Đừng làm nô lệ cho thành tích học tập

Oneway.vn – Đừng làm nô lệ cho thành tích học tập

Khi lớn lên, tôi luôn là đứa trẻ ốm yếu. Cha mẹ đã cho tôi nghỉ học và học chương trình tại nhà từ lớp ba cho đến hết cấp ba. Suốt những năm trung học, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh tự miễn.

Khi lớn lên, tôi cũng luôn muốn trở thành “một ai đó”. Một số người xung quanh tôi có hình thể tuyệt vời và năng khiếu thể thao. Những người khác thì có thể làm bừng sáng căn phòng và khiến mọi người cười phá lên. Tôi thì có thể đọc rất nhiều sách, nên việc cật lực nâng cao trí tuệ đã trở thành cách tôi dùng để được mọi người công nhận. 

Khi bắt đầu vào đại học, cách tôi có được danh tính này cuối cùng đã gây ra những hậu quả rõ ràng và nghiêm trọng. 

Tôi ngày càng nhận ra rằng việc học và chuẩn bị bài cho các tiết học hoàn toàn không phải để quản lý các khả năng Chúa ban. Tôi đã học hành chăm chỉ để được giáo viên chấp nhận và bạn học công nhận mình.

Dần dà, việc đó hủy hoại tôi. 

Nếu tôi làm tốt hoặc được thầy cô khen, tôi cảm thấy yên tâm và sự tự tin của tôi tăng vọt. Nhưng nếu thành tích tôi bị giảm sút vì bất cứ lý do gì, tôi sẽ lo lắng và thậm chí là bị đe dọa. Tôi không thể tận hưởng các tiết học, dù ban đầu tôi chọn là vì tôi thích chúng và chúng hợp với khả năng của tôi. Càng về sau, việc học mà tôi từng yêu thích trở thành gánh nặng.

Tất cả những điều này đã tàn phá sức khỏe của tôi. Tôi ốm yếu hơn trước rất nhiều. Tôi đã có 1 năm gap year “tạm dừng” trước khi bước vào đại học, nhưng do quá căng thẳng vì hai học kỳ vừa rồi nên khả năng cao là tôi sẽ phải nghỉ thêm một năm nữa. 

Định hướng lại

Sau đó, tôi kết bạn trong trường đại học với một bạn không cùng đức tin. Giống như tôi, sức khỏe của cô ấy rất kém – thực ra là cô ấy yếu hơn tôi rất nhiều, lại có nhiều bệnh nên cô ra vào bệnh viện thường xuyên. Và cũng giống tôi, cô ấy đã xây dựng danh tính mình dựa trên những gì xã hội cho là tốt. Cô ấy muốn thấy mình thuộc về gia đình, nơi mà mọi người đều khỏe mạnh, và mỗi người đều có cho mình nhiều bằng cấp. Nên bằng mọi giá cô ấy nhất định phải lấy được tấm bằng, dù điều đó khiến cô thường xuyên nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, cô ấy và tôi tin vào những điều khác nhau. 

“Tôi nhận ra mình đang sống nhờ sự cứu chuộc riêng, sự công bình riêng và các phước lành do tôi tự tạo ra, và tất cả đều vì mục đích riêng của tôi”.

Đang khi tôi hủy hoại sức khỏe mình, Chúa đã gửi đến tôi những lời cảnh báo. Lần phát bệnh mới nhất này là lời cảnh báo rằng tôi có nhiều việc cần phải làm hơn là chỉ chăm sóc sức khỏe và kiểm soát căng thẳng – Chúa đang bảo tôi phải dừng lại và định hướng lại cuộc đời mình. Trong khi cô bạn tôi vẫn kiên trì, thì tôi dừng lại. Sau nhiều cân nhắc và cầu nguyện, tôi thấy quyết định sáng suốt nhất là nghỉ thêm một năm.

Tôi nhận ra mình đang sống nhờ sự cứu chuộc riêng, sự công bình riêng và các phước lành do tôi tự tạo ra, và tất cả đều vì mục đích riêng của tôi. Tôi gần như đã sống như người không tin Chúa. 

Tìm ra danh tính và mục đích

Nhưng sao tôi lại cố gắng chứng tỏ bản thân? Là vì tôi muốn tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống.

Thế gian nói với chúng ta rằng chúng ta phải giàu có, khỏe mạnh, có tầm ảnh hưởng và độc lập thì mới có ý nghĩa. Nó thôi thúc chúng ta trở thành bất cứ điều gì chúng ta muốn. Nhưng điều đó không xứng hợp với Lời Chúa. Để tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống thì tôi phải biết mục đích Chúa dành cho cuộc đời mình—tôi là ai, Ngài dựng nên tôi để làm gì và Ngài muốn tôi làm gì—rồi nhờ cậy ân điển Ngài mà thực hiện mục đích đó. Người khác có nghĩ gì cũng không mấy quan trọng.

Việc định nghĩa lại “ý nghĩa” và chuyển sang tìm biết ý nghĩa trong Đức Chúa Trời chắc chắn dẫn đến việc tôi phải suy nghĩ lại về cách tôi nhìn nhận tình trạng của mình. Nếu tôi tin rằng Chúa đã định trước, chọn lựa và biết tôi từ trước khi tôi có trong lòng mẹ (Ê-phê. 1:4–5; Thi. 22:10; 139:13–14), thì chắc chắn Ngài đã đặc biệt dựng nên tôi với đủ mọi tình trạng lý tưởng—tình trạng hoàn hảo—để tôi sống có ý nghĩa. 

Thể trạng của tôi, với tất cả những bất tiện, trở ngại và cám dỗ để hoàn thành mục tiêu ích kỷ riêng, là một phần trong ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời tôi—thậm chí, nó là cần thiết để tôi hoàn tất mục đích của Ngài qua cuộc đời mình. 

Nếu tôi ngưng nổi loạn với Ngài và không cố để đạt được mục tiêu riêng của mình, và nếu tôi trung tín coi sóc bệnh tình mình, thì tôi sẽ vui vẻ và thỏa nguyện trong Ngài (Ma-thi. 25:21).

“Thể trạng của tôi, với tất cả những bất tiện, trở ngại và cám dỗ để hoàn thành mục tiêu ích kỷ riêng, là một phần trong ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời tôi”.

Là Cơ Đốc nhân, tất cả chúng ta cần nhắc nhớ chính mình về danh tính của mình, về cách chúng ta đã được Đức Chúa Trời chấp nhận, được hòa giải với Ngài và được Ngài ban phước – giáo lý trọn vẹn tuyệt vời về sự xưng công bình. 

Điều này có nghĩa là không cần phải chứng tỏ bản thân nữa – không cần phải tự cứu lấy mình.

Cô bạn tôi không bao giờ do dự việc học tiếp học kỳ tiếp theo. Đối với cô ấy việc đó không cần phải hỏi. 

Thực ra, lối sống của cô ấy cũng sẽ là của tất cả chúng ta nếu Đấng Christ không cứu chuộc chúng ta (Ga. 4:8-9). 

Chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự tạo ra danh tính riêng cho mình, tự tạo ra ý nghĩa cho mình trên cõi đời này và đi thực hiện nó. Chúng ta sẽ thành ra cay đắng và bất lực khi đương đầu với tình trạng sa ngã của mình nổi bật là yếu đuối và khổ đau, bởi vì chúng là điều ngăn trở những thành công cá nhân của chúng ta. 

Trước khi làm bất cứ việc gì, hãy nhớ chúng ta thuộc về Đấng Christ. Chúng ta đã được ban phước—và kinh nghiệm việc Ngài đã yêu chúng ta trước nên buộc lòng chúng ta phải yêu lại Ngài, tin cậy Ngài và thỏa lòng nhận lãnh mọi điều Ngài ban (Gióp 1:21). Điều này sẽ khiến chúng ta được tự do (Giăng 8:32; Châm. 14:27; 19:23; Thi. 25:14).

Tôi được tự do vui thích các môn học mà không còn bất kỳ gánh nặng nào. Tôi được tự do sống mà không cần phải chứng tỏ bản thân. Tôi được tự do nếu có phạm sai lầm. Tôi được tự do đáp ứng với Chúa mà không lo sợ người khác nghĩ gì. Tin Lành đã giải phóng tôi được tự do trong Đấng Christ..

 

Bài: Andrea Widjaja; dịch: Ruth

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *