Đừng xem ân điển như món quà “rẻ tiền”!

Oneway.vn – Hãy thử tưởng tượng Chúa Jêsus trao cho tất cả mọi người một tấm thẻ bằng vàng.

Mục đích của thẻ này là mang đến sự tha thứ khi con người phạm tội. Mỗi khi bạn phạm tội, chỉ cần rút thẻ vàng này ra, thì bất cứ tội lỗi nào bạn vừa phạm phải sẽ được xóa đi ngay lập tức và cuộc sống sẽ tiếp diễn như bình thường!

Nghe có vẻ kỳ quặc nhỉ? Điều này có làm cho ân điển trở nên “rẻ tiền” quá không? Thật không may, đó chính xác là những gì một số Hội Thánh đã làm bằng cách tập trung vào ân điển để loại trừ các lẽ thật khác của Kinh Thánh.

Tại các Hội Thánh ở Mỹ vào những năm 80 và 90, chúng ta đã thấy quá nhiều sự dạy dỗ về chủ đề đức tin. Đức tin, đức tin, đức tin! Có băng đĩa dạy đức tin, hội thảo đức tin, Hội Thánh đức tin, trường đại học đức tin. Thậm chí còn có một Thành phố Đức tin! Đó là một phần của Tulsa OK, nơi được xem là “trung tâm đức tin” của đất nước. 

Sau một thời gian, có những người bám vào giá trị đức tin Cơ Đốc giáo đến mức cực đoan. Nhiều người mất việc kinh doanh, Hội Thánh và mục vụ bắt đầu thất bại, hôn nhân tan vỡ và mọi người bỏ lỡ lẽ thật quan trọng nhất về đức tin. Đó là, đức tin chân chính theo Kinh Thánh khởi nguyên từ Đức Chúa Trời, không phải con người. 

Có một câu nói khôn ngoan thế này: bất cứ khi nào bạn dạy quá nhiều về một điều trong Kinh Thánh, thì điều đó rất dễ trở thành tà giáo. Trong 2 Ti-mô-thê 2:15b, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê phân sắp xếp lời lẽ thật một cách thật đúng đắn. Trong các Hội Thánh ngày nay, dường như chúng ta thích đưa ra một học thuyết thú vị thu hút “vị giác tâm linh” của mọi người, và chúng ta chạy theo nó. 

Chúng ta sáng tác ra những bài hát thờ phượng mới, chúng ta viết sách, tổ chức hội thảo về chủ đề hấp dẫn, mời những diễn giả đặc biệt, và khiến người tham dự tràn ngập những suy nghĩ về chủ đề ấy. Chúng ta quên thêm sự cân bằng để giữ cho mọi người vững vàng trong sự hài hòa của Thánh Kinh.

Tôi nhớ một lần nọ, vợ tôi đã kiếm được một món hời tại siêu thị – một thùng sốt cà chua. Khi những chai đầu tiên được mở ra, chúng tôi rưới đầy sốt cà chua lên mọi thứ. Nhưng không may, một nửa lượng sốt luôn bị bỏ lại. Chúng tôi cho sốt cà chua vào mọi thứ; rất nhiều sốt cà chua. Sốt cà chua, sốt cà chua, sốt cà chua, ở khắp mọi nơi! Tuy nhiên, khoảng một năm sau, khi chai cuối cùng cũng hết, thì sốt cà chua bỗng trở nên quý giá! 

Đột nhiên, chúng tôi không cho một lượng lớn sốt cà chua vào mọi thứ. Mặc dù có thể mua thêm, nhưng chúng tôi biết rằng mình sắp sử dụng hết thùng sốt cà chua này!

Phép so sánh này nghe có vẻ không hay cho lắm, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm điều đó với dòng huyết của Cứu Chúa Jêsus. Chúng ta đã nghe quá nhiều về ân điển, đến nỗi hạ thấp toàn bộ giá trị của ân điển. Chúng ta đã rưới ân điển khắp nơi, trên tất cả mọi thứ. Chúng ta đã sống với một tư duy “cẩu thả”. Chúng ta làm cho dòng huyết Chúa Jêsus trở nên thật rẻ tiền, bởi vì chúng ta sử dụng ơn hy sinh Ngài như thẻ vàng xóa tội. Kết quả là, mỗi khi phạm tội chúng ta sẽ nghĩ rằng: “Ồ, không có gì to tát! Còn rất nhiều huyết của Chúa Jêsus để xóa tội mà”! Hãy suy ngẫm xem câu nói đó đau đớn đến dường nào! Có thể chúng ta không nói điều đó trực tiếp, nhưng về bản chất, đó chính xác là những gì chúng ta đang làm khi sống một đời sống buông thả, phục vụ xác thịt chứ không phải Thánh Linh, mong đợi Chúa Jêsus bù đắp mọi thiếu sót của chúng ta.

Trên công trường xây dựng, ở những nơi có nguy cơ bị ngã, phải dựng lan can an toàn tạm thời để bảo vệ công nhân. Lan can không phải để ngồi, trèo lên hoặc giỡn hớt. Lan can ở đó vì một mục đích duy nhất, đó là bảo vệ. Trong trường hợp bạn trượt chân, lan can sẽ đỡ bạn và giúp bạn không bị ngã chết. Đó chính xác là những gì Đức Thánh Linh đã dạy tôi về mục đích của ân điển. Ân điển giống như lan can an toàn trên công trường để đỡ lấy bạn nếu bạn vấp ngã. Để mang đến chiếc “đệm cứu hộ” – ơn tha thứ của Đức Chúa Trời, vì Chúa Jêsus đã chịu đau khổ và chết trên thập giá thay cho tội lỗi chúng ta. Ân điển ở đó để chúng ta không sa đà quá sâu mỗi khi vấp ngã, đến nỗi phải chịu sự kết án của ma quỷ và không chống chọi nổi trước sự trói buộc của tội lỗi đó. 

Hãy ca ngợi Chúa Jêsus về món quà tuyệt vời của ân điển và lời hứa tha tội dành cho chúng ta, như trong 1 Giăng 1:9: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính”. Hãy luôn nhớ nửa sau của câu này cũng quan trọng như nửa đầu!

Khi chúng ta cùng nhau dự phần với bánh và chén trong Lễ Tiệc Thánh mỗi tháng, mục sư sẽ đọc 1 Cô-rinh-tô 11:23-29 cẩn thận từng chữ một. Có những cảnh báo rất nghiêm khắc về việc dự tiệc thánh mà “không xứng đáng”. Mặc dù những cảnh báo như vậy trong Kinh Thánh có vẻ không phù hợp với những lời dạy về ân điển “cực đoan” thời nay, nhưng chắc chắn chúng ta không nên bỏ qua dù chỉ một lời.

Một lần nữa, Phao-lô làm rõ những điều này trong Rô-ma 6:1,2: “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội lỗi để ân điển được dư dật sao? Không hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi thì làm sao cứ tiếp tục sống trong tội lỗi được?” 

Anh chị em ơi, hãy nhận lãnh toàn bộ những lời dạy của Chúa, đừng phớt lờ phần nào cả! Giống như toàn bộ 1 Giăng 1:9: Hãy đón nhận cả sự thánh hóa lẫn ân điển Ngài!

 

Bài: Nolan Harkness; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianpost.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *