vẹn” (Gia-cơ 1:2).
Bài:Erik Raymond; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply