Oneway.vn – Không lâu sau khi tin Chúa, tôi được đứng trên sân khấu. Với lời chứng hấp dẫn và ân tứ đặc biệt, tôi đã trở thành “diễn giả" trong Hội Thánh và các trường đại học. Mặc dù có nhiều phản hồi khích lệ, tôi biết tôi cần học Kinh Thánh. Vì vậy, tôi chuyển đến Denton, Texas, để học hỏi mục sư Tom Nelson.
Sau đó tôi đã nhảy sang lĩnh vực truyền giáo đại học, cho rằng mình sẽ là “tia sáng dẫn đường”.
Nhưng Chúa có kế hoạch khác.
Sân khấu
John Bryson là lãnh đạo bộ phận truyền giáo đại học trong những năm đó. Hiểu tâm lý của những chàng trai trẻ, ông biết tôi cần học một bài học.
Trước cuộc họp mặt đầu tiên trong năm, John nói rằng có một cơ hội quan trọng cho tôi. Tôi nghĩ ông muốn tôi chia sẻ lời chứng hoặc giảng luận, nên tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhưng thay vì dẫn tôi lên sân khấu, ông lại dẫn tôi vào hậu trường. Ông chỉ vào một sợi dây. Tôi sẽ phục vụ những người trên sân khấu bằng việc mở và đóng màn.
Mỗi lần giật dây, sự thất vọng của tôi ngày một tăng lên. Tay tôi bỏng rát và lòng tôi chỉ trích những người đang diễn thuyết ngoài kia: “Nếu tôi ở ngoài đó, Chúa sẽ sử dụng tôi cách mạnh mẽ hơn nhiều". Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng Chúa, nhưng đêm đó tôi có một ấn tượng rõ rệt như thế này:
“Nếu con không thể vui vẻ ở đây, nơi không ai nhìn thấy con, giống như khi con đứng ngoài đó, nơi mọi người đều nhìn thấy con, thì con đang tìm kiếm vinh quang cho riêng mình chứ không phải cho Ta".
Chen vào bức tranh của Chúa
Và sau đó tôi tỉnh thức: Tôi đang phục vụ Chúa với động cơ lẫn lộn. Tôi hy vọng những người lạc lối sẽ được cứu – nhưng tôi cũng muốn trở thành nhà truyền giáo mà Chúa sử dụng. Tôi muốn khuyến khích các Cơ Đốc nhân – nhưng tôi cũng muốn trở thành anh hùng của họ. Tôi muốn mọi người nghĩ rằng Chúa thật tuyệt vời – và tôi cũng tuyệt vời như vậy.
Mục đích của tôi là muốn Chúa được tôn vinh qua chính tôi. Nhưng có một ranh giới rất mong manh giữa việc muốn Chúa sử dụng bạn cho vinh quang Ngài và muốn tất cả mọi người biết điều đó. Đó là ranh giới mong manh giữa thờ phượng Chúa và thờ hình tượng.
Không sai khi mong muốn trở thành một phần trong kế hoạch của Chúa, vì bạn được tạo ra cho mục đích này (Ê-phê-sô 2:10). Không sai khi muốn mọi người thấy Chúa được tôn vinh qua đời sống bạn (Ma-thi-ơ 5:16). Cũng không sai khi phục vụ với hy vọng rằng mọi người tin nhận Đấng Christ (1 Phi-e-rơ 2:12).
Đó chính là tội lỗi nếu bạn không muốn những điều này. Nhưng phải cẩn thận chú ý đến tấm lòng của chúng ta, đừng tìm cách đánh cắp vinh quang của Đức Chúa Jesus.
6 lời thú tội của một kẻ cắp vinh quang
1. Tôi muốn tôn vinh Chúa, nhưng tôi cũng muốn mình được tôn vinh.
Trong sâu thẳm tôi luôn muốn ai đó nói với tôi rằng: “Bài giảng của anh là bài giảng tuyệt vời nhất tôi đã từng nghe”. Có thể tôi mong Đức Chúa Jesus được tôn cao, nhưng đồng thời vẫn khao khát khẳng định bản thân với người khác. Người đầy tớ hữu ích sẽ vẫn hài lòng dù không ai hoan nghênh họ, miễn là mọi người hoan nghênh Đức Chúa Jesus. Nhưng người đầy tớ mong muốn được khẳng định bản thân là kẻ đánh cắp vinh quang của Đức Chúa Jesus. “Một mục sư rao giảng để có được vinh quang cho chính mình là kẻ đang cố tán tỉnh cô dâu của Đấng Christ, Đấng đã chết thay cho anh ta".
Khi nào bạn thấy khao khát muốn được khẳng định bản thân? Bạn phản ứng như thế nào?
2. Vì muốn khẳng định bản thân, tôi che giấu tội lỗi.
Cảm giác xấu hổ thuyết phục chúng ta rằng không cần trung thực về tình trạng thực sự của mình, và cám dỗ chúng ta giả vờ. Che giấu tội lỗi nghĩa là chúng ta coi trọng cái nhìn của mọi người hơn việc làm hài lòng Đấng Christ.
Tuy nhiên, khi chúng ta thú nhận tội lỗi với một Cơ Đốc nhân đáng tin cậy, Chúa sẽ đóng đinh bản ngã tranh giành vinh quang của chúng ta. Sự khiêm nhường sinh ra khi bạn nhìn vào mắt người khác và thú nhận những tội lỗi chống lại Chúa và người khác. Khao khát khẳng định bản thân – thần tượng của bạn lúc này sẽ bị nghiền nát, và Chúa được xưng vinh hiển qua chính bạn.
3. Tôi cay đắng khi Chúa dùng người khác thay tôi.
Trong năm đầu tiên tôi học ở viện, những diễn giả “giỏi nhất” từ các lớp đã tốt nghiệp được chọn để giảng trong nhà nguyện. Tôi rất muốn được nằm trong nhóm đó, tôi đã kiêng ăn cầu nguyện vì điều này. Cuối cùng tôi không được chọn. Khi lắng nghe những người anh em đó giảng dạy cách trung thực, tôi càu nhàu tại sao Chúa không sử dụng tôi mà lại sử dụng họ, dù tôi biết như vậy là sai.
Bạn có nản lòng hay cay đắng khi Chúa không chọn bạn không? Đó chính là thời điểm tốt để đánh giá lại lý do vì sao bạn theo Chúa.
4. Tôi quan tâm đến “màn trình diễn” của mình hơn việc tận hiến cho Chúa
Chúng ta thường bỏ qua cầu nguyện vì những cảm thấy có những điều khác cấp bách hơn. Cơ hội được tôn vinh khiến chúng ta quên đi sự tận hiến cho Chúa – Đấng đã ban cho chúng ta cơ hội đó ngay từ đầu. Kẻ cắp vinh quang vội vã bước ra khỏi phòng cầu nguyện, vì coi trọng việc đứng trước mặt con người hơn là trước mặt Chúa.
Tôi không nói rằng việc giảng dạy trước đám đông không phải là tôn vinh Chúa. Tôi thường cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong khi giảng đạo hoặc truyền giáo. Tuy nhiên, tôi có thể bị cám dỗ bỏ bê các kỷ luật cầu nguyện, kiêng ăn và đọc Kinh Thánh vì những điều khác lôi cuốn và gây áp lực trên tôi.
5. Tôi sợ thất bại vì những lý do sai trái
Khi một Cơ Đốc nhân phạm tội công khai, quan điểm của mọi người về Đức Chúa Trời sẽ bị ảnh hưởng xấu (Châm ngôn 25:26; Rô-ma 2:24). Viễn cảnh này làm buồn lòng bất cứ ai quan tâm đến danh Chúa.
Không sai khi quan tâm đến điều mọi người nghĩ về chúng ta. Nhưng sự khiêu ngạo khiến chúng ta che giấu tội lỗi, và sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau (Châm ngôn 16:18). Như J. C. Ryle từng nói: “Một người phải sa ngã các cá nhân từ lâu trước khi họ sa ngã trước mọi người".
6. Mong muốn bản thân được vinh quang đối nghịch với mong muốn Đức Chúa Jesus được vinh quang.
Nhiều năm trước, khi đứng ở hậu trường, tôi có những ham muốn tranh cạnh trong lòng. Tôi không bằng lòng để duy Đức Chúa Jesus được nhớ đến. Tôi muốn mọi người cũng phải nhớ đến tôi nữa.
Giăng Báp-tít không bao giờ cố gắng đánh cắp vinh quang Chúa. Đám đông đổ xô về phía Giăng, nhưng ông có một sứ mệnh – khiến danh Đức Chúa Jesus được mọi người biết đến. “Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (John 3: 28,30).
Giăng hài lòng phục vụ phía sau sân khấu để Đức Chúa Jesus có thể được nhìn rõ hơn.
Bạn có hài lòng với việc Đức Chúa Jesus được tôn vinh, ngay cả khi sẽ không ai biết đến tên bạn? Bạn có vui khi trở thành một trong những “người khác” trong Hê-bơ-rơ 11, không phải là một trong những anh hùng đức tin được nhắc tên không?
Đức Chúa Jesus đã đến để cứu những kẻ cắp vinh quang khỏi chính bản ngã của họ. Thật vậy, Chúa đã từ bỏ vinh quang của chính Ngài và chết thay cho tất cả những lần chúng ta cố đánh cắp vinh quang Ngài. Chỉ duy Chúa là Đấng đáng được ngợi khen.
Nguồn: Garrett Kell, dịch: Hồng Nhạn
(Nguồn: Thegospelcoalition.org)