Oneway.vn – Đại dịch là thứ gì đó vô hình. Mối nguy hiểm ở khắp nơi, ẩn nấp trên những chiếc xe đẩy ở cửa hàng tạp hóa, lẫn trong những cái ôm thân thiện, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường.
Chúng ta có thể rửa tay, nhưng lại không thể chắc rằng mình đã rửa sạch mọi mầm bệnh. Chúng ta quét sạch mọi thứ, nhưng lại không biết rằng mình đã bỏ qua chỗ nào. Chúng ta có thể ở nhà, nhưng virus cũng có thể đã đến.
Đây là thời gian tuyệt vời để cầu nguyện.
Ngay lúc này, chúng ta có cơ hội cùng nhau cầu nguyện. Nguy hiểm đang lẩn trốn, nhưng chúng ta biết Đấng nhìn thấy mọi thứ. Những lời bào chữa cho việc chúng ta không cầu nguyện, như quá ít thời gian, lịch trình bận rộn đã không còn. Nhiều hoạt động buổi tối đã bị hủy bỏ và các thói quen buổi sáng cũng thay đổi vì một kẻ thù vô hình, khiến gia đình chỉ còn thời gian bên nhau. Chưa lúc nào tốt hơn để cầu nguyện như bây giờ.
Trong những ngày bất ổn, cầu nguyện cùng gia đình thường xuyên khẳng định bốn sự thật mà chúng ta thường bỏ qua.
1. Cõi vô hình là có thật
Cầu nguyện – kêu cầu Chúa thực hiện lời hứa Ngài là một công cụ vô hình trong tay một Đức Chúa Trời mà chúng ta không thấy được.
Khi đến với Chúa qua sự cúi đầu và mắt nhắm, chúng ta cầu xin Chúa làm theo thánh ý Ngài. Bản thân cầu nguyện là một hành động của đức tin: “Vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta không thể nhìn thấy Chúa, nhưng bởi đức tin, chúng ta biết rằng Ngài nghe thấy.
Câu trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện cũng xảy ra ở những nơi sâu kín, ngoài tầm nhìn loài người. Tấm lòng và tâm trí thay đổi, Phúc âm phát huy sức mạnh, Thánh Linh giáng xuống – nhưng chúng ta không thể thực sự thấy bất cứ điều gì.
Virus vô hình là một lời nhắc nhở rằng Cơ Đốc nhân có những mối quan tâm vượt ra ngoài thế giới hữu hình. Khi cầu nguyện với gia đình, chúng ta khẳng định rằng các ưu tiên của mình không chỉ đơn thuần là những điều trước mắt. “Hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm, Hay là sự tàn diệt phá hoại đương lúc trưa” (Thi thiên 91:6) đều có thể lay động tấm lòng chúng ta, để tìm kiếm sự giúp đỡ Chúa cho mọi nhu cầu tiềm ẩn khác của chúng ta.
Gia-cơ nói điều này với những tín đồ trong Hội thánh: “Trong anh em có ai đau ốm chăng? … Hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha” (Gia-cơ 5:14-15). Bệnh tật cho thấy sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa để được an lành cho linh hồn. Chúng ta đến để được chữa lành, và chúng ta ra đi với sự cứu rỗi.
2. Giá trị tâm linh trẻ thơ
Cầu nguyện cũng là công tác thuộc linh quan trọng mà trẻ thơ có thể thực hiện. Thông thường, chức vụ truyền giáo nằm ngoài tầm với của các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Thế giới của các em rất nhỏ bé, cơ thể các em thậm chí còn nhỏ hơn. Nhiều em còn chưa thể làm được những việc giản đơn, chứ đừng nói đến việc nỗ lực cứu giúp toàn bộ cộng đồng. Trong thời điểm bất ổn, các em có thể cảm thấy mình thật bất lực hoặc vô dụng. Tuy nhiên, cầu nguyện là công việc mà trẻ thơ có thể làm tốt như người lớn.
Thi-thiên 8:2 (và Chúa Jêsus) khẳng định rằng tuổi tác không hề ảnh hưởng gì đến lời cầu nguyện bởi đức tin, ‘Chúa đã được ca ngợi bởi miệng trẻ thơ và trẻ con đang bú’ (xem Ma-thi-ơ 21:15-16). Khi trẻ em cầu nguyện, Chúa đang hoàn thành mục đích Ngài. Khi trẻ em cầu nguyện, satan phải nín lặng.
Khi cầu nguyện cùng gia đình, chúng ta thừa nhận giá trị tâm linh của con cái mình. Chính trẻ thơ dùng môi miệng các em để kêu cầu danh Chúa, và mọi người thảy đều hiệp lòng cầu xin. Giống như bé gái nhỏ đã đốc thúc Na-a-man vĩ đại tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa khi bị bệnh phung (2 Các-vua 5), việc con cái chúng ta cầu nguyện cũng đang dẫn chúng ta đến với Chúa, Đấng có thể chữa lành chúng ta khỏi những căn bệnh của cả thể xác lẫn tâm hồn.
3. Kết nối với con dân Chúa
Vào thời điểm mà nhiều Hội thánh phải ngừng nhóm lại, việc cầu nguyện ngay tại nhà khẳng định mối liên hệ cơ bản của chúng ta với tất cả con dân Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta kết nối tấm lòng với tiếng khóc của con dân Chúa trên khắp thế giới, mọi ngôn ngữ và mọi nhóm người, mọi Cơ Đốc nhân đang khóc than cùng Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót.
Khi dân Y-sơ-ra-ên bị bệnh và chết nằm rải rác trong đồng vắng, họ có một điểm duy nhất để trông nhìn: con rắn bằng đồng trên cây sào (Dân số ký 21:9). Họ cùng nhau ngước mắt tìm kiếm sự giúp đỡ. Tương tự như vậy, trong mọi gia đình tin kính trên toàn cầu, chúng ta nhìn theo cùng một hướng để được giúp đỡ: Đức Chúa Con đã bị treo lên vì sự cứu rỗi của chúng ta (Giăng 3:14-15). Tuy bị cách ly về mặt thể xác, nhưng chúng ta vẫn đang cùng nhau nhìn đến một Đức Chúa Cha.
Khi gia đình đến với nhau trong lời cầu nguyện, chúng ta cùng hiệp lòng với những lời cầu nguyện của con dân Chúa ở mọi lứa tuổi và mọi nơi. Lời kêu cầu của chúng ta cùng nhau trổi lên trước mặt Chúa, lấp đầy “những bình vàng đầy hương, là những lời cầu nguyện của các thánh” (Khải huyền 5:8).
Gia đình cầu nguyện là một phần của đội quân vĩ đại tham gia vào cuộc chiến chung. Dù bạn dâng lên lời cầu nguyện yếu đuối nhất từ gia đình nhỏ nhất, lời kêu cầu ấy cũng không đơn độc trỗi lên thiên đàng đâu.
4. Đấng Christ hiện diện cùng chúng ta
Lời cầu nguyện của chúng ta không hề đơn độc, và chúng ta cũng vậy.
Chúa Jêsus khích lệ chúng ta rằng: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20).
Dù là một người mẹ và cô con gái, hai vợ chồng, một gia đình bốn người hay mười bốn người, mỗi chúng ta đều nắm giữ lời hứa chắc chắn về sự hiện diện của Đấng Christ.
Khi gia đình dành thời gian để cầu nguyện cùng nhau, chúng ta đang tương giao với Đấng Christ. Chúng ta hiệp nhau trong danh Ngài, với con dân Ngài, tuyên xưng lời ca ngợi Ngài, và cầu xin những điều Ngài đẹp lòng. Nhờ Thánh Linh, Ngài cũng đang ở đó với chúng ta. Trong thời kỳ bất ổn và bệnh tật, chúng ta không đơn độc. Chỉ cần một gia đình cầu nguyện cùng nhau, Chúa Jêsus vẫn hằng ở bên mọi lúc.
Bài: Megan Hill; dịch: Jennie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)