Đừng là nhà truyền giáo ‘tốc độ’

Oneway.vn – Có người bạn từng kể tôi nghe câu chuyện:

 

Một vị vua già muốn có người kế vị nhưng lại không có con. Ông chọn 10 chàng trai, đưa họ đến trước ngai vàng. “Ta có một bài kiểm tra. Ai làm thành công nhất sẽ trở thành con nuôi ta và sẽ thừa kế ngai vàng”. Ông đưa cho mỗi chàng trai một vài hạt giống, bảo họ trở về nhà, trồng và nuôi dưỡng hạt giống theo chỉ dẫn của ông, sau đó đến cho ông xem kết quả. 10 chàng trai nhận lấy hạt giống và chạy về nhà gieo trồng.

Một chàng trai vô cùng buồn bã khi hạt giống không nảy mầm. Dù đã siêng năng làm mọi thứ mà nhà vua nói nhưng anh chàng vẫn thất bại. Bạn bè khuyên anh nên mua hạt giống khác để thay thế, nhưng vì cha mẹ anh kính sợ Chúa nên đã dạy anh sống trung thực từ bé, vì vậy anh từ chối.

Cuối cùng cũng đến ngày các chàng trai cho nhà vua xem kết quả. Chín chàng trai kia đều thành công; họ mang đến những chậu hoa. Nhà vua đến với từng chàng trai, hỏi rằng: “Đây có phải là hoa nảy mầm từ hạt giống ta đã ban cho ngươi không?” Mỗi chàng trai đều trả lời: “Vâng, thưa bệ hạ”. Nhà vua gật đầu, rồi cuối cùng cũng đến chỗ chàng trai cuối cùng với chiếc chậu cằn cỗi của chàng. “Ngươi đã làm gì với những hạt giống ta ban cho?” nhà vua hỏi. Run rẩy vì sợ hãi, chàng trai trả lời: “Thưa bệ hạ, tôi đã trồng và chăm sóc chúng, đúng theo lời ngài chỉ dẫn. Nhưng chúng không nảy mầm”. Trước sự ngạc nhiên của chàng trai, nhà vua mỉm cười, nắm lấy tay anh và dẫn anh đến ngai vàng. “Ta đã trao cho các ngươi những hạt giống hoa hướng dương, là loài hoa không nảy mầm ngay trong năm nó được gieo trồng. Nếu có một phẩm chất mà nhà vua nhất định phải có, thì đó là sự trung thành. Chàng trai này đã thành công và vượt qua bài kiểm tra của ta”.

Truyền giáo “tốc độ”

Hãy thật lòng: “trung thành” không phải là từ ngữ đầu tiên nảy ra trong đầu khi chúng ta nghĩ đến từ “thành công”.

Trong 20 năm qua, sự phổ biến của các phương pháp truyền giáo mới đã thay đổi định nghĩa “truyền giáo thành công”. Ngày càng có nhiều nhà truyền giáo cho rằng thành công tỉ lệ thuận với tốc độ, nghĩa là số lượng trong những người tin Chúa hoặc nhóm họp gia tăng theo cấp số nhân. Không chỉ cố gắng đi đường tắt, nhiều người còn vô tình đi trên một con đường hoàn toàn khác.

Nhà truyền giáo phải tập chú vào mục tiêu đúng đắn là vâng lời Chúa, thông qua công tác truyền giáo trung thành, môn đồ hóa và kiên nhẫn gây dựng Hội thánh. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo theo phong trào “tốc độ” lại có xu hướng xem thường những mục tiêu nhỏ như vậy.

Không giống như những chàng trai thiếu trung thực trong câu chuyện, nhà truyền giáo “tốc độ” có mục đích tốt và không muốn lừa dối ai. Nhưng tôi e rằng họ mới là người bị lừa dối, bị lôi kéo bởi một kết quả nhanh chóng, vì mong muốn tự nhiên của con người là nhìn thấy hoa trái ngay lập tức. Nhưng kết quả ấy thường chóng vánh và khó mà mang đến hoa trái đời đời.

