Oneway.vn – Jonathan Edwards đã viết: “Có thể định nghĩa ‘đố kỵ’ là tinh thần không hài lòng, phản đối sự thịnh vượng và hạnh phúc của người khác khi so với chính bản thân mình”.
Chúng ta thường cho rằng chỉ có những người kém cỏi mới nảy sinh đố kỵ với người giỏi hơn mình. Tuy nhiên, người đã sở hữu sự thịnh vượng và hạnh phúc vẫn có thể phải đấu tranh với sự đố kỵ. Dù là ai, khi phải đấu tranh với sự đố kỵ, anh ta sẽ tự tạo ra một khoảng cách giữa bản thân và người mà anh ta so sánh. Khoảng cách ấy sẽ giết chết một con người.
Châm ngôn 14:30 nhắc nhở: Lòng bình tịnh là sự sống của thân thể; Còn sự ghen ghét là đồ mục của xương cốt. Bản chất của sự đố kỵ là sẵn sàng chịu đựng, miễn là những người khác phải chịu đựng nhiều hơn. Vâng, ngay cả một người thịnh vượng và hạnh phúc cũng sẵn sàng chịu đựng khi đấu tranh với sự đố kỵ.
Một người bạn lớn tuổi của tôi kể câu chuyện về bạn cùng lớp đại học của anh ấy. Người bạn này thông minh nhất trong lớp họ, và ai cũng biết điều đó. Anh chàng này đã đi đến mọi buổi học thêm, dành thời gian lắng nghe chương trình hỏi đáp với các giáo sư, nhưng không bao giờ hỏi bất kỳ câu hỏi nào.
Vì vậy, bạn tôi đã hỏi anh ấy: “Tại sao cậu đến đây mà lại không bao giờ đặt câu hỏi?”
Anh ta trả lời: “Tôi nghe mọi câu hỏi và trả lời khác để chắc chắn rằng mình không bỏ sót điều gì. Nhưng tôi biết mình thông minh hơn bất kỳ ai khác trong lớp. Nếu tôi đặt câu hỏi công khai về những thắc mắc của mình, nó sẽ mang lại lợi thế cho cả lớp khi khơi gợi những câu hỏi trong đầu họ, mà nếu tôi không hỏi họ sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới. Sau đó, họ sẽ thu hẹp khoảng cách, đuổi kịp tôi. Tôi bảo vệ khoảng cảnh ấy bằng cách không đặt câu hỏi. Tôi cho rằng nên nghiên cứu riêng tư những thắc mắc của mình, hoặc thậm chí là không biết gì còn hơn đặt câu hỏi công khai để tất cả mọi người đuổi theo”.
Anh ấy có lẽ đã đúng trong… thời gian ngắn. Nhưng, về lâu dài, sự đố kỵ của anh ta chỉ khiến mọi người phải chịu đựng nhiều hơn; và toàn bộ xã hội sẽ bị bần cùng hóa.
Thái độ như vậy là trực tiếp chống nghịch với Chúa Jesus. Khoảng cách giữa Chúa Jesus và nhân loại là vô cùng lớn, nhưng Ngài đã hạ mình xuống để phục vụ và thu hẹp khoảng cách đó (Phil. 2: 1-11). Thật vậy, Ngài đã đến để mang thế gian đến với Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, Ngài đến để nâng chúng ta lên với Ngài, được đồng ngồi với Ngài ở những nơi trên trời.
Trong Đấng Christ, chúng ta tìm thấy “thuốc giải độc” cho căn bệnh đố kỵ. Đó chính là mong muốn sống cho vinh quang Chúa. Yêu những người thua kém bạn, chứ không phải giữ khoảng cách với họ. Hãy chia sẻ với họ những điều tốt đẹp bạn có. Nâng họ lên, cầu nguyện cho họ và thực sự vui thích khi họ thành công.
Sự hy sinh hiện tại của bạn sẽ mang lại niềm vui lâu dài cho tất cả mọi người. Chúa Jesus sẵn sàng gánh thập tự giá và chịu đựng mọi xấu hổ, vì niềm vui đời đời mà chúng ta sẽ nhận lãnh. Giờ đây, Ngài đang ngồi bên hữu ngai vàng Đức Chúa Trời, và Chúa vui khi thấy những người Ngài cứu chuộc đang được hạnh phước trong Ngài.
Bài: James Faris; dịch: Daisy
(nguồn: churchleaders.com)