Đức tin chiến thắng nỗi sợ: Lòng can đảm của mẹ Môi-se

Oneway.vn – Dân Y-sơ-ra-ên phải chịu ách nô lệ dưới tay kẻ cai trị độc tài ở Ai Cập.

Pha-ra-ôn cố chống lại Đức Chúa Trời, ngăn cản lời hứa cứu rỗi của Ngài và tiêu diệt cả một dân tộc. Nhưng kế hoạch của ông ta đã bị cản trở bởi một người mẹ kiên quyết.

Khi Pha-ra-ôn kêu gọi “toàn thể dân chúng” ném mọi bé trai Hê-bơ-rơ mới sinh xuống sông Nin (Xuất 1:22), mẹ của Môi-se không tuân theo mệnh lệnh của ông. Bà cố giấu con trai mình lâu chừng nào thì tốt chừng nấy, đến khi không thể giấu được nữa, bà thả con dọc bờ sông. Chị gái của đứa bé là Mi-ri-am trông chừng em mình cho đến khi cậu được con gái Pha-ra-ôn phát hiện và nhận nuôi cậu bé. Cuối cùng, hành động của người mẹ dũng cảm này không chỉ cứu mạng Môi-se mà còn cứu cả một quốc gia.

Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về lòng can đảm qua chân dung người mẹ tin kính dũng cảm này?

1. Can đảm là đưa ra quyết định đúng đắn khi cảm thấy sợ hãi. 

Mẹ Môi-se đã chọn làm điều đúng bất chấp áp lực phải vâng lời Pha-ra-ôn. 

Kinh Thánh Xuất Ê-díp-tô Ký không cho chúng ta biết hình phạt cụ thể cho việc chống lại lệnh Pha-ra-ôn, nhưng chắc chắn cái giá phải trả sẽ vô cùng khắc nghiệt. 

Tuy nhiên, mẹ của Môi-se đã chọn vâng lời một Đấng cai trị khác – Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:23).

Chỉ khi được bắt nguồn từ cách nhận thức đúng đắn, lòng dũng cảm mới trở nên chính đáng. 

Điều gì đã thúc đẩy người mẹ này hành động can đảm? Liệu đây có phải là hành vi nổi loạn? Thế còn những hệ lụy gây ra cho những người thân của bà khi sự việc bị phát hiện thì sao? Bà có ích kỷ không khi giữ lại con trai của mình trong lúc mọi chị em Do Thái khác đều bị mất con? 

Không, mẹ của Môi-se đã chọn con đường can đảm vì bà vâng theo Lời Đức Chúa Trời hơn lời Pha-ra-ôn. Bà tuân theo luật pháp của Chúa, và sự mạo hiểm của bà là chính đáng.

Làm sao để chúng ta can đảm một cách chính đáng trong từng hoàn cảnh? Không dễ để trả lời câu hỏi này. Chúng ta cần học biết về sự khôn ngoan và công chính theo Kinh Thánh để hiểu đúng về thời đại của mình (1 Sử ký 12:32). 

Chúng ta sẽ bị thế gian này khinh dễ, chế nhạo và thậm chí là ngược đãi. Tuy nhiên, can đảm có nghĩa là nhìn thấy cái giá phải trả khi theo Chúa mà vẫn vâng lời Ngài.

2. Lòng can đảm đến từ Đức Chúa Trời.

Sự dũng cảm của một người mẹ đã đưa đến sự sỉ nhục cho một đế chế và sự cứu rỗi cho quốc gia của bà. 

Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng bất cứ ai cũng có thể có lòng dũng cảm.

Có thể bạn nghi ngờ rằng mình không đủ can đảm, nhưng điều vừa nói là sự thật. Bạn có thể can đảm nếu bạn biết đúng nơi để tìm kiếm. Chúng ta nghi ngờ bởi vì chúng ta dùng quan điểm của nền văn hóa ngày nay để áp đặt lên lòng can đảm. Chúng ta cho rằng can đảm là một đặc tính xuất phát từ trong mỗi chúng ta, vì nền văn hóa hiện đại nói rằng chúng ta sẽ tìm được nguồn can đảm từ sâu bên trong tâm hồn mình. 

Nhưng sự thật là, bạn tìm thấy lòng can đảm bằng cách nhìn lên Chúa chứ không phải nhìn vào trong chính mình. 

Những người mụ đỡ đẻ tại Hê-bơ-rơ đã bất chấp mệnh lệnh của Pha-ra-ôn vì họ thờ phượng Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:17). 

Nê-hê-mi kêu gọi người Do Thái xây lại tường thành mà không hề sợ hãi kẻ thù vì lòng ông hướng đến Chúa (Nê-hê-mi 4:14). 

Tương tự như vậy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để chạy thật tốt trên cuộc đua của mình khi hướng mắt về Chúa Jêsus (Hê-bơ-rơ 12:1-2). 

Lòng can đảm không được phát triển dựa vào sức mạnh của bản thân, mà là nơi đức tin của chúng ta – rằng Đấng Christ ở cùng chúng ta qua mọi giông bão. Nếu Ngài ở cùng thì chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách (Mác 4:35–40).

3. Can đảm là làm hết khả năng của mình.

Mẹ Môi-se không thể thay đổi luật pháp chống lại Pha-ra-ôn. Bà cũng không thể lãnh đạo một cuộc cách mạng vũ trang chống lại chế độ tàn bạo. Thay vào đó, bà chỉ cố gắng hết sức có thể trong hoàn cảnh của mình. Bà đã cứu con trai của chính mình.

Mỗi ngày Cơ Đốc nhân phải đối mặt với nhiều thử thách, đe dọa và đau khổ. Chúng ta không có khả năng thay đổi luật pháp, lãnh đạo quân đội hoặc chỉ đạo các tập đoàn lớn. Phải chăng chúng ta bất lực và không thể hành động can đảm?

Bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl từng là tù nhân trong trại hành quyết của Đức Quốc xã, nhưng ông biết một sức mạnh mà quân đội của Hitler không thể cướp đi được. Trong quyển “Đi tìm ý nghĩa con người”, ông viết: “Người ta có thể lấy đi mọi thứ trừ một thứ: quyền tự do cuối cùng của con người – quyền lựa chọn thái độ của bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quyền quyết định con đường của riêng mình”.

Dù không kiểm soát được hoàn cảnh của mình, bạn vẫn có thể chọn đức tin dũng cảm. Đối với mẹ Môi-se, đó là hành động thả đứa con trai mới sinh của mình lênh đênh trên sông. Đối với Ghê-đê-ôn, đó là “dùng năng lực [ông] có” (Các Quan Xét 6:14). Đức Chúa Trời đã đón nhận những hành động tin cậy nhỏ bé ấy và dùng họ để giải cứu cả quốc gia. Hãy sử dụng sức mạnh, cơ hội và sự tự do mà bạn có. Chúa sẽ nhận những gì bạn trao cho Ngài, và Ngài sẽ làm phần còn lại.

Can đảm là một đặc tính Cơ Đốc. Can đảm không dành riêng cho các anh hùng mà dành cho tất cả những ai đặt hy vọng nơi Chúa. Hãy quyết tâm lắng nghe Lời Chúa hơn là lời của kẻ thù. Hãy vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và rồi, bạn sẽ khám phá ra sự tự do trong Đấng Christ khi đối mặt với vô vàn nguy hiểm mà vẫn đứng hiên ngang vững vàng. 

 

Bài: AARON M. SHAMP; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *