Oneway.vn – Khi nhìn lại quá trình tăng trưởng đức tin và hiểu biết Phúc Âm, tôi thấy mình học được nhiều nhất nơi tấm gương Chúa Jêsus trong những giai đoạn chịu khổ.(Ảnh: Desiring God)
Dầu vậy, tôi thường cầu nguyện cho mọi thứ tốt đẹp. Và hầu như đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho các con tôi như vậy: Lạy Chúa, xin gìn giữ các con con không bị tổn hại gì.
Không có gì sai với những lời cầu nguyện đó. Kinh Thánh chép rất rõ rằng chúng ta phải dạn dĩ cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng làm được mọi sự (Gia. 1:6). Tuy nhiên, tôi bị cáo trách khi đọc lời cầu nguyện mà Kathleen Nielson đã viết trong Lời cầu nguyện của cha mẹ dành cho con trong tuổi thanh niên. Bà khích lệ chúng ta cầu nguyện không phải để xin Chúa cho con mình tránh khỏi mọi đau khổ, mà để xin Chúa ban cho chúng ân điển và sức mạnh để vững vàng trong gian khổ.
Cuộc đời này đầy sóng gió, và chúng ta chưa từng được hứa trở thành ngoại lệ. Sẽ có đau đớn, sẽ có đau khổ. Thực tế đó mang lại cho chúng ta niềm khao khát vô tận về những điều hầu đến khi Đấng Christ tái lâm. Vậy, thay vì cầu nguyện để cuộc sống không phải gặp khó khăn, có lẽ chúng ta nên cầu nguyện để khi chịu khổ, chúng ta đủ sức chịu đựng.
“Thay vì cầu nguyện để cuộc sống không phải gặp khó khăn, có lẽ chúng ta nên cầu nguyện để khi chịu khổ, chúng ta đủ sức chịu đựng.
Nhưng thế nào là giỏi chịu khổ, đặc biệt là với những người cảm thấy tuyệt vọng hoặc cô đơn trong nỗi đau của mình? Chúng ta phải cầu nguyện điều gì, mà không phải cầu xin Chúa bảo vệ chúng ta và con cái chúng ta khỏi những nghịch cảnh trong đời?Hãy cầu xin sự khôn ngoan để nhớ rằng chúng ta được hiệp nhất và ràng buộc với Đấng Christ trong nỗi đau của mình.
Vì chúng ta “ở trong Đấng Christ” (II Cô. 5:17), nên Đức Chúa Trời “hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài” (Ê-phê. 3:20). Điều này phá vỡ quan niệm cho rằng phải có sức mạnh siêu nhiên thì mới chiến thắng được nghịch cảnh. Chúng ta không có khả năng đó. Theo một nghĩa nào đó, thực tại này ẩn chứa sự tự do lớn lao.
Trong Đấng Christ, chúng ta đã được ban cho chính xác những điều chúng ta cần để bước đi trên hành trình đầy khó khăn này, dù nó có vẻ khó đến đâu. Thường khi chúng ta thấy mình sắp tan vỡ, Chúa sẽ nhắc nhớ về quyền năng thiên thượng của Ngài đang hành động trong và qua chúng ta. Bằng cách tiếp nhận lẽ thật tuyệt vời này, chúng ta sẽ giỏi chịu khổ nhờ sức mạnh của Đấng Christ – chứ không phải nhờ khả năng yếu kém của chúng ta.Hãy cầu nguyện xin Chúa thêm đức tin để chúng ta tin cậy vào bàn tay tể trị của Ngài.
Chúng ta sẽ giỏi chịu khổ khi từ bỏ ham muốn kiểm soát và tin rằng trong sự quan phòng của Chúa, Ngài đã lo liệu xong những lúc khó khăn nhất vì ích lợi của chúng ta và vì cớ vinh quang Ngài (Rô. 8:28).
Tin cậy Chúa khi thấy mình như đang trên bờ vực thẳm không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng giỏi chịu khổ bao gồm việc đầu phục bàn tay tể trị của Chúa và bám chặt lấy Đấng sẽ đưa chúng ta đi qua con đường mà chính Ngài định sẵn.
Thật tốt khi tin rằng Chúa Jêsus là Đấng Bảo Vệ chúng ta (Thi. 18:2), Đấng yêu thương vượt quá mọi sự hiểu biết (Rô. 8:38–39) và là Đấng không bao giờ mắc sai lầm (Thi. 18:30).Hãy cầu nguyện xin Chúa bảo vệ chúng ta khỏi sự tuyệt vọng. Cảm xúc tuyệt vọng khác với buồn; buồn rầu mỗi khi tan vỡ là điều tốt và đúng đắn trên cuộc đời này. Nhưng tuyệt vọng là không còn hy vọng, và không có gì khiến Sa-tan vui thích hơn việc thấy một tín đồ mất đi hy vọng vào Chúa đang khi chịu thử thách.
Chúng ta sẽ giỏi chịu khổ khi cầu nguyện kháng cự kẻ cám dỗ đang muốn chúng ta nghi ngờ sự tốt lành của Chúa. Thay vào đó, chúng ta nương dựa vào những lời hứa của Chúa Jêsus, chẳng hạn như niềm hy vọng về sự sống đời đời (Giăng 3:16) và sự trông mong về trời mới đất mới hầu đến (Khải. 21:4).Hãy cầu nguyện để niềm vui được tuôn tràn đầy dẫy trong sự thờ phượng, thậm chí qua cả những giọt nước mắt.
Thay vì trút giận lên Chúa và oán trách Chúa, hãy cầu nguyện để mắt bạn nhìn thấy sự thánh khiết của Ngài trong nỗi đau và lòng bạn hướng về sự thờ phượng.
Hãy trút bỏ mọi cay đắng đã dồn nén bấy lâu dưới chân thập tự giá. Vì tại đó chúng ta được nhắc nhớ về sự xứng đáng của Đấng Christ: nhờ những vết thương của Ngài mà chúng ta được chữa lành (I Phi. 2:24).
“Hãy trút bỏ mọi cay đắng đã dồn nén bấy lâu dưới chân thập tự giá. Vì tại đó chúng ta được nhắc về sự xứng đáng của Đấng Christ: nhờ những vết thương của Ngài mà chúng ta được chữa lành”.
Hãy cất cao tiếng hát và nhìn xem hương thơm ngọt ngào của lời ca ngợi chúng ta dâng lên Đấng Cứu Rỗi trở thành phước hạnh làm tươi mới chúng ta là thể nào.
Hãy nghiền ngẫm Kinh Thánh. Thờ phượng Chúa bằng cách học thuộc những lời hứa mà Ngài đã ban cho chúng ta trong những giai đoạn chịu khổ. Thi Thiên 19:7 nhắc chúng ta nhớ rằng “Luật Chúa Hằng Hữu trọn vẹn, phục hưng tâm linh” (KTHD).Hãy cầu xin Chúa giúp bạn biết Ngài luôn gần bên bạn. Đang khi đi trong trũng, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự chăm sóc dịu dàng và diệu kỳ của Cha chúng ta (Thi. 23). Trong nơi tối tăm, Chúa Jêsus kéo chúng ta đến gần hơn với Ngài (Thi. 34:18).
Và khi chúng ta nép mình nơi bóng cánh toàn năng của Ngài, chúng ta sẽ giỏi chịu khổ.
Gần đây tôi nhìn thấy hình ảnh một người mẹ nuôi dịu dàng nắm những ngón tay bé xíu của con mình sau ca phẫu thuật trên cơ thể non nớt ấy. Vẻ đẹp ấy không nằm ở những nụ cười ngọt ngào – điều này không thể thấy bằng mắt thường. Vẻ đẹp ấy nằm ở sự gần gũi yêu thương của người mẹ khi tay mẹ nắm lấy bàn tay bé xíu của con.
Đấng Cứu Rỗi nắm chặt bàn tay không xứng đáng của chúng ta khi chúng ta gắng sức đi qua những đau khổ trong đời này. Ngay cả khi chúng ta siết chặt tay lại, khi chúng ta cảm thấy như mình đang âm thầm rơi xuống vực thẳm, nghi ngờ và bối rối trong nỗi đau, Chúa Jêsus vẫn thì thầm: “Ta ở đây. Ta luôn bên con”.
Những thời điểm giúp đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn trong nghịch cảnh là những thời điểm quý giá và đem lại sự sống. Vì vậy, hãy cầu nguyện không phải để mọi thứ đều tốt đẹp mà để bạn giỏi chịu khổ. Sau đó, hãy ngước mắt lên và nhìn xem Chúa sẽ cung ứng cho chúng ta thể nào.
Bài: Katie Polski; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)