Truyền giáo trung thành

Giống như chàng trai với chiếc chậu cằn cỗi, trung thành theo chỉ dẫn của vua ngay cả khi hoa không nở, tôi muốn vinh danh các nhà truyền giáo luôn kiên nhẫn, trung thành theo đuổi con đường truyền giáo đã được chứng minh từ xưa. Nhiều người bị lôi cuốn bởi những phương pháp truyền giáo nhanh chóng hơn, nhưng đã thất bại khi cố thay thế con đường mà Kinh thánh đã vạch ra. Phương pháp truyền giáo trung thành, cấp bách nhưng cũng kiên nhẫn đã, đang và sẽ tiếp tục sinh ra hoa trái Phúc âm lâu dài cho đến khi Đấng Christ trở lại. Và tôi tin rằng đó là con đường truyền giáo mang lại cho Chúa vinh hiển lớn nhất.

Truyền giáo trung thành, cấp bách nhưng cũng kiên nhẫn là gì? Đó là các nhà truyền giáo dành thời gian học một ngôn ngữ mới, tìm hiểu nền văn hóa mới để chia sẻ Phúc âm một cách chính xác và táo bạo (đôi khi phải kiên trì trong nhiều năm trước khi nhìn thấy được hoa trái), là những người cẩn thận làm công tác môn đồ hóa, trong khi tiếp tục hết lòng phục vụ hoặc lãnh đạo Hội thánh địa phương. Họ biết mạng lệnh Chúa là vấn đề cấp bách, vì vậy họ hành động mạnh mẽ, chăm chỉ. Và họ biết mọi việc đều nằm trong tay Chúa, nên họ kiên nhẫn chịu đựng.

Nhà truyền giáo cần nói không với “đường tắt” và từ chối ham muốn “tăng trưởng theo cấp số nhân”. Vâng, đào tạo nên các lãnh đạo có trình độ và gây dựng Hội thánh khỏe mạnh không phải việc nhanh chóng hay dễ dàng. Có lý do nên sứ đồ Phao-lô mới hướng dẫn cặn kẽ cách truyền giáo cho Ti-mô-thê, rằng: “Bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2 Ti-mô-thê 4:2). Tất cả chúng ta đều muốn thấy sự tăng trưởng theo cấp số nhân hơn là sự tăng trưởng chậm mà chắc – đặc trưng cho chức vụ trung thành. Nhưng tốc độ phát triển nằm trong tay Chúa; còn nhiệm vụ của chúng ta là người quản trị trung thành (1 Cô-rinh-tô 4:2).

Chậm mà chắc sẽ chiến thắng cuộc đua

Sau hơn 20 năm thực hiện sứ mệnh truyền giáo quốc tế, tôi kinh nghiệm rằng những người làm việc cẩn thận, đôi khi chậm chạp chính là “ống dẫn” thầm lặng cho những sứ mệnh mang đến quả ngọt đời đời trên khắp thế giới. 

Cần phải suy nghĩ lại về các nhà truyền giáo chỉ chú trọng vào tốc độ tăng trưởng, các phong trào lớn và việc gây dựng Hội thánh nhanh chóng. Còn nếu bạn thấy có một nhà truyền giáo nắm chắc mục tiêu quan trọng nhất là trung thành với Kinh Thánh, thì hãy khen ngợi họ. Nếu có một nhà truyền giáo làm việc chăm chỉ, chống lại cám dỗ sử dụng các “kỹ thuật truyền giáo” ngoài Kinh thánh trong thời kỳ khô hạn chưa thấy kết quả, thì hãy khuyến khích họ. Hãy hỗ trợ những người như vậy bằng tiền bạc, thời gian và lời cầu nguyện. Hãy nhớ rằng, người cho bạn kết quả nhanh nhất chưa chắc là người làm việc thành công nhất.

Nhà truyền giáo trung thành luôn hướng đến vụ thu hoạch tốt nhất và lâu dài nhất, sẽ đến vào thời điểm của Chúa, nếu chúng ta biết vâng lời Nhà Vua.

 

Bài: Andy Johnson; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *