Oneway.vn – Đối với những bạn từng ly hôn, hoặc có cha mẹ hay người thân yêu đã ly dị, chỉ đề cập đến từ “ly hôn” thôi bao nỗi buồn bã, mất mát, thất vọng, giận dữ và cả hối hận, tội lỗi đã nặng nề ùa đến.
Phía sau ly hôn là nỗi đau, nó in sâu vào tâm khảm hơn bất cứ đổ vỡ nào khác. Ly hôn kéo theo nhiều đau đớn hơn cả khi người phối ngẫu qua đời. Cái chết là nỗi đau không ai mong muốn. Còn ly hôn lại xuất phát từ chính chúng ta. Nói cách khác, ly hôn chính là tổng hợp của niềm đau từ những mặc cảm tội lỗi và cả phẫn nộ từ lương tâm.
Sự tàn phá của ly hôn
Hậu quả của ly hôn là hậu quả lâu dài, mất nhiều thời gian để ổn định. Biến động của cuộc sống là vô lượng. Tâm hồn bị hành hạ bởi cảm giác thất bại và cảm giác tội lỗi.
Như trong Thi Thiên, tác giả “mỏn sức vì than-thở, mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt” (Thi-thiên 6:6).
Hiệu suất làm việc bị giảm sút. Mọi người không biết làm sao để liên lạc với bạn, và bạn bè dần lui đi. Gánh nặng lúc nào cũng bóp nghẹt bạn. Sự cô đơn này không giống như cô đơn khi bạn góa vợ/chồng, hay như người độc thân. Nó là một cảm giác riêng biệt và đây là lý do những người từng ly hôn thường dễ đồng cảm với nhau hơn.
Bạn cảm giác tương lai bị tàn phá, không còn gì cả. Những lần tranh chấp trước tòa càng làm mọi thứ mệt mỏi. Kéo theo đó là những đứa trẻ phải lãnh hậu quả từ cuộc ly hôn của cha mẹ. Cha mẹ hy vọng rằng chúng sẽ không quá tổn thương hay hôn nhân tương lai của con mình sẽ không bị ảnh hưởng. Căng thẳng về quyền nuôi con và hỗ trợ tài chính làm sâu thêm các vết thương. Và sau đó, những lần viếng thăm khó xử, thậm chí giả tạo có thể kéo dài thảm kịch qua nhiều thập kỷ. Ở Mỹ, có 4/10 cặp ly hôn sau khi kết hôn.
Bạn có thể làm gì?
Có hai cách để đáp lại một cách yêu thương và quan tâm đến tình huống này. Một là đến bên cạnh những người đã ly hôn và sát cánh bên họ khi họ đau buồn và hối tiếc về những gì đã xảy ra. Sau đó, ở lại với họ qua các cuộc chuyển đổi và giúp họ tìm thấy sự tha thứ và sức mạnh từ sự vâng phục Đấng Christ – Đấng đã chết và phục sinh khải hoàn.
Một cách khác để đáp lại một cách yêu thương và quan tâm là cho họ biết điều đó trái với ý muốn của Chúa, và làm tất cả những gì chúng ta có thể để tránh điều đó xảy ra.
Giữ nguyên khuôn khổ vững chắc của giao ước hôn nhân với các tiêu chuẩn cao, có thể cảm thấy khó khăn trong thời gian ngắn, nhưng tạo ra hàng vạn phước lành cho các thế hệ tương lai.
Giao ước tồn tại cho đến khi Chúa xóa bỏ
Tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa tối thượng của hôn nhân: Hôn nhân là sự thể hiện tình yêu giao ước giữa Chúa và Hội Thánh – con người không thể phá vỡ nó một cách hợp pháp.
Sống và bày tỏ theo lẽ thật này chính là ý nghĩa thật sự của hôn nhân. Đây là lý do cuối cùng tại sao hôn nhân tồn tại. Có những lý do khác, nhưng đây là lý do chính.
Do đó, nếu Đấng Christ từ bỏ Hội Thánh, thì một người đàn ông có thể ly dị vợ. Và nếu Hội Thánh được Chúa mua chuộc bằng huyết, không còn là cô dâu của Đấng Christ, thì một người vợ có thể ly dị chồng một cách hợp pháp. Nhưng chừng nào Đấng Christ còn giữ giao ước với cô dâu của mình – Hội Thánh, và chừng nào Hội Thánh, nhờ ân sủng bền vững của Chúa, vẫn là những người được chọn của Chúa Jesus, thì những gì Chúa đã kết hợp chỉ có Chúa mới có thể tách rời.
Tôn trọng sự thiêng liêng
Tôi cầu nguyện rằng bài này sẽ làm chúng ta nghiêm túc hơn về hôn nhân thánh. Thế giới đối xử với viên kim cương này giống như một hòn đá. Nhưng trên thực tế, hôn nhân thiêng liêng vượt xa những gì hầu hết mọi người tưởng tượng. Đó là một sáng tạo độc đáo của Đức Chúa Trời, mô tả đầy ấn tượng về mối quan hệ của Đức Chúa Trời với dân của Ngài, và phô diễn vinh quang của tình yêu giao ước của Đức Chúa Trời. Ngược lại tất cả các thái độ khinh thường hôn nhân trên thế giới – Lời Chúa nói về hôn nhân thật vĩ đại. Đây là công việc của Đức Chúa Trời, không phải con người, và con người không có quyền kết thúc nó.
Chúa Jesus biết rõ luật Môi-se
Trong Mác 10:1-12, những người Pha-ri-si đến gặp Chúa Jesus và hỏi có phải việc một người đàn ông ly dị vợ là hợp pháp không?
Ngày nay, người ta không còn thắc mắc, mà khẳng định: nó không chỉ hợp pháp mà còn dễ dàng và rẻ tiền. Chỉ cần Google từ ly hôn và xem kết quả (Ly hôn trực tuyến dễ dàng, ly hôn trực tiếp đơn giản, ly hôn với chi phí thấp…).
Tôi nói một cách thận trọng và nghiêm túc: Những người khinh dễ thiết lập của Đức Chúa Trời và vinh quang của Đấng Christ, xây dựng cuộc sống và ngành công nghiệp khiến cho ly hôn trở nên rẻ tiền và dễ dàng đang đối diện sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời, họ cần phải hối cải và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài thông qua Đấng Christ trước khi quá muộn.
Chúa Jesus biết rằng người Pha-ri-si, nói chung, là một thế hệ “hung ác gian dâm” (Ma-thi-ơ 12:39). Ngài biết họ muốn hợp lý hóa việc ly hôn.
Vì vậy, Ngài hỏi họ trong Mác 10:3 “Vậy chớ Môi-se dạy các ngươi điều chi?”. Môi-se không chỉ viết Phục truyền Luật lệ Ký mà họ sắp trích dẫn nhưng ông cũng đã viết Sáng thế Ký. Câu 4: “Họ thưa rằng: Môi-se có cho phép viết tờ để và cho phép để vợ.” (Phục truyền luật lệ ký 24:1)
Chúa Jesus sẽ nói gì để đáp lại lời biện hộ này?
Câu 5: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ấy vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên người đã truyền mạng nầy cho”. Thật tuyệt vời. Nói cách khác, Ngài ngụ ý rằng có những luật lệ trong Cựu Ước không thể hiện hoàn toàn ý chỉ của Đức Chúa Trời, mà đó là cách tốt nhất để kiểm soát tội lỗi ở một số đối tượng trong một thời điểm cụ thể.
Ly hôn không bao giờ là mệnh lệnh hay được thiết lập trong Cựu Ước. Nhưng nó đã được điều chỉnh và cho phép, giống như chế độ đa thê và một số loại nô lệ nhất định được cho phép và quy định. Chúa Jesus nói ở đây rằng sự cho phép này không phản ánh ý tưởng của Đức Chúa Trời đối với dân tộc mình. Nhưng phản ánh sự cứng lòng của con người. Vì tấm lòng chai đá của họ, Môi-se đã viết điều răn đó.
Trở về thời Sáng thế
Sau đó, Chúa Jesus đưa những người Pha-ri-si (và chúng ta) trở lại với ý tưởng của Đấng Tạo Hóa. Ngài trích dẫn Sáng thế Ký 1:27; 2:24. Mác 10:6-8: “Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ; và hai người cùng nên một thịt mà thôi. Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa, mà chỉ một thịt.”
Rõ ràng, Chúa Jesus nhìn thấy một sự mâu thuẫn giữa Phục truyền luật lệ ký 24 và Sáng thế ký 1 và 2. Nhưng ở đầu câu 6 “Nhưng từ lúc đầu sáng thế” cho chúng ta biết: Ý muốn của Đức Chúa Trời từ Sáng Thế không giống những gì được thể hiện trong Phục truyền luật lệ ký 24.
Vậy thì Chúa Jesus sẽ theo hướng nào?
Ngài sẽ nói: Chà, hiện nay loài người vẫn cứng lòng, kể cả những môn đồ cũng vậy, vì thế Phục truyền Luật lệ Ký vẫn thể hiện ý Đức Chúa Trời cho các Cơ đốc nhân ngày nay? Hay Chúa sẽ nói “Ta là Đấng Cứu Thế, Đấng Christ?”
Con Người đã giáng sinh để kêu gọi một dân tộc tin vào Ngài và hiệp một với Chúa thể hiện ý nghĩa thực sự của hôn nhân bằng cách giữ giao ước giữa Ngài và Hội Thánh.
Chúng ta cần chú tâm vào thực tế là trong Hội Thánh vẫn còn sự cứng lòng, hay trọng tâm ở “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17)?
Dịch: Janebie
(Nguồn: desiringgod.org)